Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuân về trên vùng đất ngã ba sông

Bài, ảnh: Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nằm ở nơi hợp lưu của 3 con sông lớn gồm: Sông Hồng, sông Đà và sông Lô, xã Tản Hồng (huyện Ba Vì, TP Hà Nội) có xuất phát điểm khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới khá thấp.

Dù vậy, niềm vui đã đến với người dân và các cấp chính quyền nơi đây trong những ngày cận Tết Quý Mão 2023, khi địa phương đón nhận thông tin đủ điều kiện về đích nông thôn mới nâng cao.

Những tuyến đường rực rỡ cờ hoa ở xã Tản Hồng.
Những tuyến đường rực rỡ cờ hoa ở xã Tản Hồng.

Chung tay xây dựng miền quê đáng sống

Chúng tôi tìm về xã Tản Hồng vào những ngày cuối năm. Đây là địa phương nằm xa trung tâm huyện Ba Vì nhất về phía Bắc, tiếp giáp với hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Mảnh đất này cũng là nơi hợp lưu của 3 con sông lớn. Trên con đường giao thông nông thôn dẫn về trung tâm xã, cờ hoa được người dân trang hoàng đỏ rực chuẩn bị đón Tết Quý Mão 2023.

Chủ tịch UBND xã Tản Hồng Hoàng Minh Sơn cho biết, những năm qua, phong trào “Xây dựng và giữ gìn thôn làng, ngõ xóm sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn” do UBND huyện Ba Vì phát động đã được người dân nơi đây hưởng ứng tham gia tích cực. Chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân đóng góp gần 1,3 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công lao động để quét vôi ve toàn bộ các bức tường rào, vẽ tranh bích họa tô thắm cho làng quê ven sông. Cùng với đó là trồng mới gần 1.700 cây xanh; duy trì chăm sóc 9 tuyến đường hoa…

Trong phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tại xã Tản Hồng, đã có nhiều hộ gia đình, cá nhân tích cực đóng góp của cải, vật chất. Điển hình như hộ gia đình ông Phương Công Thạch ở thôn La Thiện, đã ủng hộ gần 2,3 tỷ đồng để chính quyền địa phương xây dựng đường giao thông nông thôn.

Trưởng thôn La Thiện (xã Tản Hồng) Nguyễn Văn Duy cho biết, Xuân Quý Mão 2023, người dân các Cụm dân cư số 11 và 12 của thôn sẽ đón niềm vui lớn khi hai điểm sinh hoạt cộng đồng được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Đây cũng là hai công trình có sự đóng góp lên tới hơn 1 tỷ đồng của người dân các cụm dân cư. Qua đó, góp phần hoàn thiện thiết chế hạ tầng của địa phương.

Việc duy trì cảnh quan môi trường nông thôn là vấn đề được chính quyền xã Tản Hồng đặc biệt quan tâm. Thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần, các thôn xóm, cụm dân cư huy động người dân đóng góp ngày công lao động để nạo vét kênh mương, rãnh thoát nước; cắt tỉa vườn hoa, cây xanh ven các tuyến đường; dọn dẹp rác thải, vệ sinh môi trường…

“Chúng tôi quan niệm việc giữ gìn làng xóm xanh, sạch, đẹp không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống của chính người dân, mà còn làm đẹp cảnh quan, môi trường nông thôn. Chính vì vậy, mọi người đều ủng hộ, sắp xếp công việc để tham gia nhiệt tình, tích cực…” - chị Lê Thị Lệ (thôn La Phẩm 1, xã Tản Hồng) cho hay.

Người nghèo có nhà mới đón Tết

Những ngày cuối năm, các thành viên trong gia đình anh Lê Duy Thưởng (thôn La Thượng, xã Tản Hồng) tích cực hoàn thiện ngôi nhà mới để đón Tết Quý Mão năm 2023. Nhiều năm qua, hộ anh Thưởng luôn nằm trong nhóm các gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất của xã. Anh Thưởng không giấu được sự vui mừng cho biết: “Gia đình tôi được hỗ trợ 50 triệu đồng để tu sửa ngôi nhà cấp 4. Chúng tôi rất vui vì năm nay sẽ có nhà mới đón Tết…”.

Bên cạnh hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo nâng cấp nhà ở, chính quyền xã Tản Hồng phối hợp với các sở, ngành của TP Hà Nội hỗ trợ tư liệu sản xuất cho người dân. Chị Lê Thị Thanh Duyên (thôn Vân Sa 3) là một trong hai hộ được hỗ trợ bò sinh sản để cải thiện kinh tế trong thời gian qua. “Gia đình tôi nhiều năm nằm trong diện hộ nghèo. Không có vốn để kinh doanh; làm nông nghiệp trông vào cây lúa, củ khoai thì thu nhập mang lại không nhiều. May mắn được chính quyền hỗ trợ bò sinh sản để chăn nuôi nên đến nay đời sống cũng được cải thiện…” - chị Duyên bộc bạch.

