Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất khẩu lô vải thiều Thanh Hà đầu tiên năm 2021

Phương Nga - Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 18/5, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương, UBND tỉnh Hải Dương tổ chức lễ xuất khẩu lô vải thiều Thanh Hà đầu tiên của mùa vải năm 2021.

 Các đại biểu cắt băng mở vườn vải xuất khẩu năm 2021
Sau lễ cắt băng mở vườn, các đại biểu đi thăm vườn vải theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và trải nghiệm hoạt động thu hoạch, hái vải. Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng giới thiệu với lãnh đạo các bộ, ngành về quả vải thiều sớm ở khu Hà Đông. Đây là loại quả mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân Thanh Hà. Chất lượng vải bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu, tiêu thụ ở các thị trường cao cấp.
Sau khi thăm vườn vải ở thôn Thanh Lanh, các đại biểu đã cắt băng xuất khẩu lô vải quả đầu tiên tại thôn Lại Xá, xã Thanh Thủy. Các công ty: CP Ameii Việt Nam; TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ đã chuẩn bị đủ phương tiện vận tải bảo đảm tiêu chuẩn để vận chuyển xuất khẩu 100 tấn vải quả đầu tiên sang Nhật Bản, tiếp đó là xuất khẩu sang Mỹ, Australia, EU...
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái cho biết: Tỉnh Hải Dương hiện có hơn 9.000 ha vải thiều, trong đó huyện Thanh Hà có hơn 3.300 ha, Chí Linh có hơn 3.500 ha với tổng sản lượng khoảng 55 nghìn tấn. Tỉnh hiện có 45 vùng vải với tổng diện tích 450 ha trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP; 6.300 ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay đã có 1.000 ha được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và 8.000 ha được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu.
 Lễ cắt băng xuất khẩu chuyến vải thiều đầu tiên đi Nhật Bản năm 2021
Công tác kết nối giao thương, tìm kiếm thị trường vải thiều Thanh Hà luôn được tỉnh Hải Dương quan tâm. Năm 2021, trước sự diễn biến phức tạp dịch Covid-19 trên thế giới, Hải Dương gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ nông sản. Trong bối cảnh đó, Hải Dương đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt trên nền tảng số ứng dụng thương mại điện tử, truyền thông đa phương tiện, để đưa vải thiều Hải Dương đến tất cả các trang thương mại điện tử lớn, trong đó có cả Alibaba.
"Những năm vừa qua, thông qua hoạt động này, việc tiêu thụ vải thiều Thanh Hà nói riêng và nông sản của tỉnh Hải Dương nói chung đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Sản phẩm vải thiều Thanh Hà đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước và được xuất khẩu sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Mỹ, Úc, Trung Quốc...” – ông Nguyễn Dương Thái nhấn mạnh.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và tại Việt Nam, hoạt động sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ các mặt hàng nông sản của tỉnh Hải Dương gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, tỉnh Hải Dương đã xây dựng các phương án, kịch bản hợp lý để vừa triển khai sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông sản, vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Công tác kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và nông sản tiêu biểu của tỉnh Hải Dương năm nay được tổ chức trực tiếp tại hội trường, kết hợp với kết nối trực tuyến tới 5 điểm cầu trong nước gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, và 31 điểm cầu quốc tế gồm đại diện cơ quan ngoại Việt Nam ở nước ngoài, đầu mối các tổ chức nhập khẩu quốc tế.
Ngoài ra, tỉnh Hải Dương còn thực hiện các chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh kết nối tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu trên nền tảng số, ứng dụng thương mại điện tử, trên các kênh thông tin truyền thông đa phương tiện phù hợp với xu thế thời đại 4.0; khởi động chương trình đưa vải thiều và nông sản của Hải Dương lên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn như Alibaba, Lazada, Tiki và Sendo…
 Các DN xuất khẩu chuẩn bị đầy đủ phương tiện vận chuyển vải
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, với chức trách, vai trò của mình, Bộ Công Thương luôn coi công tác hỗ trợ địa phương, DN trong sản xuất, lưu thông và tiêu thụ hàng hóa là nhiệm vụ trọng tâm. Chính vì vậy, Bộ đã thực hiện nhiều chương trình, phối hợp cùng các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN, các địa phương, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội ngành hàng và DN triển khai nhiều giải pháp đồng bộ thông qua những hoạt động kết nối cung cầu, tiêu thụ trong nước, hỗ trợ xuất khẩu.
Bộ Công Thương cũng rất chú trọng việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, khai thác lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã ký kết và có hiệu lực như EVFTA, CPTPP… Hỗ trợ DN đưa nông sản Việt Nam vào hệ thống phân phối nội địa và quốc tế.
Liên quan đến địa bàn tỉnh Hải Dương, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với UBND và các đơn vị của tỉnh triển khai nhiều hoạt động, trong đó phải kể đến như Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia đưa nông sản và quả vải thiều Hải Dương lên các kênh thương mại điện tử uy tín gắn với việc truy xuất nguồn gốc…
“Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, chúng ta vui mừng chứng kiến Lễ khởi động chương trình đưa vải thiều Thanh Hà và các mặt hàng nông sản tiêu biểu của tỉnh Hải Dương lên sàn thương mại điện tử Lazada, Sendo” – Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Bộ Công Thương cũng sẽ hỗ trợ kết nối cho các DN, hộ kinh doanh vải và nông sản Hải Dương áp dụng thí điểm Hệ thống truy xuất nguồn gốc Itrace247 cho quả vài thiều và nông sản tiêu biểu của tỉnh; giao dịch trực tuyến với khoảng 200 các nhà nhập khẩu từ nhiều thị trường xuất khẩu quan trọng đối với của quả vải thiều Thanh Hà và nông sản như Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Hà Lan… vào các ngày từ 18 đến 20/5/2021.