Chính trị viên Đảo Trường Sa Lớn, Trung tá Lương Xuân Giáp vui vẻ chia sẻ cùng chúng tôi: "Khoảng 1 tuần lễ nữa thôi là đến Tết. Người dân Việt ở đâu, đi xa về gần mỗi năm đều mong Tết đến Xuân về. Giữa trùng khơi biển cả, sự mong đợi đó càng nhân lên gấp bội trong lòng những người lính, người dân đang sinh sống và làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước thân yêu. Chuẩn bị về vật chất và tinh thần để tổ chức cho mọi người trên đảo đón Tết vui vẻ trong khi vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ canh trời, canh biển của Tổ quốc luôn là suy nghĩ thường trực trong Ban chỉ huy đảo, trong mỗi sĩ quan, chiến sĩ, hộ dân trên đảo. Năm nào cũng vậy, đất liền luôn dành cho những người lính, người dân trên đảo Trường Sa những tình cảm và vật chất cần thiết đủ để cả đảo có Tết; nhà nhà, người người có Tết."
Theo chân chính trị viên đảo, tới bếp ăn Cụm chiến đấu II, chúng tôi thấy có tới hàng chục chiến sĩ đang bận rộn với việc làm thịt lợn để phát thịt cho các hộ dân, các đơn vị làm nhân bánh chưng và tổ chức bữa cơm chào mừng khách từ đất liền ra. Tiếng lợn kêu, tiếng râm ran chuyện trò, tiếng nô đùa của trẻ nhỏ cùng tiếng dao thớt lúc khoan lúc nhặt có cảm giác như Tết đã về trên đảo.
Sang Cụm chiến đấu I cùng các cụm, các đơn vị chiến đấu, phục vụ, kỹ thuật khác, nhiều cán bộ chiến sĩ cũng đang chung tay lo nồi bánh chưng Tết. Trung tá Ánh, Cụm trưởng Cụm chiến đấu I giới thiệu với chúng tôi về những chiếc lá bàng vuông xanh có kích cỡ tương đương chiếc lá dong nhỏ sẽ được dùng làm lá gói bánh chưng.
Theo anh thì có lá dong là tốt nhất, tuy nhiên những chuyến tàu ra đảo trong dịp cuối năm cũ đầu năm mới đi trong điều kiện gió to, sóng lớn, thời gian đi dài gấp 2-3 lần so với khi biển lặng sóng yên nên lá dong mang từ đất liền ra phần nhiều bị khô héo. Vì vậy, lá bàng vuông là giải pháp thay thế hữu hiệu nhất. Mùi vị bánh chưng gói bằng lá bàng vuông cũng là đặc trưng riêng của bánh chưng Trường Sa.
Lá bàng vuông được rửa và lau sạch, gấp dọc theo sống lá và cắt theo kích cỡ của khuôn; với bàn tay của người lính quen cầm súng, những chiếc bánh được gói bằng lá bàng cũng đẹp, hấp dẫn như những chiếc bánh được gói bằng lá dong thứ thiệt.
Tại hội trường lớn của đảo có rất nhiều cán bộ, chiến sĩ mang quân phục của các quân binh chủng khác nhau đang chung tay hoàn chỉnh những tờ báo tường của đơn vị mình; trang trí cây mai, cây đào, mâm ngũ quả từ những cây quả của đảo.
Đêm giao thừa, trừ lực lượng trực chiến đấu, những người dân và cán bộ chiến sĩ còn lại sẽ tập trung về hội trường để nghe Chủ tịch nước chúc Tết; bình và đọc thơ, vui văn nghệ và nhận lời chúc Tết cùng “lì xì” đầu năm của Ban chỉ huy đảo.
Qua thăm một số gia đình trên đảo - hộ anh Tuấn chị San, hộ anh Hoài chị Na, hộ chị Lê Thị Trúc Hà, chị Nguyễn Bình Phương Ái…, chúng tôi cũng cảm nhận được không khí Tết đang về trong mỗi gia đình.
