Xuất khẩu rau quả đón cơ hội mới

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến xuất khẩu nông sản của Việt Nam, đặc biệt là mặt hàng rau quả. Trong bối cảnh đó, việc thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ tạo cơ hội mới cho mặt hàng rau quả phục hồi tăng trưởng cũng như giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Xuất khẩu sụt giảm vì Covid-19
Theo số liệu thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 7 tháng năm 2020, xuất khẩu rau quả ước đạt gần 2 tỷ USD, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng nói, từ đầu năm đến nay, mặc dù Trung Quốc vẫn đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam với gần 60% nhưng trị giá xuất khẩu rau quả sang thị trường này chỉ đạt 1,04 tỷ USD, giảm 29,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Lý giải nguyên nhân khiến xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc sụt giảm mạnh, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, phía Trung Quốc đã có những động thái siết chặt các quy định nhập khẩu. Chính quyền nhiều tỉnh đang thực hiện nghiêm chế độ quản lý hàng hóa đưa vào tiêu thụ tại các chợ, siêu thị; tăng cường kiểm tra các loại giấy tờ như: Chứng nhận đạt chuẩn chất lượng, chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ, chứng từ mua hàng đối với hàng nông sản dùng làm thực phẩm. Ngoài ra, từ ngày 1/7/2020, các phương tiện vận tải của Việt Nam nhập cảnh Trung Quốc đều phải mua bảo hiểm phương tiện.
 Sơ chế đóng gói thanh long xuất khẩu ở Công ty TNHH Chế biến nông sản thực phẩm Cát Tường. Ảnh: Minh Trí

Đánh giá về góc độ thị trường, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho rằng, dù xuất khẩu rau quả sang các thị trường khác như: Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc… đều tăng nhưng vẫn không đủ bù đắp được sự sụt giảm của thị trường Trung Quốc. Dự báo, năm nay xuất khẩu rau quả có thể vẫn sẽ bị sụt giảm khoảng 10% so với năm 2019. Tuy nhiên, nhờ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, điển hình là EVFTA, rau quả Việt đang có nhiều cơ hội bứt phá tại các thị trường mới, thay vì lệ thuộc lớn vào Trung Quốc.
Tận dụng cơ hội để phục hồi, tăng trưởng
Với nhóm hàng rau quả, EU nhập khoảng 35 tỷ Euro/năm, trong khi Việt Nam chỉ mới xuất sang thị trường này khoảng 130 triệu Euro nên dư địa còn khá lớn. Mặt khác, theo khảo sát của các Thương vụ Việt Nam tại EU, các sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng và nhiều tiềm năng tại khu vực này gồm: Bơ, xoài và khoai lang.
Việc nhập khẩu trái cây vào thị trường EU chủ yếu thông qua Hà Lan do Hà Lan được coi là cửa ngõ để vào thị trường EU đối với các mặt hàng rau quả. Do đó, Bộ Công Thương khuyến nghị, các DN Việt Nam muốn xuất khẩu vào EU cần có kế hoạch nghiên cứu và tiếp cận các nhà nhập khẩu, các kênh phân phối và hệ thống bán lẻ ở Hà Lan để có thể xây dựng một chiến lược xuất khẩu các mặt hàng rau quả vào Hà Lan và qua đó vào EU.
Mặc dù cơ hội là rất lớn, nhưng để các sản phẩm rau quả của Việt Nam được nhập khẩu vào thị trường EU là việc không hề đơn giản. Giám đốc Trung tâm WTO & Hội nhập (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang phân tích, EVFTA sẽ khiến các quy định về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc của các nước nhập khẩu ngày càng chặt chẽ và cao hơn khi giảm thuế. Do đó, DN Việt Nam phải tuân thủ các quy định của các nước nhập khẩu, không chỉ vấn đề an toàn thực phẩm mà còn các tiêu chuẩn về sở hữu trí tuệ, trách nhiệm xã hội, vấn đề lao động…
“Ngay khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, mặt hàng rau quả được xóa bỏ 100% dòng thuế xuất khẩu. Tuy nhiên, rau quả phải đối mặt thách thức bởi kiểm soát gian lận thương mại và thách thức từ nội tại của trái cây Việt khi sức cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã, giá cả, tính chuyên nghiệp còn hạn chế” – bà Nguyễn Thị Thu Trang lưu ý.
Bộ NN&PTNT khuyến cáo, cùng với việc tận dụng cơ hội do EVFTA mang lại để phục hồi tăng trưởng, tình thế cũng đặt ra những yêu cầu cấp thiết đối với DN rau quả Việt. Cụ thể, DN phải cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói, vận chuyển, đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường EU cũng như hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

"EU là thị trường khó tính với các quy định về hàng rào kỹ thuật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm… Nếu vi phạm, DN sẽ bị trả hàng, gây thiệt hại không chỉ riêng cá nhân DN mà cả ngành rau quả Việt Nam." - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản