Xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Mỹ: Nên có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ủy ban Thương mại Quốc tế của Mỹ vừa công bố báo cáo cho biết, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 29 trong danh sách 233 đối tác thương mại của nước này.

6 tháng đầu năm 2011, tổng kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều Mỹ - Việt đạt hơn 10 tỉ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2010.

Mỹ coi Việt Nam là đối tác quan trọng

Sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995, nhờ nỗ lực của cả hai bên mà trao đổi thương mại Mỹ -Việt từ chỗ chỉ dưới 1 tỉ USD vào những năm 1995 - 2000 đã đạt kỷ lục 18,5 tỉ USD trong năm 2010. Riêng 6 tháng đầu năm 2011, Việt Nam xuất khẩu gần 7,94 tỉ USD, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 2,07 tỉ USD, tăng 25%. Trong đó, dệt may, giày dép, thiết bị điện và âm thanh, thủy hải sản… vẫn là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cũng ước tính trong năm 2011, kim ngạch thương mại hai chiều Mỹ -Việt Nam sẽ đạt 20 tỉ USD, tăng 10% so với năm 2010. Tuần trước, nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, ông D. Marantis, Phó đại diện Thương mại Mỹ đã khẳng định: Quan hệ giao thương với châu Á và Việt Nam là điều quan trọng có tính chất sống còn với tương lai kinh tế của Mỹ. Khi Việt Nam và Mỹ tăng cường các hoạt động xuất khẩu sang thị trường của nhau, sẽ kéo theo tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều việc làm hơn. Ông D. Marantis cũng cho rằng: Các doanh nghiệp Mỹ nhận thấy Việt Nam là một thị trường tiềm năng, có nhiều lợi thế về nguồn tài nguyên, nhân công… để đẩy mạnh đầu tư trên nhiều lĩnh vực.

Cần có chiến lượcxuất khẩu hợp lý

Mặc dù trao đổi thương mại hai chiều Mỹ - Việt liên tục tăng nhanh, nhưng nhìn vào cơ cấu dễ dàng nhận thấy, Việt Nam chủ yếu xuất siêu sang thị trường rộng lớn này. Điều đáng nói là nếu cứ duy trì phương thức làm ăn như hiện nay, càng xuất khẩu nhiều càng bị thiệt hại nhiều. Theo một báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ: Giá tôm từ Việt Nam sau khi qua tay các nhà môi giới, các đại lý bán buôn rồi đến tay người tiêu dùng Mỹ chênh nhau tới 10 USD/kg. Hàng dệt may - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam khi tới tay người tiêu dùng Mỹ cũng bị đội thêm 30 - 40% giá trị. Như vậy, nếu chúng ta tiếp tục duy trì việc xuất khẩu sang thị trường Mỹ thông qua các nhà môi giới, từ năm 2011 - 2015, Việt Nam sẽ mất khoảng 81,9 tỉ USD. Vì thế, bài toán hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp xâm nhập thị trường của Mỹ trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Theo các chuyên gia, mặc dù Mỹ là một thị trường rộng lớn nhưng nếu chúng ta có một chiến lược hợp lý như Hàn Quốc đã làm, việc doanh nghiệp Việt Nam có chỗ đứng vững chắc trên thị trường này không phải là điều bất khả thi. Trong những năm 1960 -1970, khi Samsung mới chập chững bước vào ngành công nghiệp điện tử, Chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ công ty này thâm nhập thị trường ra thế giới bằng cách đặt văn phòng của Samsung ở châu Âu và châu Mỹ. Nhờ sự hỗ trợ về chính sách và ngân sách của Chính phủ, Samsung nhanh chóng chiếm lĩnh các thị trường đầy tiềm năng này. Sau thành công với Samsung, Chính phủ Hàn Quốc tiếp tục hỗ trợ tập đoàn sản xuất ô tô Hyundai và tập đoàn điện tử LG. Tập đoàn Chinamex (Trung Quốc) cũng sử dụng mô hình này bằng cách xây dựng trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp Trung Quốc tại Atlanta, Georgia (Mỹ) để giúp các công ty trong nước có nhu cầu thâm nhập thị trường Mỹ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần