70 năm giải phóng Thủ đô

Xuất khẩu rau quả năm 2022 khó bứt phá

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những hạn chế về đầu tư chế biến sâu, nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng tiêu chuẩn nhập khẩu của thị trường khó tính đang là rào cản đối với mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD của ngành hàng rau quả Việt Nam.

Phần lớn rau quả xuất khẩu ở dạng tươi, giá trị thấp

Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 9 tháng năm 2022, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 2,45 tỷ USD, giảm hơn 11% so với cùng kỳ. Đáng lưu ý, xuất khẩu rau quả sang nhiều thị trường như: Mỹ, Nhật Bản, EU… tăng mạnh, có thị trường tăng tới 100%. Tuy nhiên thị trường Trung Quốc giảm mạnh, kéo theo kim ngạch cả năm dự kiến chỉ đạt 3,2 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2021.

Chế biến sản phẩm xuất khẩu tại Công ty CP Xuất nhập khẩu Nông sản thực phẩm An Giang, tỉnh An Giang. Ảnh: Vũ Sinh
Chế biến sản phẩm xuất khẩu tại Công ty CP Xuất nhập khẩu Nông sản thực phẩm An Giang, tỉnh An Giang. Ảnh: Vũ Sinh

Cụ thể, trong 9 tháng qua kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường 1,4 tỷ dân này chỉ đạt khoảng 1 tỷ USD, giảm đến hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2021, thị trường Trung Quốc chiếm thị phần đến 57% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, thì năm nay chỉ còn 44%. Trong khi đó, xuất khẩu sang Mỹ tăng từ 151 triệu USD của năm trước lên 180 triệu USD, tương đương 19%. Tiếp theo là Hàn Quốc 125 triệu USD, Nhật Bản 115 triệu và Thái Lan 189 triệu.

Lý giải nguyên nhân, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải cho hay, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc giảm mạnh trong những tháng qua là do chính sách “Zezo covid”, siết kiểm soát nhập khẩu để chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, thị trường này hiện trở nên khó tính hơn với nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật gắt gao. Điều này cũng làm nhiều loại rau quả Việt Nam không tiêu thụ được như: Thanh long, dưa hấu, bưởi, xoài, chuối, mít…

Đáng nói, xuất khẩu rau quả sang EU vẫn chiếm tỷ trọng khiêm tốn. Hiện trong cơ cấu trái cây, rau quả sang thị trường này, sản phẩm tươi khoảng 70%, sản phẩm chế biến chỉ chiếm 30%.

"Sản lượng trái cây, rau quả Việt Nam đạt 31 triệu tấn nhưng tỷ lệ chế biến chỉ đạt khoảng 12 - 17%, điều này khiến trên 70% rau quả xuất khẩu vẫn đang ở dạng tươi hoặc sơ chế bảo quản là chủ yếu. Trong khi nhu cầu ăn uống của người dân EU đang nghiêng về sử dụng trái cây, rau củ đã qua chế biến. Đây là nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam vào EU chỉ chiếm tỷ trọng thấp" - ông Trần Thanh Hải phân tích.

Chuyển dịch cơ cấu tăng sản phẩm chế biến

Nhiều chuyên gia nhận định, xuất khẩu ngành hàng rau quả Việt Nam đang đi đúng định hướng, đó là không chạy theo số lượng, nâng cao chất lượng; duy trì thị trường xuất khẩu truyền thống, khai thác thị trường lớn, tiềm năng; đồng thời, chủ động xây dựng vùng sản xuất, thương hiệu, tập trung cho chế biến.

Vùng trồng xoài Sơn La đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ. Ảnh minh họa
Vùng trồng xoài Sơn La đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, theo PGS.TS Phạm Tất Thắng - Chuyên viên cao cấp Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương), hiện nay trên cả nước chưa có nhiều mô hình sản xuất rau quả tập trung với quy mô lớn, nên việc áp dụng truy xuất nguồn gốc đối với từng hộ nông dân là rất khó khăn và tốn kém.

Sản xuất rau quả an toàn theo hướng VietGAP hay Global GAP còn khá khiêm tốn (chiếm khoảng 10 - 15% trên tổng diện tích trồng trọt), nên DN gặp khó khăn trong huy động lượng hàng lớn, đạt tiêu chuẩn để thực hiện hợp đồng xuất khẩu.

Chia sẻ về giải pháp dành cho các DN, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho rằng, trái cây tươi, chất lượng tốt luôn có giá trị xuất khẩu cao nhưng công nghệ thu hoạch, bảo quản, vận chuyển của Việt Nam còn hạn chế khiến nhiều loại sản phẩm khi đến các thị trường xa như châu Âu, Mỹ không còn tươi ngon, rất khó bán. Chính vì vậy, phát triển công nghiệp chế biến không chỉ là phát triển dây chuyền sấy, ép nước… mà còn phải đầu tư cho công nghệ xử lý, bảo quản sau thu hoạch và phát triển logistics phục vụ vận chuyển rau quả.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các bộ, ngành đề xuất Chính phủ có cơ chế, chính sách thu hút DN, hợp tác xã đầu tư. Theo đó, những khu vực sản xuất tập trung, hợp tác xã và các cơ sở, đại lý thu gom lớn đều có cơ sở sơ chế, đóng gói và kho mát bảo quản có quy mô, trang thiết bị phù hợp với đặc tính từng loại rau quả.

Đồng thời, có chính sách khuyến khích đầu tư phát triển các trung tâm chiếu xạ thực phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho rau quả xuất khẩu sang những thị trường chất lượng cao trên thế giới.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, trong thời gian tới, sức tiêu thụ ở thị trường nhập khẩu rau quả vẫn gặp những khó khăn, thách thức không nhỏ. Do đó, Bộ Công Thương đang tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT phân tích và đưa ra nhận định cụ thể về các thị trường, từ đó giúp người sản xuất và DN có định hướng trong sản xuất, xây dựng chiến lược kinh doanh, tận dụng lợi thế từ những hiệp định thương mại tự do.

 

Ngành rau quả Việt Nam cần tiếp tục chuyển dịch mạnh về cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng sản phẩm chế biến, giảm xuất khẩu các sản phẩm tươi. Các DN xuất khẩu cần đẩy mạnh đầu tư cho công nghệ xử lý, bảo quản sau thu hoạch và phát triển logistics phục vụ vận chuyển rau quả.

PGS.TS Phạm Tất Thắng