Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất khẩu rau quả năm 2024 thắng lớn

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với những con số kỷ lục và ấn tượng, năm 2024 là năm thắng lớn của ngành hàng rau quả khi chạm mốc 7,1 tỷ USD. Bước nhảy vọt này đang mở ra chặng đường phát triển mới cho ngành hàng rau quả bứt phá trong thời gian tới. 

"Được mùa" cả về sản lượng và giá trị

Số liệu của Bộ NN&PTNT cho thấy, xuất khẩu rau quả đạt 7,1 tỷ USD, tăng gần 27% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là kỷ lục mới của ngành rau quả Việt Nam và cũng là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024.

Kiểm tra mẫu sầu riêng xuất khẩu. Ảnh minh họa
Kiểm tra mẫu sầu riêng xuất khẩu. Ảnh minh họa

Đứng đầu về danh sách rau quả xuất khẩu là sầu riêng với giá trị ước đạt 3,3 tỷ USD; tiếp đến là thanh long đạt 435 triệu USD, chuối, xoài, mít, dừa, dưa hấu... Bộ NN&PNT nhận định, sự tăng trưởng vượt bậc của sản lượng các loại trái cây chủ lực, kết hợp với việc khai thác hiệu quả thị trường Trung Quốc, đã giúp xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt được những thành tích đáng ghi nhận trong thời gian qua.

Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam Nguyễn Thanh Bình cho biết, rau quả là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, hiện có mặt trên hơn 60 thị trường. Nhiều sản phẩm chủ lực như xoài, chuối, sầu riêng… đang đứng thứ 2 về xuất khẩu sang Trung Quốc là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất thế giới. Ngoài sản phẩm tươi, rau quả Việt Nam còn có các mặt hàng xuất khẩu như chế biến, chế biến sâu.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, kết quả xuất khẩu rau quả năm 2024 là do sự tích lũy thành quả của các năm trước. Các loại cây ăn quả đa số đều cần thời gian đầu tư dài từ 3 - 5 năm; đồng thời, số lượng rau quả xuất khẩu chính ngạch ngày càng tăng. Đơn cử, Trung Quốc hiện cấp phép 15 mặt hàng rau quả xuất khẩu chính ngạch, trong đó có sầu riêng, chuối, dừa… là những măt loại trái cây tăng trưởng tích cực.

Sơ chế, đóng gói thanh long xuất khẩu. Ảnh minh họa
Sơ chế, đóng gói thanh long xuất khẩu. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, thị phần của rau quả Việt Nam tiếp tục tăng, chẳng hạn từ vị trí thứ 3 lên thứ 2 ở Trung Quốc, hay tăng trưởng mạnh tại các thị trường lớn như Mỹ, Thái Lan tăng hơn... Đặc biệt, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại về rau quả được các cấp, các ngành, hiệp hội ngành hàng ngày càng quan tâm, đầu tư. Ngoài ra, với 16 FTA thế hệ mới, ngành rau quả có nhiều cơ hội tiếp cận những thị trường tiềm năng.

Nâng chất lượng để xuất khẩu bền vững

Với nhiều dư địa thị trường, Hiệp hội Rau quả Việt Nam kỳ vọng ngành rau quả Việt có thể mang về hơn 8 tỷ USD trong năm 2025. Trong đó, có nhiều yếu tố mới xuất hiện như mặt hàng sầu riêng đông lạnh, dừa tươi xuất khẩu đi Trung Quốc, chanh dây hiện nay đang đàm phán với Mỹ.

 

Để duy trì, mở rộng thị trường và gia tăng giá trị xuất khẩu, các doanh nghiệp phải tuân thủ tuyệt đối các tiêu chuẩn mà nước nhập khẩu đưa ra; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất bền vững và thực chất từ vùng trồng, cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật, xuất khẩu để tạo ra sản phẩm chất lượng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung

Giới chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu rau quả nói chung và trái cây nói riêng đang đứng trước thời cơ lớn để gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Nguyên nhân là do nhu cầu thị trường thế giới về nguồn hàng này ngày càng cao, trong khi Việt Nam đang làm rất tốt công tác mở cửa thị trường.

Bộ NN&PTNT dự kiến, vào năm 2025, trái chanh dây Việt Nam sẽ chính thức được cấp phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Đây là kết quả từ quá trình đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ về các biện pháp kiểm dịch thực vật đối với loại trái cây này.

Hiện các bước đàm phán kỹ thuật đã được hoàn thiện và hiện tại hai bên đang hoàn tất những thủ tục pháp lý cần thiết. Việc chanh dây được phép thâm nhập vào thị trường Mỹ hứa hẹn tạo động lực lớn để ngành rau quả Việt Nam tiếp tục mở rộng xuất khẩu, đặc biệt vào các thị trường khó tính khác.

Tuy nhiên, trong năm 2025, dự báo chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, xung đột địa chính trị toàn cầu… là những thách thức lớn. Để xuất khẩu bền vững hơn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho rằng, doanh nghiệp cần quan tâm đến công nghệ sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị gia tăng, vừa hạn chế rủi ro mùa vụ.

"Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường, hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về các mặt hàng chủ lực. Cùng với đó, có những thiết chế luật pháp chặt chẽ hơn, giúp bảo vệ những nhà sản xuất chân chính." - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung thông tin.