Thị trường xuất khẩu số 1
Trước tiên, cần khẳng định, một trong những ưu tiên quan trọng trong hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc đó là hain bên tiếp tục nỗ lực duy trì xu thế phát triển ổn định, cân bằng, bền vững; tích cực thúc đẩy, sớm hoàn tất các thủ tục để đưa thêm các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc, nhất là sản phẩm nông, thủy sản.
Thời gian qua, Trung Quốc luôn được xác định là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn và quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Thông tin từ Bộ NN&PTNT, 9 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Trung Quốc đạt 9,26 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 3,4 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2023. Với kết quả này, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của rau quả Việt Nam trong 9 tháng qua.
Đến nay, Việt Nam đã có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc: sầu riêng, tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, thạch đen, măng cụt, vải và chanh dây. Sầu riêng, thanh long... của Việt Nam rất được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng, lượng nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam chiếm khoảng 1/5 tổng lượng nông sản nhập khẩu từ ASEAN.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian qua, bộ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT trong công tác đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như: bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới... Bên cạnh đó là đề xuất nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc; đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ, cũng như chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.
Với những nỗ lực trên, nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Trung Quốc vào tháng 8/2024, Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký 3 nghị định thư, mở đường cho việc xuất khẩu dừa tươi, sầu riêng đông lạnh và cá sấu sang thị trường Trung Quốc.
Việc ký kết các nghị định thư cho phép xuất khẩu chính ngạch nông sản đã tạo sức bật cho nhiều loại nông sản của Việt Nam tại thị trường này. Đơn cử như sầu riêng: sau khi có Nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc, giá trị xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang thị trường này trong 2 năm trở lại đây đã lớn hơn rất nhiều so với các năm trước cộng lại. Năm 2022, xuất khẩu sầu riêng đạt 420 triệu USD, năm 2023 đạt 2,3 tỷ USD, tăng gấp 5 lần so với năm 2022 và tăng gấp 10 lần so với năm 2021, trong đó trên 90% xuất sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, những kết quả đạt được thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, nhu cầu và thế mạnh của mỗi bên. Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú, nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, hiện nay, ngoài 14 loại nông sản đi theo đường chính ngạch, hầu hết mặt hàng còn lại xuất qua kênh buôn bán biên giới (tiểu ngạch).
Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ trái cây của thị trường Trung Quốc rất lớn và khả năng cung ứng trái cây đặc sản, chất lượng cao của Việt Nam rất dồi dào. Cùng với đó là lợi thế về các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà hai nước cùng là thành viên. Ngoài ra, Việt Nam cũng là quốc gia có hơn 1.450km đường biên giới (đường thủy, đường bộ) với Trung Quốc, nên chi phí logistics thấp, cạnh tranh hơn so với các nước. Vì vậy, hiện còn dư địa rất lớn cho các DN kinh doanh trái cây của hai nước khai thác, phát huy.
Tổ chức sản xuất bài bản, tăng xuất khẩu chính ngạch
Dù Trung Quốc có thể ký thêm Nghị định thư cho nhiều mặt hàng nông sản Việt trong thời gian tới, nhưng thách thức đặt ra cho DN, nông dân trong nước là phải tuân thủ về vùng trồng, cơ sở đóng gói, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, đáp ứng toàn bộ hàng rào kỹ thuật. Chỉ một trong những tiêu chuẩn này chưa đạt, hàng hóa sẽ không được thông quan, khi đó sẽ là điểm trừ cho nông sản Việt.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định, chỉ có tổ chức sản xuất bài bản mới có thể đi đường dài, không chỉ sang Trung Quốc, mà với nhiều thị trường trên toàn cầu. Vì vậy, để giữ uy tín, thị trường cho nông sản xuất khẩu Việt Nam, Bộ NN&PTNT cần quyết liệt chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành trong việc giám sát mã số sau vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đều phải đáp ứng được những yêu cầu về kiểm dịch thực vật cũng như an toàn thực phẩm quy định trong các nghị định thư.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá: nông sản nói chung và trái cây nói riêng có tiềm năng rất lớn tại thị trường Trung Quốc. Nổi bật là nhiều loại trái cây như: sầu riêng, xoài, thanh long, vải, nhãn, chuối... được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng từ lâu.
Tuy nhiên, để nắm bắt cơ hội thị trường Trung Quốc, rau quả Việt cần khắc phục điểm yếu về chất lượng chưa đồng đều cũng như sản lượng chưa ổn định để đáp ứng nhu cầu của các nhà nhập khẩu và phân phối lớn ở Trung Quốc. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch thương mại để phát triển bền vững và nâng cao giá trị xuất khẩu.
Để phát triển bền vững tại thị trường Trung Quốc, các chuyên gia, nhà quản lý nhấn mạnh việc DN Việt cần tập trung vào chất lượng, hương vị đặc trưng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Khi người tiêu dùng Trung Quốc nhận thấy những giá trị này, họ sẽ trở thành khách hàng trung thành, tạo nền tảng cho sự phát triển lâu dài của nông sản Việt Nam. Chẳng hạn như xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc, với xu hướng tăng trưởng hiện tại và nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng của thị trường Trung Quốc, dự đoán rau quả Việt Nam có tiềm năng đạt mốc 5 tỷ USD trong cả năm 2024 và đạt mốc 10 tỷ USD trong tương lai.
Nói về giải pháp phát triển thị trường Trung Quốc, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) Tô Ngọc Sơn cho rằng, việc nắm bắt thông tin kịp thời và thích ứng linh hoạt với những thay đổi ở thị trường Trung Quốc là vô cùng cần thiết để duy trì và phát triển thị trường xuất khẩu.
Hiện nay, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam cơ bản đã chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc, vấn đề DN xuất khẩu cần lưu ý là làm sao giữ vững được thị phần cũng như tăng thêm giá trị gia tăng cho trái cây xuất khẩu. Đối với các loại nông sản mà tỷ trọng giá trị xuất khẩu sang thị trường còn khiêm tốn như xoài, nhãn..., cần chú trọng công tác nghiên cứu thị trường, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại để đẩy mạnh giá trị xuất khẩu sang thị trường này.
Bên cạnh đó, DN cần chủ động tuyển dụng nhân viên thông thạo tiếng Trung để có thể giao dịch trực tiếp, tìm hiểu thông tin thị trường cũng như các quy định liên quan của phía Trung Quốc để chủ động hơn trong kinh doanh với thị trường. Mặt khác, cần chú trọng công tác xúc tiến thương mại như chủ động tham gia các hội chợ chuyên ngành về lĩnh vực nông sản tại Trung Quốc để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm nông sản đã có thương hiệu. Qua đó, tìm kiếm các nhà nhập khẩu uy tín nhằm xuất khẩu các sản phẩm nông sản sang thị trường Trung Quốc một cách chính quy, bài bản.
Nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường từ ngày 12 - 14/10, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đã phối hợp tổ chức Khu triển lãm sản phẩm nông nghiệp đặc sắc của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc vào ngày 13/10. Đây là cơ hội tốt để các nhà sản xuất, cung ứng của Việt Nam giới thiệu, quảng bá thương hiệu, hình ảnh nông sản đặc sắc, cũng như gặp gỡ, tìm kiếm khách hàng, tăng cường hoạt động giao thương, tạo dựng mối quan hệ hợp tác bền vững với các đối tác tiềm năng về nhập khẩu nông sản tại Trung Quốc.