Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất khẩu hàng hóa năm 2024 vẫn bộn bề khó khăn

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tận dụng tốt cơ hội từ nhiều thị trường cũng như lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết, đã góp phần quan trọng giúp hoạt động xuất khẩu hàng hóa duy trì mức tăng trưởng khá trong 5 tháng đầu năm 2024.

Những tín hiệu khởi sắc

Thông tin từ Bộ Công Thương, 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 156,77 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, nhiều ngành hàng đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao ở mức hai con số so với cùng kỳ năm trước.

5 tháng đầu năm 2024, cả nước xuất siêu 8,01 tỷ USD. Ảnh minh họa
5 tháng đầu năm 2024, cả nước xuất siêu 8,01 tỷ USD. Ảnh minh họa

Đơn cử như ngành hàng xuất khẩu rau quả đạt 2,59 tỷ USD, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm 2023, với nhiều mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu cao như sầu riêng, thanh long, chuối, mít... Hay như nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ có sự phục hồi tích cực khi 5 tháng qua, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước tính đạt 6,1 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2023. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ đều ở mức cao, nhờ tiêu dùng hàng hóa tại nhiều thị trường lớn như Mỹ, châu Âu đang đón những tín hiệu tốt dần lên.

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn trong 5 tháng qua đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao ở mức hai con số. Trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch ước đạt 43,98 tỷ USD, chiếm 28% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng tới 21% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là thị trường Trung Quốc với kim ngạch ước đạt 22,65 tỷ USD, tăng 10,2%; thị trường EU ước đạt 20,69 tỷ USD, tăng 16,1%; Hàn Quốc ước đạt 10,4 tỷ USD, tăng 12,8%; Nhật Bản ước đạt 9,5 tỷ USD, tăng 4,7%.

Đánh giá về tình hình xuất khẩu hàng hóa 5 tháng qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nhận định: với những ưu thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng thuận lợi cùng ưu đãi từ 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và khu vực đã ký kết và đang thực thi với nhiều đối tác trên thế giới, đặc biệt là CPTPP, EVFTA, liên tiếp trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu nông sản và thực phẩm duy trì tốc độ tăng trưởng trên hai con số.

Các FTA đã tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn cho các mặt hàng nông lâm thủy sản chiến lược và có thế mạnh nhờ cam kết cắt giảm thuế quan; đồng thời tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao vào khu vực nông nghiệp, tham gia sâu, bền vững vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hỗ trợ hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp vượt khó

Phân tích về những khó khăn, thách thức mà xuất khẩu hàng hóa đang phải đối mặt, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, xuất khẩu tuy phục hồi tích cực nhưng chưa bền vững vì chịu ảnh hưởng mạnh từ các yếu tố bất ổn về chuỗi cung ứng và nhu cầu thị trường thế giới chưa phục hồi như kỳ vọng.

Thủy sản là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ảnh minh họa
Thủy sản là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, xuất khẩu còn phụ thuộc vào một số nền thị trường lớn; các doanh nghiệp FDI còn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu (khoảng 73% năm 2023); hiệu quả khai thác các ưu đãi từ các FTA chưa cao như kỳ vọng.

Nguyên nhân là do diễn biến phức tạp, khó lường, các cuộc xung đột vũ trang trên thế giới đã tác động sâu sắc, nhiều mặt đến kinh tế và tác động trực tiếp đến chuỗi cung ứng toàn cầu, gây sức ép tăng giá các mặt hàng chiến lược (năng lượng, lương thực). Trong khi đó, lạm phát toàn cầu chưa được kiểm soát, giá cước vận tải vẫn ở mức cao làm giảm sự phục hồi của thương mại, đầu tư toàn cầu.

Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các thị trường lớn như EU, Mỹ… phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh.

Bên cạnh đó, chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng. Việc các nước phát triển quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, an toàn cho người tiêu dùng đang tiếp tục là tiền đề để dựng lên những tiêu chuẩn, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu.

Nói về giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT. Mặt khác, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu; hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp trong nước với các tập đoàn đa quốc gia, với các doanh nghiệp FDI để nâng cao khả năng tham gia chuỗi cung ứng, xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước.

Hiện nay, Cục Xuất nhập khẩu đang theo dõi sát biến động chính sách của các đối tác thương mại, đặc biệt các đối tác thương mại lớn để tham mưu, đề xuất với Chính phủ các phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời thúc đẩy xuất khẩu. Hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên liên tục cập nhật các thông tin về quy định, chính sách của thị trường sở tại, kịp thời thông tin, khuyến nghị đối với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu.

 

Theo số liệu của Bộ Công Thương, 5 tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 8,01 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 10,2 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,26 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 19,27 tỷ USD.