Siết chặt kiểm soát
Từ nhiều năm nay, Trung Quốc là một trong những thị trường nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam, với nhiều mặt hàng nông sản chiếm từ 40 - 70% tổng thị phần xuất khẩu nước ta. Cụ thể, Trung Quốc chiếm khoảng 70% tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng rau, quả; hơn 22% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, có tới 60 - 70% nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc qua tiểu ngạch khiến giá trị xuất khẩu bị giảm và tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiếu bền vững. Từ năm 2018 đến nay, Trung Quốc đã có nhiều thay đổi trong nhập khẩu nông sản của Việt Nam khi đồng ý nhập khẩu một số nông sản của nước ta (chủ yếu là trái cây) qua đường xuất khẩu chính ngạch.
Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho hay, phía thị trường Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt quy định đối với nông sản Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường này, điển hình là mặt hàng rau quả. Hiện, trái cây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và quy định về an toàn nguyên liệu, ATTP, kiểm dịch thực vật và phải đăng ký mã số vùng, địa danh của nông sản với Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Các đơn vị nhập khẩu phải khai báo rõ ràng xuất xứ nguồn gốc kèm theo nhãn mác; sản phẩm phải bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật bao gói, điều kiện vệ sinh, không nhiễm côn trùng hại…Đặc biệt, Trung Quốc có một số thay đổi trong giám sát xuất nhập khẩu rau, quả vào nước này. Theo đó, từ ngày 1/10/2019, thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc phải có chứng nhận ATTP do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp cho các lô hàng. Ngoài ra, đối với các mặt hàng thủy sản, nông sản khác, Trung Quốc cũng siết chặt kiểm soát chất lượng.Nâng chất lượng là yếu tố quyết địnhNhiều chuyên gia cho rằng, việc Trung Quốc đưa ra những yêu cầu cao về chất lượng sẽ giúp DN Việt khắc phục được tình trạng xuất khẩu tiểu ngạch như hiện nay cũng như chủ động hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, qua đó, sẽ hạn chế được rủi ro, giảm sự lệ thuộc trong khâu tiêu thụ tại thị trường này và giảm thiểu tình trạng bị ép giá hoặc được mùa, mất giá. Đã đến lúc, người sản xuất và DN xuất khẩu tới thị trường các nước nói chung và Trung Quốc nói riêng cần có những động thái tích cực hơn để vượt rào cản của nước nhập khẩu. Đây cũng chính là điều kiện để nông dân và DN Việt cải tiến phương thức theo hướng đồng bộ, bài bản trong chuỗi giá trị.Nhằm giúp DN khai thác hiệu quả thị trường tiềm năng này, các bộ, ngành đang tích cực đàm phán với các cơ quan chức năng Trung Quốc và bổ sung loại hình nông sản xuất khẩu theo chính ngạch. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, căn cơ của vấn đề vẫn nằm ở bài toán chất lượng nông sản. Không riêng thị trường Trung Quốc mà với bất cứ thị trường nào trong bối cảnh hội nhập, yêu cầu cao về chất lượng vẫn là đáp án của thành công. Song hành, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương mở nhiều lớp tập huấn và tạo kênh thông tin kịp thời về thị trường, về các quy định mới nhất của nước bạn, đặc biệt là vào thời điểm vụ thu hoạch từng loại nông sản. Qua đó, người sản xuất và DN xuất khẩu có giải pháp phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu từ thị trường nhập khẩu lớn như Trung Quốc.
Bộ Công Thương khuyến nghị, các DN Việt cần chủ động phối hợp với các nhà nhập khẩu Trung Quốc nghiên cứu và tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc… Trong trường hợp vườn trồng trái cây và DN đóng gói chưa nằm trong danh sách được Tổng cục Hải quan Trung Quốc đăng tải, DN cần chủ động liên hệ với Bộ NN&PTNT để được hướng dẫn cụ thể. |