Sụt giảm giá hàng hóa xuất khẩu
Thông tin từ Bộ Công Thương, 2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 96 tỷ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu giảm 10,4%, đạt 49,4 tỷ USD; nhập khẩu giảm 16%, đạt 46,6 tỷ USD.
Đáng chú ý, xuất khẩu hàng hoá đạt gần 49,5 tỷ USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong 2 tháng đầu năm 2023, có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 69,9% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Bên cạnh đó, giá hàng hóa xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm ghi nhận sự sụt giảm ở hầu hết mặt hàng đã khiến tăng trưởng xuất khẩu chung sụt giảm. Đơn cử, giá xuất khẩu bình quân các mặt hàng nông sản như: Hạt điều, cà phê, sắn và sản phẩm từ sắn giảm lần lượt là 3,7%, 1,7% và 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Giảm giá mạnh nhất là hạt tiêu giảm 31,4% và cao su giảm 20,6%. Giá các mặt hàng công nghiệp chế biến cũng giảm mạnh như: Phân bón giảm 25,5%, chất dẻo nguyên liệu giảm 24,8%, sắt thép giảm 32%.
Trong 2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của hầu hết nhóm hàng đều giảm, ngoại trừ nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản. Cụ thể: Nhóm hàng nông, thủy sản ước đạt 3,88 tỷ USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ; nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 42,97 tỷ USD, giảm 9,8%...; riêng nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản đạt 626 triệu USD, tăng 4,3% (chủ yếu do xuất khẩu dầu thô tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2022).
Phân tích về những thuận lợi và thách thức của hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trong năm 2023, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho rằng, sụt giảm của nhu cầu thế giới chính là yếu tố khó khăn và thách thức lớn cho xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023.
Về phía cung, tác động từ mở cửa nền kinh tế sau kiểm soát dịch Covid-19 của Trung Quốc có thể làm hàng hóa Việt Nam phải gặp cạnh tranh nhiều hơn tại các thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, cũng có nhiều yếu tố tích cực đối với hoạt động xuất nhập khẩu như các hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục thực thi lộ trình cắt giảm thuế quan; các DN Việt Nam tiếp tục phát huy tính chủ động sáng tạo, tìm kiếm thị trường mới, khai thác lợi thế từ các FTA.
Tận dụng FTA, đa dạng hóa thị trường
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, theo chu kỳ những năm trước, nhập siêu thường đến trong các tháng đầu năm do các DN đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu.
Tuy nhiên, năm nay với việc thiếu vắng các đơn hàng từ các thị trường chính, tình hình nhập khẩu nguyên liệu đầu vào trầm xuống, dự báo hoạt động xuất nhập khẩu vẫn còn khó khăn trong những tháng tới.
2 tháng năm 2023, cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục thặng dư với mức xuất siêu 2,82 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu hơn 300 triệu USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,69 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 6,51 tỷ USD.
Do đó, Bộ Công Thương đang tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thị trường thế giới, tham mưu, đề xuất các khung khổ hợp tác, các giải pháp để đồng thời phát triển thị trường truyền thống và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, hỗ trợ DN tận dụng các FTA đã ký kết khai thác hiệu quả các thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ đã và đang liên tục tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại hàng tháng để cung cấp các thông tin thị trường và tìm giải pháp gỡ khó cho DN xuất nhập khẩu. Cùng với đó, Bộ sẽ tập trung các giải pháp phát triển thị trường khu vực Bắc Âu, Đông Âu, Mỹ Latinh và những thị trường mới còn nhiều dư địa khai thác.
Đồng thời, thúc đẩy đàm phán các FTA mới với các nước Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay. Đặc biệt, tranh thủ sự hồi phục nhanh của các thị trường khu vực ASEAN và một số nước châu Á để đẩy mạnh xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ đánh giá toàn diện các biện pháp mở cửa trở lại của Trung Quốc; tận dụng cơ hội giao lưu hợp tác giữa hai bên để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa không phải kiểm nghiệm Covid-19. Từ đó, nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan tại cửa khẩu.
Đối với các mặt hàng nông sản xuất khẩu, để duy trì đà tăng trưởng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khuyến cáo DN cần đa dạng hóa các sản phẩm chế biến, nhất là chế biến sâu, chế biến sản phẩm giá trị gia tăng phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trong tình hình mới.
Song song đó, hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm khâu trung gian, giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP…