Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuân Lan khẩu chiến với nhà phê bình phim

Mi Lan/laodong.vn
Chia sẻ Zalo

Cựu siêu mẫu Xuân Lan có cuộc khẩu chiến kéo dài với nhà phê bình phim Lê Hồng Lâm trên mạng xã hội. Xuân Lan cho rằng, “những review ác ý” của nhà phê bình đã kéo theo hệ lụy không nhỏ đến phim “Cái giá của hạnh phúc”.

 

Xuân Lan trong buổi ra mắt phim “Cái giá của hạnh phúc”. Ảnh: Nhà sản xuất
Xuân Lan trong buổi ra mắt phim “Cái giá của hạnh phúc”. Ảnh: Nhà sản xuất

“Ai bảo anh chê con tôi xấu”

Cựu người mẫu Xuân Lan tham gia vai trò sản xuất đồng thời đảm nhận vai nữ chính trong phim “Cái giá của hạnh phúc”.

Tính đến trưa 30.4, doanh số ghi nhận trên Box Office của phim “Cái giá của hạnh phúc” là 23,9 tỉ đồng. Suất chiếu tại các rạp thưa thớt. Phim được cho là dự án thua lỗ của Xuân Lan.

Trước đó, nhà phê bình Lê Hồng Lâm có bài viết chia sẻ góc nhìn, quan điểm của anh trên trang cá nhân về bộ phim “Cái giá của hạnh phúc”, anh cho rằng, “Cái giá của hạnh phúc là một phim drama chồng drama, khiến tôi có cảm tưởng đang xem những bộ phim melodrama (kịch, phim tâm lý tình cảm) của Venezuela hay mấy nước khu vực Nam Mỹ thời thập niên 80, 90. Phim có đầu tư và thấy được tham vọng làm nghề tử tế của đạo diễn - nhà sản xuất, nhưng tư duy và thẩm mỹ thì tôi phải nói thẳng là nông, lỗi thời”.

Bài viết cùng với những bình luận của nhà phê bình phim Lê Hồng Lâm trên trang cá nhân của anh đã khiến cựu siêu mẫu “nổi đóa”.

Xuân Lan đáp trả trên cả trang của Lê Hồng Lâm và trang cá nhân, với quan điểm cho rằng, ngòi bút của nhà phê bình đang dìm chết bộ phim.

Xuân Lan, Thái Hòa trong phim “Cái giá của hạnh phúc“. Ảnh: Nhà sản xuất
Xuân Lan, Thái Hòa trong phim “Cái giá của hạnh phúc“. Ảnh: Nhà sản xuất

Lâu nay, mối quan hệ giữa các nhà phê bình với giới làm phim vẫn xảy ra những chuyện “cơm không lành, canh không ngọt”, nhất là với những bài phản biện.

Từng có nhà phê bình cảm thán, nhiều nghệ sĩ Việt không chịu đựng nổi lời chê. Dù công việc của họ làm, là đưa tác phẩm ra trước công chúng, khi tác phẩm đã ra với công chúng, việc khen – chê là không thể tránh khỏi.

Phóng viên viết bài này còn từng nhận tin nhắn “dọa giết” của một đạo diễn khi viết bài phản biện về bộ phim của họ.

Việc đạo diễn, nhà sản xuất yêu quý, trân trọng, nâng niu tác phẩm của mình là điều dễ hiểu. Tác phẩm giống như đứa con tinh thần được chăm bẵm, nuôi nấng, dồn hết tâm lực, tiền tài. Thế nên, khi có ý kiến chê bai, sẽ phản ứng theo kiểu, "xù lông nhím", “ai bảo anh chê con tôi xấu”.

Thế nhưng, không ai có thể “ép” được khán giả phải yêu quý, phải thấu hiểu tác phẩm như tác giả.

Xuân Lan đăng đàn đòi giải thích từng tình tiết phim cho nhà phê bình Lê Hồng Lâm, để anh hiểu hơn về bộ phim của cô, điều này được cho là cách hành xử... bi hài.

Nói như đạo diễn Victor Vũ từng bày tỏ, “Nhiệm vụ của đạo diễn, nhà sản xuất là làm tốt nhất có thể bộ phim của mình. Khi phim ra rạp, số phận của nó đã thuộc về khán giả. Lúc ấy, đạo diễn hay nhà sản xuất không thể can thiệp được nữa, không thể chi phối được nữa”.

Phim thắng lợi hay không, do khán giả quyết định. Cảm nhận, suy nghĩ về bộ phim như thế nào, hay – hoặc dở, là quyền của khán giả.

"Cái giá của hạnh phúc” ít suất chiếu, doanh thu ảm đạm. Ảnh: Nhà sản xuất
"Cái giá của hạnh phúc” ít suất chiếu, doanh thu ảm đạm. Ảnh: Nhà sản xuất

Một lời chê không thể “đập chết” một bộ phim

Cựu siêu mẫu Xuân Lan cho rằng, nhà phê bình Lê Hồng Lâm đang cố tình dùng búa để đập cô và bộ phim.

Thực tế cho thấy, có rất nhiều bộ phim trải qua sóng gió dư luận giữa muôn chiều ý kiến khen chê đối nghịch vẫn thắng lớn, có thể kể đến “Đất rừng phương Nam”.

Bộ phim vừa ra rạp đã chịu chỉ trích dữ dội xoay quanh các yếu tố liên quan đến lịch sử, cuối cùng, phim vẫn cán đích doanh thu 140 tỉ đồng khi rời rạp.

Hầu hết các phim của Trấn Thành ra rạp đều kéo theo muôn vàn ý kiến khen chê, người khen có thể khen hết lời, người chê cũng chê hết nhẽ.

Từ “Bố già” đến “Nhà bà Nữ” đều nhận chỉ trích vì thoại nhiều, tất cả các nhân vật đều cãi vã, to tiếng suốt cả thời lượng phim khiến khán giả đau đầu. Rằng, Trấn Thành làm phim điện ảnh nhưng giống như phim truyền hình... Nhưng, tất cả phim Trấn Thành đều thắng lớn.

Đạo diễn Charlie Nguyễn phân tích, sự thành – bại của một bộ phim khi ra rạp phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Với một tác phẩm điện ảnh, yếu tố quan trọng nhất phải là kịch bản, câu chuyện thức thời, đề tài được khán giả quan tâm, cách xử lý và triển khai câu chuyện của đạo diễn... Khi phim chất lượng, chạm đến trái tim khán giả, tự khắc hiệu ứng truyền miệng sẽ giúp phim có được doanh thu khả quan.

Loạt phim của Trấn Thành luôn đứng giữa nhiều chiều ý kiến, vẫn thắng lớn. Ảnh: Nhà sản xuất
Loạt phim của Trấn Thành luôn đứng giữa nhiều chiều ý kiến, vẫn thắng lớn. Ảnh: Nhà sản xuất

Với những nhà làm phim chuyên nghiệp và công tâm, họ hiểu rằng, khi đã làm một bộ phim để dành cho công chúng, hãy “fair play” (chơi đẹp) với công chúng, để mỗi người đều có quyền được bày tỏ cảm nhận của mình về phim.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh nói, khi phim đã ra rạp, anh không sợ lời khen - tiếng chê hay tranh cãi của khán giả, “Điều tôi sợ nhất là khi phim ra rạp mà chẳng ai nói gì”.