Xuất khẩu tôm được kỳ vọng cao

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xuất khẩu tôm có thể đạt con số lớn hơn nếu thuận lợi về yếu tố thị trường và sự chủ động nguồn cung từ phía các doanh nghiệp.

Tăng giá trị xuất khẩu

Số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho thấy, trong quý II/2014, kim ngạch xuất khẩu (XK) tôm sang các thị trường ước đạt 992,7 triệu USD, tăng 46,4% so với quý II/2013. Tính chung 6 tháng đầu năm, con số này ước đạt gần 1,8 tỷ USD, tăng 62,4% so với cùng kỳ năm 2013.

Xét cơ cấu thị trường, XK tôm sang Mỹ trong quý II ước đạt 264,3 triệu USD, tăng 60,6% so với quý II/2013; nâng tổng giá trị XK tôm sang Mỹ 6 tháng đầu năm đạt trên 527,7 triệu USD, tăng 109,2% so với cùng kỳ năm 2013.
Thị trường xuất khẩu tôm đang cho thấy những tín hiệu lạc quan.
Thị trường xuất khẩu tôm đang cho thấy những tín hiệu lạc quan.
Lượng tôm XK sang Nhật Bản giảm đáng kể do quy định kiểm tra kháng sinh Oxytetracycline (OTC) đối với toàn bộ tôm nhập khẩu của Việt Nam từ giữa tháng 3. Do vậy, trong quý II, từ thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, Nhật Bản xuống vị trí thứ 3 sau Mỹ và EU, đạt 167,8 triệu USD, giảm 10% so với quý II/2013. Dù vậy, tổng giá trị tôm XK sang Nhật trong nửa đầu năm nay đạt 311,17 triệu USD, tăng gần 6% và đưa Nhật trở thành nhà nhập khẩu thứ 2 sau Mỹ.

Đáng lưu ý, quý II, EU là thị trường có sức tăng trưởng mạnh nhất trong top 10 thị trường tiêu thụ tôm Việt Nam với giá trị XK đạt trên 175,4 triệu USD, tăng 115,8% so với quý II/2013. Tính chung 6 tháng, con số này ước đạt 287,4 triệu USD, tăng 108,5% so với cùng kỳ năm 2013.

Đức tiếp tục là quốc gia dẫn đầu về nhập khẩu tôm của Việt Nam với giá trị 62,4 triệu USD, tăng 91,7% so với 6 tháng năm 2013 Tiếp theo là thị trường Hà Lan và Pháp với kim ngạch nhập khẩu lần lượt là 55,17 triệu USD và 42,6 triệu USD, tăng gần 300% và 86%.

Trung Quốc vẫn là thị trường lớn thứ 4 về tiêu thụ tôm Việt Nam với giá trị nhập khẩu ước đạt 212,9 triệu USD trong 6 tháng đầu năm, tăng gần 45% so với cùng kỳ năm 2013.

Kỳ vọng cao hơn

Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Vasep, XK tôm sang Mỹ có thể đối mặt với sự cạnh tranh mạnh hơn từ các nguồn cung khác khi Ecuador bước vào vụ thu hoạch tôm. Trong khi đó, bức tranh XK tôm sang Nhật Bản sẽ tiếp tục ảm đạm khi vấn đề OTC chưa thể giải quyết. Vì vậy, đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn từ phía các doanh nghiệp trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh và hàm lượng chất kháng khuẩn đúng quy định cho sản phẩm tôm XK, góp phần nâng cao sức cạnh tranh tại 2 thị trường quan trọng này.

“Tiềm năng XK sang Mỹ và Nhật vẫn còn rất nhiều cho giai đoạn cuối năm khi Ấn Độ vẫn còn vấn đề với Hội chứng tôm chết sớm (EMS) trong khi sản lượng tôm Thái Lan tiếp tục giảm. Dù vậy, nếu các doanh nghiệp Việt Nam không giải quyết tốt bài toán chất lượng từ khâu chăn nuôi, chế biến tới XK, lợi ích từ các thị trường sẽ không được bảo đảm” - ông Hòe cho biết.

Ngoài ra, kỳ vọng tăng trưởng cũng sẽ đặt vào thị trường EU trong quý III và IV năm nay bởi trên thực tế, các đơn hàng cho sản phẩm tôm của Việt Nam XK sang EU đang gia tăng mạnh mẽ và chiếm được niềm tin của người tiêu dùng các nước EU.