Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất khẩu - điểm sáng trong đại dịch

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trải qua một năm với muôn vàn khó khăn do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2021 vẫn đạt kết quả ngoạn mục với giá trị đạt hơn 330 tỷ USD.

Hàng loạt mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã về đích sớm trước một tháng, tiếp tục mở ra triển vọng lạc quan cho năm 2022 với những mục tiêu cao hơn.

Tăng trưởng mạnh trong gian khó

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 660,1 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2020. Trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 331,1 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 329 tỷ USD, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại năm 2021 xuất siêu ước đạt 2,1 tỷ USD, tăng 0,64% so với năm 2020.

Đáng chú ý, năm 2021 có 37 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 4 nhóm hàng so với năm 2020. Cơ cấu xuất khẩu chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các sản phẩm công nghiệp chế biến (chiếm 86,1% tỷ trọng). Đây cũng là nhóm hàng có tỷ trọng tăng nhanh nhất trong cơ cấu hàng xuất khẩu, là nhân tố quyết định tạo nên bứt phá về kim ngạch xuất khẩu cũng như cán cân thương mại thặng dư.
 Sơ chế thủy sản xuất khẩu tại Công ty Godaco, Khu CN Mỹ Tho, Tiền Giang. Ảnh: Huy Hùng
Nhìn nhận về bức tranh xuất khẩu 2021, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng: “Một yếu tố quan trọng đóng góp tích cực cho thành tích xuất nhập khẩu năm 2021 có động lực từ các Hiệp định thương mại (FTA) được các DN vận dụng hiệu quả. Đơn cử như tăng trưởng xuất khẩu sang hai thị trường mà Việt Nam mới có FTA là Canada và Mexico liên tục duy trì hai con số. Thị trường nhỏ như Peru cũng tăng trưởng có giai đoạn lên đến 300%. Các thị trường EU, thị trường Anh cũng tăng trưởng 2 con số” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh phân tích.

Trong đó, nhiều ngành hàng về đích ngoạn mục. Ngành dệt may đã cán đích năm 2021 với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 39 tỷ USD, tăng 12% so với 2020. Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang: “Nếu như suốt quý 3/2021, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ảm đảm thì trong 3 tháng cuối năm, các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản... mở cửa trở lại, Chính phủ Việt Nam cũng nhanh nhạy thay đổi chính sách từ “zero Covid-19” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19, tạo lực đẩy cho ngành dệt may gia tăng kim ngạch xuất khẩu” - ông Vũ Đức Giang phân tích.

Năm 2021, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tiếp tục thắng lớn với giá trị kim ngạch đạt trên 44 tỷ USD, đạt mục tiêu phấn đấu của ngành nông nghiệp vượt 2 tỷ USD so với chỉ tiêu Chính phủ giao. Đáng ghi nhận, nhiều nhóm hàng đạt giá trị kim ngạch cao như: Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ ước đạt từ 15 tỷ USD; thủy sản ước đạt 8,5 tỷ USD; rau quả ước đạt 3,5 tỷ USD; các mặt hàng gạo, cà phê, cao su, hạt điều đều mang về từ 3 - 3,6 tỷ USD mỗi loại.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, kết quả này là sự thừa hưởng từ hướng đi đúng đắn của ngành nông nghiệp trong thời gian qua khi xây dựng được vùng nguyên liệu đảm bảo tiêu chí cho các thị trường xuất khẩu. Theo ông Phùng Đức Tiến, năm nay khi thị trường Trung Quốc gặp khó, các DN xuất khẩu của Việt Nam cũng tìm hướng đi mới, tận dụng được lợi thế từ các FTA để chinh phục thị trường Mỹ, EU, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Nhiều triển vọng lạc quan trong năm 2022

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, năm 2022 xuất khẩu hàng hóa được nhận định vẫn có những thuận lợi, khi khả năng chống chịu của DN tăng lên; nhiều ngành hàng của Việt Nam được hưởng lợi từ các FTA, đặc biệt là FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA); Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)… Hơn nữa, chính những ưu đãi về thuế quan, sẽ tạo cơ hội để các DN Việt cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, các DN xuất khẩu vẫn phải đối mặt với một số khó khăn không dễ tháo gỡ như: Chi phí logistics cao, tình trạng thiếu container rỗng, ùn tắc vận tải biển, áp lực khó giao hàng đúng hẹn… Đây là những rào cản lớn đối với DN được các chuyên gia kinh tế chỉ ra, và những rào cản này sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2022.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, hiện nay Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (chiếm hơn 28% tỷ trọng kim ngạch), Trung Quốc đứng thứ hai (chiếm 16,7%) và EU đứng thứ ba (gần 12%). Song, về giải pháp trước mắt, Việt Nam vẫn phải khai thác triệt để tiềm năng lớn của thị trường Trung Quốc. Theo đó, các cơ quan có trách nhiệm cần hướng dẫn DN đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn chất lượng, nỗ lực đàm phán để thuận lợi trong thông quan tại các cửa khẩu phía Bắc. Cùng với đó, các DN cũng cần tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực, không bỏ lỡ các thị trường nhỏ và ngách. Đặc biệt là chú trọng nâng cao tiêu chuẩn hàng hóa, tránh tái diễn các vụ hàng Việt Nam xuất khẩu liên tục bị cảnh báo, bị trả về (cá tra, tôm đông lạnh, gạo thơm…) như thời gian qua.

"Chúng ta cần đặt kịch bản đại dịch vẫn còn diễn biến phức tạp. Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần phải đảm bảo thuận lợi về lưu thông, tiếp tục linh hoạt các biện pháp phòng chống dịch, nỗ lực tháo gỡ vướng mắc rào cản thương mại, tăng cường ngoại giao để khai mở thêm những thị trường mới đang có nhiều tín hiệu tốt như Ấn Độ, Nam Mỹ, Trung Đông và Australia bên cạnh những thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc..." - Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu