Bởi tốc độ tăng tính đến giữa tháng 3 so với cùng kỳ năm trước của xuất khẩu (XK) thì chậm lại, của nhập khẩu (NK) thì cao lên, nên đã chuyển từ xuất siêu sang nhập siêu.
Xuất thô giảm - dấu hiệu đáng mừng
Tổng kim ngạch XK hàng hóa tính đến giữa tháng 3 đạt trên 26,81 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài gồm cả dầu khí tăng 15% (nếu không kể dầu khí tăng 18,4%). Một số mặt hàng tăng cao hơn, như: Điện tử, máy tính và linh kiện; Hạt điều, hạt tiêu, túi xách, ví, va li, mũ, ô dù, giày dép, dây điện và cáp điện; Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; Dệt may; Điện thoại các loại và linh kiện… Đặc biệt, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện cao hơn gấp đôi. Như vậy, đã có 8 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD (Điện thoại các loại và linh kiện: 5,45 tỷ USD; Dệt may: 3,95 tỷ USD; Điện tử, máy tính và linh kiện: 2,89 tỷ USD; Giày dép: 2,11 tỷ USD; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng: 1,44 tỷ USD; Gỗ và sản phẩm từ gỗ: 1,21 tỷ USD; Thủy sản: 1,06 tỷ USD; Phương tiện vận tải: 1,02 tỷ USD...).
Cơ cấu mặt hàng XK tiếp tục chuyển dịch tích cực. Tỷ trọng các mặt hàng thô, chưa qua chế biến hoặc mới sơ chế giảm (như thủy sản, cà phê, gạo, than đá, dầu thô, cao su...). Trong khi những sản phẩm đã qua chế biến tinh tăng khá (như hóa chất, túi xách, ví, va li, mũ, ô dù, sản phẩm mây, tre, cói, thảm, sản phẩm gốm sứ...). Giá XK một số mặt hàng tăng như than đá, hạt tiêu, hạt điều, cà phê, clinker và xi măng, phân bón các loại… Giá NK một số mặt hàng giảm và lượng NK tăng hoặc không giảm (như lúa mì, xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, phân bón, chất dẻo, cao su, giấy, bông, sợi dệt, sắt thép, kim loại thường khác...).
Về địa bàn XK, mới qua 2 tháng đầu năm đã có 28 tỉnh, TP đạt trên 100 triệu USD, trong đó có 6 địa bàn đạt trên 1 tỷ USD (TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên, Đồng Nai, Hà Nội). Về thị trường XK, đã có 39 nước và vùng lãnh thổ nhập khẩu từ Việt Nam trên 100 triệu USD, trong đó có 13 thị trường đạt trên 500 triệu USD, đặc biệt có 4 thị trường đạt trên 1 tỷ USD (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc).
Và những cảnh báo
Bên cạnh những kết quả tích cực, cũng cần cảnh báo về một số điểm. Nếu tốc độ tăng của 5 năm trước đều ở mức hai chữ số và vượt kế hoạch, thì từ đầu năm đến nay, tốc độ đã xuống dưới 10%. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đã bị giảm 4,9%. Một số nhóm hàng bị giảm như thủy sản, cà phê, gạo, than đá, dầu thô, xăng dầu, cao su, sắt thép, phương tiện vận tải… NK từ đầu năm đến nay cũng ghi nhận mức tăng 19,3%, cao gấp 2,3 lần của XK. Một số mặt hàng còn tăng với tốc độ cao hơn như thức ăn gia súc, thủy tinh, phôi thép, sản phẩm từ sắt thép, sản phẩm chất dẻo, điện tử, máy tính và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện, máy móc, thiết bị và dụng cụ, phụ tùng khác, ô tô nguyên chiếc…
Do NK lớn và tăng cao hơn nhiều so với XK nên mức nhập siêu là 1,633 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,090 tỷ USD. Tuy NK tăng cao và nhập siêu trở lại có một phần là do nhu cầu đầu tư, sản xuất và tiêu dùng ở trong nước cao lên và đó cũng là một yếu tố tích cực nhưng nhập siêu đã tác động tiêu cực đến cán cân thương mại, cán cân thanh toán quốc tế, đến nợ quốc gia, đến tỷ giá VND/USD... Trong tổng số 78 thị trường chủ yếu trong thời gian qua, có 25 thị trường Việt Nam nhập siêu, lớn nhất là Trung Quốc: 5,366 tỷ USD, Hàn Quốc: 2,988 tỷ USD, Đài Loan (Trung Quốc): 1,332 tỷ USD, Singapore: 614 triệu USD, Thái Lan: 454 triệu USD. Đáng lưu ý, trong khi nhập siêu từ Trung Quốc lớn và vẫn tăng lên, thì nhập siêu từ Thái Lan, Singapore cũng lớn và tăng lên. Có 2 vấn đề cần cảnh báo. Thứ nhất, khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) ra đời, thuế suất NK giảm mạnh, thậm chí nhiều ngành hàng thuế suất bằng 0% thì nhập siêu từ một số nước sẽ tăng, đặc biệt là từ Thái Lan, Singapore. Trong khi nhập siêu từ Trung Quốc vẫn rất lớn và vẫn đang tăng lên (khả năng cả năm sẽ vượt qua mốc 32 tỷ USD). Vấn đề thứ hai, khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết và có hiệu lực, thuế XK, NK giảm, nên kinh tế trong nước cần vươn lên, nếu không sẽ không được hưởng ưu đãi XK mà còn gặp khó khăn khi NK.
Từ diễn biến xuất nhập khẩu và nhập siêu trong những tháng đầu năm, có thể dự báo khả năng cả năm 2015 sẽ trở lại vị thế nhập siêu lớn (sau 3 năm xuất siêu nhẹ). Nếu nhập siêu lớn, giá NK tăng và tỷ giá tăng sẽ làm mất cân đối cán cân thương mại, cán cân thanh toán quốc tế, lặp lại việc “NK lạm phát” như đã từng xảy ra trước đây.
May hàng xuất khẩu tại Tổng Công ty Đức Giang. Ảnh: Trần Việt
|