Được biết, những năm qua, bên cạnh làm tốt công tác an sinh xã hội, chính quyền xã Tản Hồng còn tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Đa dạng hóa nguồn thu nhập cho người dân địa phương. Đặc biệt, từ khi cầu Văn Lang bắc qua sông Hồng, nối huyện Ba Vì với tỉnh Vĩnh Phúc được hoàn thành, người dân có điều kiện thuận lợi hơn để phát triển nghề mộc.

“Ngoài 160 hộ kinh doanh xưởng mộc, hiện toàn xã còn có 75 hộ kinh doanh vận tải, 16 hộ hoạt động xưởng may công nghiệp, 31 hộ kinh doanh ẩm thực, 17 DN thuộc nhiều lĩnh vực. Không chỉ tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương, các cơ sở còn giúp tạo công ăn, việc làm thường xuyên cho một bộ phận người lao động trên địa bàn xã…” - Chủ tịch UBND xã Tản Hồng Hoàng Minh Sơn thông tin.

Cùng với tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ, lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục được chính quyền xã Tản Hồng quan tâm. Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Tản Hồng đã thành lập “Tổ khuyến nông cộng đồng” hỗ trợ sản xuất cho bà con. Xã làm tốt việc hỗ trợ cây trồng, giống vật nuôi cho nông dân theo các kênh khuyến nông… Nhờ đa dạng hóa ngành nghề nông thôn, thu nhập bình quân đầu người dân xã Tản Hồng đến cuối năm 2022 đã đạt 66,5 triệu đồng/năm; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 0,82%. Đời sống người dân không ngừng được cải thiện.

Cốt lõi là sự hài lòng của người dân

Niềm vui lớn đã đến với chính quyền và Nhân dân xã Tản Hồng vào những ngày cuối năm, khi địa phương này đón nhận thông tin đủ điều kiện để trình UBND TP Hà Nội xem xét, công nhận đạt chuẩn “Nông thôn mới nâng cao năm 2022”. Đây là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực suốt nhiều năm qua của chính quyền và Nhân dân xã Tản Hồng.

Điều đáng khích lệ là thành quả xây dựng nông thôn mới nâng cao của xã Tản Hồng đã nhận về sự ủng hộ lớn của các tầng lớp Nhân dân. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tản Hồng Lê Thị Nguyệt cho biết, trong số 2.866 hộ dân được lấy ý kiến về kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao của xã, có 2.849 hộ dân (chiếm tỷ lệ 99,41% tổng số hộ dân được hỏi) bày tỏ sự hài lòng về kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao mà địa phương đã đạt được.

Thực tế, sự ủng hộ của người dân địa phương không chỉ được thể hiện trên những lá phiếu mà còn từ những đóng góp cụ thể. Trong giai đoạn 2016 - 2022, xã Tản Hồng đã huy động được tổng nguồn lực gần 224 tỷ đồng để thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao. Trong số này, Nhân dân đóng góp, ủng hộ gần 39,4 tỷ đồng (chiếm khoảng 17,6% tổng nguồn lực). Đến nay, trên địa bàn xã Tản Hồng không để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản.

Theo Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, khi ban hành Chương trình số 04-CTr/TU, Thành ủy xác định mục tiêu xuyên suốt của xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống cho người dân. Ở đó, sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới nói chung là yếu tố cốt lõi cho sự thành công. Và điều đáng mừng khi yếu tố này tại xã Tản Hồng đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Ông Nguyễn Văn Chí cũng nhấn mạnh, xây dựng nông thôn mới là quá trình lâu dài. Vì vậy, vui mừng với kết quả đạt được nhưng chính quyền và Nhân dân xã Tản Hồng tuyệt đối không được phép chủ quan, lơ là, nóng vội, hoặc có tâm lý chạy theo thành tích. Thay vào đó, cần hết sức kiên trì, tích cực, quyết liệt. Việc huy động và sử dụng nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới phải bảo đảm thật sự dân chủ nhằm khơi dậy và phát huy được vai trò chủ thể của Nhân dân.

 

Tính đến hết năm 2022, Hà Nội đã có 48 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tại xã Ba Vì hiện đã có xã Phú Phương về đích nông thôn mới nâng cao; ngoài ra còn có 3 xã khác gồm: Sơn Đà, Vạn Thắng và Tản Hồng đủ điều kiện trình UBND TP Hà Nội xem xét, công nhận đạt chuẩn.