Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng trưởng trong khó khăn

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những tín hiệu tích cực từ các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản đang kích cầu sự tăng trưởng của xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam. Với nhiều giải pháp đồng bộ, kỳ vọng ngành hàng này sẽ vượt khó, cán đích mục tiêu xuất khẩu 55 tỷ USD trong năm 2023.

7 mặt hàng đạt giá trị trên 1 tỷ USD

Thông tin từ Bộ NN&PTNT, trong 6 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt gần 25 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nhóm nông sản chính đạt 12,79 tỷ USD, tăng 12%; sản phẩm chăn nuôi đạt 232 triệu USD, tăng 26,5%; thuỷ sản đạt 4,13 tỷ USD, giảm 27,4%; lâm sản chính đạt 6,5 tỷ USD, giảm 28,2%...

Sầu riêng là mặt hàng rau quả xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam trong 6 tháng năm 2023.
Sầu riêng là mặt hàng rau quả xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam trong 6 tháng năm 2023.

Đáng chú ý, có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, gồm: Cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm và sản phẩm gỗ. Điển hình như:  Xuất khẩu rau quả trong 6 tháng tăng rất mạnh, gần bằng cả năm 2023, tăng trưởng đến 64%, với giá trị kim ngạch đạt 2,8 tỷ USD. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, chỉ tính riêng trong tháng 6/2023, xuất khẩu rau quả ước đạt 1 tỷ USD, đây là con số kỷ lục chưa từng có trong lịch sử hơn 30 năm ngành hàng này.

Lũy kế 6 tháng năm 2023, xuất khẩu gạo đạt 4,2 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,32 tỷ USD. Giá gạo xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 517 USD/tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2022 (489 USD/tấn). Theo Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Nguyễn Ngọc Nam, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức bằng và cao hơn Thái Lan, Ấn Độ. Gạo xuất khẩu vào châu Âu là các loại gạo thơm với mức giá cao nhất là 1.250 USD/tấn, thấp nhất là 700 USD/tấn.

Tại thị trường Hàn Quốc, giá xuất khẩu cũng đạt tới 595 USD/tấn, đây là mức giá khá cao trong những năm gần đây. Trong xu thế tăng trên toàn thế giới về nhu cầu lương thực, những tháng tới hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo được dự báo vẫn rất sôi động.

Xuất khẩu thủy sản vẫn gặp khó trong 6 tháng năm 2023.
Xuất khẩu thủy sản vẫn gặp khó trong 6 tháng năm 2023.

Đánh giá về bức tranh xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Các doanh nghiệp đã tận dụng lợi thế từ những mặt hàng đang tăng trưởng để tạo bứt phá chung cho xuất khẩu toàn ngành.

Với những nhóm ngành hàng giảm, ngay từ đầu quý II/2023, Bộ đã phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội, bộ, ngành để xây dựng kế hoạch, chiến lược cụ thể ở từng thời điểm trong năm, tạo bứt phá tăng trưởng. Bên cạnh đó, sự linh hoạt, đa dạng về sản phẩm của các doanh nghiệp đang dần khai thác tối đa được nhiều thị trường khác nhau.

Nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng dương

Nhận định về những khó khăn của xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng cuối năm nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Các chính sách thắt chặt tiền tệ ở các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong ký kết, thực hiện các đơn hàng. Trong khi đó, nhiều quốc gia khác cũng thực thi chính sách tăng cường bảo hộ sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước, đẩy mạnh sản xuất nông sản để chủ động nguồn cung.

 

Bộ Công Thương  đề nghị Đại sứ quán, Tham tán Thương mại tại các nước xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin các thị trường xuất khẩu; tăng cường xúc tiến, quảng bá đối với các sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường gắn liền với các hoạt động ngoại giao của Chính phủ và của Bộ vào các thị trường lớn (Trung Quốc, Mỹ, EU, Nga, Brazil) và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng (Nhật Bản, Hàn Quốc, Asean, Australia, New Zealand, Trung Đông...).

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Trong nước, các mặt hàng quả có nguồn cung dồi dào, nhiều loại đang vào vụ thu hoạch (xoài, sầu riêng, mít, chanh, vải). Chăn nuôi gia súc gia cầm vẫn nhiều khó khăn. Thời tiết diễn biến bất thường, El Nino nắng nóng gay gắt hơn, nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất nông lâm thủy sản và cháy rừng rất cao ở nhiều địa phương; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản.

Để lấy lại tăng trưởng dương cho xuất khẩu nông lâm thủy sản, trong nửa cuối năm, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện các cơ chế, chính sách đối với công tác xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường để giải quyết kịp thời các vướng mắc thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản. Cùng với đó, thúc đẩy lưu thông, thương mại biên giới, triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách giảm ùn ứ và thúc đẩy xuất khẩu nông sản tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Trong quý III/2023, Bộ NN&PTNT sẽ đàm phán để xuất khẩu dừa tươi sang Mỹ; thống nhất với Nhật Bản về tem mới đối với mặt hàng xoài và thanh long quả tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản từ 1/8/2023; trao đổi với Tổng Cục Hải quan Trung Quốc để hoàn thiện dự thảo Nghị định thư về yêu cầu nhập khẩu ớt và các loại quả tươi truyền thống của Việt Nam (trừ chuối).

Đặc biệt, Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức họp trực tuyến với Tổng cục Hải quan Trung Quốc về Lệnh 248 và 249 và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu; tổ chức tiếp đón và làm việc với đoàn thanh tra của EU đánh giá hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản và các doanh nghiệp chế biến thủy sản của Việt Nam.

 

Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 21,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản và tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu sang Mỹ chiếm 20,2% trong tổng kim ngạch của ngành, nhưng giảm 32,9%; xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm 7,7%, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm trước.