Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất khẩu lao động để giảm nghèo

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không chỉ góp phần nâng cao chất lượng lao động, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động (XKLĐ) còn giúp gia đình người lao động (NLĐ) tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống.

2.000 người đi XKLĐ tại Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia và một số nước châu Phi là con số của năm 2015 được Sở LĐTB&XH Hà Nội thông tin. Và trong năm 2016 này, Sở LĐTB&XH đặt ra chỉ tiêu 150.000 lao động được tạo việc làm mới nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới xuống còn 1,3%. Để “cán đích” ấy, Hà Nội đã kết hợp nhiều giải pháp: Rà soát, sắp xếp lại hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm để làm tốt công tác giới thiệu việc làm; mở các phiên giao dịch cho NLĐ đến tuyển dụng… Trong đó có cả việc đào tạo nghề cho NLĐ đi làm việc ở trong nước cũng như XKLĐ sang Hàn Quốc, Nhật Bản… để giúp NLĐ chuẩn bị hành trang đi làm việc ở nước ngoài.

Lao động phỏng vấn sang Hàn Quốc làm việc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Chiến Công

Riêng với những lao động chuẩn bị tham gia tuyển dụng đi làm việc ở nước ngoài sẽ được hỗ trợ chi phí học nghề, học tiếng tại các trung tâm dịch vụ việc làm của TP. NLĐ còn được bồi dưỡng những kiến thức cần thiết, trang bị các kỹ năng cũng như giới thiệu về pháp luật, phong tục tập quán của nước bạn để có cách cư xử phù hợp khi làm việc. Đây là việc làm thường xuyên của nhà quản lý, không chỉ để giám sát thị trường XKLĐ, mà còn cải thiện chất lượng của lực lượng lao động đi XK.
Thực tế, rất nhiều NLĐ khi được hỏi đều khẳng định: Sự hỗ trợ này thực sự hữu hiệu đối với họ khi sang làm việc tại một môi trường “lạ nước lạ cái”, lạ cả về ngôn ngữ, lối sống lẫn những phong tục tập quán. Chị Nguyễn Thị Lan (huyện Thạch Thất) - người đã từng đi XKLĐ tại Hàn Quốc cho biết: “Có thêm hành trang đó, dù không phải là tất cả, song cũng giúp chúng tôi bớt bỡ ngỡ khi bắt đầu cuộc sống ở nước ngoài”.
Đi XKLĐ ở nước ngoài có mức lương cao hơn nhiều so với làm cùng một công việc ở trong nước. Chính vì thế, lao động ở các địa phương thuần nông, có mức sống thấp hơn so với người dân nơi TP được khuyến khích, tạo điều kiện ra nước ngoài làm việc. Tất nhiên, trước đó, các tổ chức đoàn thể ở địa phương phối hợp với DN đã khảo sát nắm bắt nhu cầu đi XKLĐ, vận động người dân đăng ký tham gia và tư vấn, thông tin tuyên truyền về chính sách, các thị trường XKLĐ cho thu nhập cao… Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với đơn vị tổ chức để tuyển chọn lao động, làm các thủ tục cho NLĐ trước khi xuất cảnh cũng như giải quyết vấn đề phát sinh khi họ làm việc ở nước ngoài.
Dẫu vậy nhưng Hà Nội luôn chú trọng tuyên truyền cho NLĐ hiểu việc thực hiện đúng hợp đồng lao động, khi hết thời hạn làm việc phải quay về nước. Bởi nếu NLĐ muốn tiếp tục ra nước ngoài làm việc, vẫn có thể tham gia dự tuyển đi ở những đợt sau. Vì thế không nên vì lợi ích trước mắt mà ở lại cư trú bất hợp pháp, tạo “tiếng xấu” cho hình ảnh lao động Việt Nam và gây thiệt hại về kinh tế cho những NLĐ khác khi không có cơ hội ra nước ngoài làm việc. Việc Chính phủ Hàn Quốc ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc thời gian vừa rồi là bài học “nhãn tiền”, vì vậy Hà Nội rất nghiêm khắc với việc tuyển chọn người đi lao động XK. Điển hình là trong đợt thi tiếng Hàn diễn ra vào ngày 8 và 9/10, 4 huyện nằm trong “danh sách đen” có lao động hết thời hạn ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc nhiều là Thường Tín, Chương Mỹ, Đan Phượng, Thạch Thất tiếp tục không được tham dự.
Để giúp NLĐ hiểu rõ về việc đi XKLĐ, mới đây, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã đôn đốc các DN hoạt động XKLĐ của TP thực hiện đúng quy định về tuyển chọn NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, DN niêm yết công khai tại trụ sở chính các nội dung về số lượng lao động cần tuyển, giới tính, độ tuổi, công việc mà NLĐ sẽ đảm nhận, nơi làm việc và thời hạn hợp đồng, điều kiện về sức khỏe, tay nghề, ngoại ngữ, các khoản chi phí mà NLĐ phải đóng góp để đi làm việc ở nước ngoài, các quyền và nghĩa vụ cơ bản của NLĐ trong thời gian làm việc ở nước ngoài. Khi tuyển chọn lao động ở địa phương, DN XKLĐ và chi nhánh hoạt động phải xuất trình Giấy phép, đồng thời cam kết với NLĐ về thời gian chờ xuất cảnh sau khi NLĐ trúng tuyển đi làm việc ở nước ngoài. DN còn phải ký hợp đồng với NLĐ ít nhất 5 ngày trước khi họ xuất cảnh và chịu trách nhiệm quản lý hồ sơ của NLĐ. DN XKLĐ chỉ được thu tiền dịch vụ và tiền môi giới của NLĐ sau khi ký Hợp đồng đưa họ đi làm việc ở nước ngoài và được phía nước đối tác chấp nhận vào làm việc hoặc cấp thị thực nhập cảnh. Như các nhà quản lý chia sẻ: Đây cũng là cách để giảm bớt rủi ro cho NLĐ trước tình trạng môi giới đi XKLĐ không đáng tin cậy.