Được hỏi về việc chuẩn bị đón Tết, gia đình nào cũng vui vẻ chia sẻ: "Không thiếu vật chất đâu các anh ơi!" Chị Hà, chị San, chị Ánh kéo tay chúng tôi xuống khu nhà bếp, mở tủ lạnh để chúng tôi thấy. Tủ lạnh nào cũng chật hết những thực phẩm tươi sống. Bên cạnh đó là những nồi thịt, cá đã được nấu theo thực đơn gia đình vừa để ăn trong mấy ngày Tết vừa để giải quyết cho khâu bảo quản thực phẩm.
Các gia đình cũng chia sẻ, tất cả thực phẩm, bánh kẹo, vật trang trí trong gia đình đều được nhận từ đảo, quà tặng của các đoàn ra thăm chúc Tết đảo. Tết đến, xuân về, trong niềm vui hân hoan được sự quan tâm chu đáo của đảo, của đất liền, trong ánh mắt của mọi người cũng thấp thoáng nỗi nhớ về người thân, về không khí Tết ở quê hương.
Tại một khuôn đất mát mẻ dưới tán cây tra, cây bàng vuông, có 2-3 chiến sĩ đang cặm cụi bới đất lấy lên những chiếc bao bì gai, lại gần mới hay là lính đảo đang thu hoạch giá đỗ. Một người lính giới thiệu qua với chúng tôi về cách ủ giá đỗ ở đảo Trường Sa. Một thùng xây bằng gạch cao chừng 80cm với kích thước 80 x 60 làm nơi ủ giá đỗ để phòng mấy chú lợn, chó thả rông phá.
Cách thức ngâm giá giống như cách làm truyền thống, tuy nhiên ở đảo phải ứng dụng một số kỹ thuật khác cho phù hợp. Người lính đảo lấy bao bì gai đốt cháy hết xơ gai trước khi trải vào thùng gạch, rải đều đậu đã ngâm nứt vỏ. Trên mỗi lớp đậu được phủ bằng lớp cát mỏng - cát lấy ở vùng nước san hô đã được rửa qua nước ngọt để mất đi sự mặn mòi của cát biển (thay cho cách ủ bằng lá tre truyền thống vì ở đảo không có lá tre). Đậu ủ chừng 3 ngày. Ngâm vào ngày có mưa thì không phải tưới nước, ngày không có mưa tưới 2 lần/ngày.
Nhìn thành quả lao động của người lính đảo, mừng vì anh em có thêm một dạng rau xanh trong mỗi bữa ăn thay thế cho những vườn rau bị hại do sương muối, vui hơn vì ngày Tết có bát canh giá hay đĩa giá xào thịt chắc cũng làm đậm thêm hương vị Tết quê mình.
Thượng tá Phạm Văn Hòa, Chỉ huy trưởng Đảo Trường Sa Lớn kiêm Chủ tịch thị trấn Đảo Trường Sa Lớn cho chúng tôi biết tối giao thừa, sau lễ đón năm mới chung ở hội trường lớn của đảo, Ban chỉ huy đảo sẽ đi đến các điểm gác, trực chiến đấu chúc tết cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ.
Sáng mùng một Tết, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo sẽ đến thắp hương tại Đài tưởng niệm liệt sĩ, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, viếng mộ liệt sĩ trên đảo.
Sau đó, các gia đình, người lính trên đảo tổ chức thành từng nhóm đi thắp hương ở chùa và liên hoan, chúc Tết với các đơn vị, đồng hương trên đảo…
Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên Đảo Trường Sa Lớn ăn Tết theo chế độ tiêu chuẩn của quân đội qui định, tuy nhiên năm nào cũng vậy, người lính ở Trường Sa luôn nhận được sự động viên kịp thời từ đất liền nên vật chất dành đón Tết cũng luôn đầy đủ.
Đã đến ngày tàu nhổ neo rời đảo. Chia tay những người lính đảo, nhìn những bàn tay vẫy vẫy và những giọt nước mắt xúc động lăn trên gương mặt những người dân đứng trên cầu tàu lẫn trong sắc phục người lính Hải quân Việt Nam, những người trong đoàn công tác chúng tôi cùng hát vang lời ca “Không xa đâu Trường Sa ơi/ Không xa đâu Trường Sa ơi” như một lời hẹn ngày trở lại.
Chúc một năm mới hạnh phúc và yên bình đến với quân dân trên các đảo, điểm đảo ở Trường Sa.
Các chiến sỹ ở đảo Trường Sa Lớn chuẩn bị đón Tết.
|