Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất khẩu cá tra kỳ vọng khởi sắc

Tiến Dũng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại dịch Covid-19 hoành hành khiến ngành cá tra lao đao trong năm 2021,. Cả người nuôi cũng như doanh nghiệp (DN) đều điêu đứng khi xuất khẩu (XK) bế tắc, sản xuất đình đốn... Tuy nhiên, với việc thực hiện chủ trương thích ứng linh hoạt, những tháng cuối năm XK cá tra đã phục hồi ngoạn mục và mở ra hy vọng khởi sắc cho ngành hàng tỷ đô này trong năm 2022.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhờ tăng đột phá trong tháng 12, với mức tăng trưởng khoảng 80%, đạt khoảng 245 triệu USD, XK cá tra cả năm 2021 đã về đích vượt xa dự đoán với trên 1,6 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2020.

Trước đó, đến hết 11 tháng đầu năm 2021, XK cá tra Việt Nam đạt hơn 1,4 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2020. Khi đó, VASEP chỉ dự báo XK cá tra năm 2021 sẽ cán đích khoảng 1,54 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2020.

Theo ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký VASEP, qua một năm 2021 đầy biến động do dịch Covid-19, DN cũng có thêm được nhiều bài học kinh nghiệm trong thực hiện ‘mục tiêu kép’ trong hoàn cảnh thích ứng, giúp các DN tự tin đặt ra kế hoạch cao hơn cho năm 2022.

Tuy nhiên, các bài toán thách thức của năm 2021 có thể vẫn chưa giải được hoàn toàn trong năm 2022. Việc nuôi trồng và chế biến cá tra vẫn còn đó những khó khăn. Tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, việc duy trì sự tăng trưởng dương trong cả năm 2022 là điều không dễ dàng.

Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: Giang Lam)
Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: Giang Lam)

Thị trường Trung Quốc có thể vẫn giữ vững vị trí số 1 của XK cá tra Việt Nam trong năm 2022. Tuy nhiên, xu hướng thị trường sẽ vẫn tiếp tục bị tác động do những yếu tố trong năm 2021 như chính sách “Zero Covid” khiến các địa phương của Trung Quốc ngày càng siết chặt việc kiểm soát hàng nhập khẩu…

Đối với thị trường châu Âu và Anh, trong năm 2022 sẽ khó có đột biến tăng trưởng do vẫn chưa thấy được các kết quả thoát dịch bền vững. Nhiều thị trường không chịu nổi mức giá tăng của cá tra từ áp lực cước vận chuyển tăng vọt gấp 10 lần. Ngay cả Anh, thị trường có sự tăng trưởng mạnh mẽ năm 2020 cũng sụt giảm 23% trong năm 2021…

Dầu vậy, bức tranh thị trường cá tra vẫn có những điểm sáng, đáng chú ý là thị trường Mỹ. Năm 2021 được xem là năm thành công của cá tra tại thị trường này khi giữ được mức tăng trưởng cao trong cả năm, tăng cả về lượng và giá XK. Dự kiến năm 2022, XK sang thị trường Mỹ vẫn sẽ ổn định.

Bên cạnh đó, các thị trường tiềm năng như Mexico, Brazil, Colombia, Nga và Ai Cập là các thị trường có thể được kỳ vọng tăng trưởng trở lại trong năm 2022 và có thể bù đắp phần nào cho sự sụt giảm của thị trường Trung Quốc và Châu Âu.

Theo ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA) cho rằng, việc Trung Quốc siết chặt kiểm soát thủy sản nhập khẩu khiến tình hình XK sang thị trường số 1 này gặp khó. Tuy nhiên, thị trường thứ hai là Mỹ tăng trưởng tích cực, cùng với các thị trường tiềm năng khác như Mexico, Brazil… có dấu hiệu tốt.

“Nhu cầu thị trường tốt, cùng với sự phục hồi cuối năm 2021, dự báo sang năm 2022 tình hình sẽ được cải thiện, giá cá tra sẽ còn tăng do nguồn cung hiện đã ít do thời gian qua người nuôi hạn chế thả nuôi” – Chủ tịch VINAPA Dương Nghĩa Quốc nhận định.

Theo tìm hiểu của PV, sau thời gian dài ở dưới mức giá thành, giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) những tháng cuối năm 2021 đã tăng lên mức 23.000 - 24.000 đồng/kg (giá thành sản xuất khoảng 22.500 đồng/kg).

Theo Bộ NNN&PTNT, cá tra là ngành hàng chủ lực, là sản phẩm đặc hữu của vùng ĐBSCL, có vai trò quan trọng đối với kinh tế xã hội của toàn vùng.

Dựa trên những kết quả đạt được trong năm 2021, ngành hàng cá tra đặt mục tiêu cho năm 2022 với diện tích thả nuôi đạt trên 5.200ha; sản lượng cá tra thương phẩm đạt trên 1,7 triệu tấn; kim ngạch XK đạt trên 1,6 tỷ USD, trong khi đại diện VASEP kỳ vọng đạt 1,7 tỷ USD…