Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất khẩu sang Nga gặp khó, doanh nghiệp Việt chật vật xoay xở

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đơn hàng ngưng trệ, hàng hóa ùn ứ, rủi ro thanh toán quốc tế… là những khó khăn mà DN Việt Nam đang gặp phải do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine. Đặc biệt, khi kênh thanh toán với Nga qua SWIFT bị ngắt kết nối đã khiến DN càng thêm chật vật.

Khó khăn bủa vây

Chia sẻ về tình hình xuất khẩu nông sản sang Nga, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh Phan Minh Thông cho biết, hiện có khoảng 50% đơn hàng (hạt tiêu, cà phê, điều, dừa) DN đưa sang Nga bị kẹt lại. Nguyên nhân là do các ngân hàng Việt Nam không dám nhận chứng từ xuất khẩu sang Nga, sau khi Mỹ và EU loại một số ngân hàng Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT).  

Nhiều DN xuất khẩu Việt Nam đang gặp khó khăn do Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT
Nhiều DN xuất khẩu Việt Nam đang gặp khó khăn do Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT

Trước sự cố trên, DN đã phải nhanh chóng xử lý, đối với những đơn hàng đã giao thành công nhưng chưa thanh toán được, hai phía cùng tìm cách giải quyết. Còn với những đơn hàng đang trên đường đi nhưng chứng từ chưa gửi được thì DN thông báo hãng tàu cập các cảng trên đường sang Nga như Thổ Nhĩ Kỳ, Singapore để tìm đối tác mua hàng khác.

“Rất ít DN có thể xoay xở tìm đối tác khác được, còn đa số những DN nhỏ, nhất là DN xuất khẩu rau quả, hải sản đông lạnh đang trên đường đi mà phải quay đầu hoặc cập cảng khác sẽ thiệt hại không nhỏ do hàng hư hỏng, chịu chi phí lưu kho bãi vì không dễ gì tìm được đối tác ngay” - ông Phan Minh Thông cho hay.

Lo lắng hơn cả là các DN xuất khẩu thủy sản, khi một số DN đã giao hàng cho đối tác ở Nga nhưng chưa nhận được tiền và nỗi lo khó thu được tiền hàng khi Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT.

Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe thông tin, hiện có khoảng 50 DN được cấp phép xuất khẩu thủy sản sang Nga. Các DN đang phải theo dõi tình hình để xử lý hàng tồn hoặc tìm cách xuất khẩu sang các thị trường khác. Đối với các đơn hàng đã xuất khẩu nhưng chưa được thanh toán do không thể chuyển tiền thông qua thẻ thanh toán quốc tế hoặc tin nhắn SWIFT, các DN xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vẫn đang trong quá trình làm việc với đối tác để tìm phương án thanh toán thay thế.

DN xuất khẩu thủy sản bị ảnh hưởng không nhỏ do xung đột Nga - Ukraine
DN xuất khẩu thủy sản bị ảnh hưởng không nhỏ do xung đột Nga - Ukraine

Theo thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), việc một số ngân hàng Nga bị cấm tham gia giao dịch quốc tế đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến dòng tiền thanh toán cho DN xuất khẩu. Vấn đề thanh toán các bên vẫn đang tìm phương thức phù hợp. Tuy nhiên, có rất nhiều khó khăn bủa vây DN và không thể tháo gỡ trong “một sớm, một chiều”. Cụ thể, các đơn hàng đã ký không thể rút được hợp đồng, đồng Ruble biến động quá cao, hàng xuất không có tàu chở đi, những đơn hàng đã ký thì kẹt cứng…

Cách nào giảm thiểu rủi ro?

Đưa ra khuyến nghị với DN Việt, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, giải pháp trước mắt là một mặt các DN nỗ lực tìm đối tác ở châu Âu và Trung Quốc để xoay chuyển thị trường, mặt khác tạm ngưng ký các đơn hàng mới đi Nga. Quan trọng nhất là các DN cần có kế hoạch và chủ động làm việc với đối tác nhập khẩu Nga về thanh toán, tiến độ giao hàng để tránh rủi ro, đảm bảo quyền lợi. Về lâu dài, DN cần tận dụng tối đa ưu đãi trong những Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và các nước để đa dạng hóa thị trường.

Theo TS Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, trước tình hình chiến sự giữa Nga - Ukraine còn căng thẳng, DN và các hiệp hội DN cần tính toán đa dạng hóa thị trường, nguồn cung. Bên cạnh đó, cần rà soát hợp đồng và hồ sơ pháp lý để bảo đảm chủ động nếu xảy ra tranh chấp, đa dạng hóa đồng tiền thanh toán để tránh tác động, rủi ro. Đồng thời, chủ động đàm phán với các đối tác về phương án vận chuyển hàng hóa, phương thức kinh doanh để tránh hàng hóa bị ách tắc và hư hỏng.

“Quốc hội, Chính phủ cần vào cuộc quyết liệt hơn để hỗ trợ DN, đặc biệt là trong việc đa dạng hóa thị trường. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu sâu hơn và nhiều hơn về kênh thanh toán song phương, hỗ trợ DN kiểm soát rủi ro, đặc biệt là rủi ro về tỷ giá. Chính phủ cần nghiên cứu lồng ghép các giải pháp ở trên vào chương trình phục hồi, phối hợp chính sách thật tốt để vừa thúc đẩy phục hồi, vừa tháo gỡ khó khăn cho DN, vừa kiểm soát lạm phát” - TS Cấn Văn lực đề xuất.

Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải khuyến cáo, các hiệp hội ngành hàng, DN xuất khẩu nên áp dụng những biện pháp phòng ngừa rủi ro khi giao kết hợp đồng với khách hàng nước ngoài; cân nhắc thấu đáo trong lựa chọn ngân hàng thanh toán trong bối cảnh hiện nay.

Ngoài ra, cần tận dụng tối đa ưu đãi trong 15 FTA giữa Việt Nam và các nước để đa dạng hóa thị trường. Tuy nhiên, cần hết sức lưu ý tránh vô tình vướng vào lệnh trừng phạt, biện pháp hạn chế thương mại.

 

Bộ Công Thương đã có chỉ đạo toàn bộ hệ thống thương vụ tại các nước châu Âu có trách nhiệm cao nhất trong việc hỗ trợ DN đang có gặp khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu với Nga và Ukraine, tìm cách chuyển hướng sang  thị trường phù hợp tại châu Âu. Nếu gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu, cần chủ động liên hệ với bộ phận thương vụ thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Nga và Ukraine để được hỗ trợ, tìm phương hướng tháo gỡ.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải