Xuân về trên Thành phố mang tên Bác

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau đại thắng mùa xuân 1975, nhìn lại 41 mùa xuân qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã thay da đổi thịt một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, bộ mặt kiến trúc đô thị đã thay đổi một cách căn bản, với những công trình tầm cỡ mang biểu tượng mới của Thành phố mang tên Bác.

Vậy là hơn 40 năm đã qua, sau ngày Sài Gòn được giải phóng, Thành phố đã thay da đổi thịt rất nhiều. Nhưng những công trình biểu tượng của Thành phố như Nhà thờ Ðức Bà, chợ Bến Thành, Bến Nhà Rồng, Dinh Thống Nhất, …vẫn sống mãi với thời gian.
Xuân về trên Thành phố mang tên Bác - Ảnh 1
Trong ký ức mỗi người dân Sài Gòn, hình ảnh chen chúc ở bến phà Thủ Thiêm vào mỗi buổi chiều để chờ chuyến phà cuối cùng cập bến vẫn còn đậm sâu. Ở thời điểm đó, những người dân ở Thủ Thiêm mong mỏi mỗi khi đi vào trung tâm thành phố không phải đợi chờ hằng tiếng đồng hồ những chuyến phà qua sông. Giờ đây, mong ước đó đã thành hiện thực. Họ đã có một lối đi ngay dưới lòng sông Sài Gòn, chỉ mất 5 phút là có thể sang bên kia bờ, đó là hầm Thủ Thiêm chui ngầm qua sông Sài Gòn. Hầm Thủ Thiêm là hạng mục quan trọng nhất trong dự án đại lộ Ðông – Tây, nối đại lộ Võ Văn Kiệt với đại lộ Mai Chí Thọ rộng thênh thang. Bên cạnh việc giải tỏa áp lực cho cầu Sài Gòn, tuyến đường mới qua hầm còn rút ngắn thời gian từ trung tâm thành phố về các tỉnh miền Tây lẫn miền Ðông.
Trước khi hoàn thành các dự án vệ sinh môi trường xóa bỏ khu nhà ổ chuột trên lưu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè và Tân Hóa – Lò Gốm, trong tâm trí người dân, mỗi lần đi qua đây mọi người gần như phải nín thở di chuyển làm sao thoát cho thật nhanh ra khỏi khu vực này vì không khí nặng mùi xú uế.
Xuân về trên Thành phố mang tên Bác - Ảnh 2
Sau khi Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư 8.600 tỷ đồng cải tạo vệ sinh môi trường trên lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè, từ chỗ là dòng kênh chết, bây giờ hai bên bờ là hai con đường mang tên Hoàng Sa và Trường Sa rợp bóng cây xanh, dưới kênh từng đàn cá tung tăng bơi lội. Những người dân trước đây phải sống trong các ngôi nhà ổ chuột, thì nay cuộc sống của họ đã thay đổi, đáng sống hơn.

Ngoài lưu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, hàng loạt dòng kênh khác ở thành phố đã và đang được cải tạo, mang lại không khí trong lành và thoáng mát. Sự đổi thay đó được người dân sinh sống ở hai bên bờ kênh Tân Hóa – Lò Gốm (Quận 6) thốt lên lời: “Niềm ao ước bấy lâu nay đã thỏa nỗi chờ mong…” vào mỗi  chiều ra bờ kênh hưởng làn gió mát phả lên từ dòng nước trong xanh.

Nhắc đến khu đông của Sài Gòn xưa (quận 2, quận 7 bây giờ) nhiều người đi xa thành phố không khỏi ngỡ ngàng khi cả vùng đất thấp trũng, hoang vu, um tùm của những đám rừng dừa nước nay được thay thế bằng khu đô thị mới với nhiều chung cư cao cấp mang kiến trúc hiện đại, những đại lộ rộng thênh thang… Cùng với đó là cả một nền tảng đời sống, kinh tế, văn hóa rất vững vàng, năng động, là đầu tàu nền kinh tế nước nhà đang sẵn sàng hội nhập sâu rộng với thế giới.
Xuân về trên Thành phố mang tên Bác - Ảnh 3
Thành phố mang tên Bác, hôm nay đã trở thành “miền đất hứa”, một thành phố trẻ đáng sống, đáng để lập nghiệp, một thành phố mà mọi người có thể tự do hít thở bầu không khí luôn căng tràn năng lượng và nhựa sống.

Mùa xuân đang về trong từng ngôi nhà, góc phố Sài Gòn. Ðược chứng kiến sự đổi thay của thành phố sau 41 mùa xuân thống nhất, mỗi người dân nơi đây lại thấy tự hào hơn khi được sống, làm việc và học tập trên Thành phố mang tên Bác.