Xuất khẩu trực tuyến, mở luồng xanh đưa hàng Việt Nam ra thế giới

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch năm 2021, nhưng xuất khẩu bằng hình thức trực tuyến đã giúp nhiều doanh nghiệp tiếp cận hình thức kinh doanh hiện đại. Dự báo năm 2022, xuất khẩu trực tuyến sẽ là “cánh cửa” giúp doanh nghiệp đưa hàng Việt ra thị trường thế giới.

Người tiêu dùng mua hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử
Người tiêu dùng mua hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử

Sự lựa chọn tối ưu

Amazon Global Selling Việt Nam vừa có báo cáo hoạt động thương mại trên sàn giao dịch điện tử trong năm 2021. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã bán tổng cộng 7,2 triệu sản phẩm cho khách hàng thế giới thông qua Amazon (bình quân mỗi phút có 14 sản phẩm được bán ra, tăng 34% so với năm 2020).

Tương tự, tại báo cáo hằng năm do công ty SYNC Southeast Asia của Facebook cho thấy, Việt Nam đang đi đầu trong việc thúc đẩy các thay đổi và nắm bắt cơ hội phát triển giao dịch trực tuyến, dựa trên sự chuyển đổi kỹ thuật số khi chuyển sang trạng thái bình thường mới.

"Xuất khẩu theo hình thức trực tuyến thực sự đã chuyển mình từ một kênh phụ trợ, trở thành phần cốt lõi trong chiến lược tăng trưởng xuất khẩu của thương hiệu Việt" - Giám đốc Điều hành Lazada Việt Nam James Dong nói.

 

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu thông qua hình thức trực tuyền, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã triển khai “Gian hàng Quốc gia Việt Nam” trên sàn thương mại điện tử JD.com của Trung Quốc. Đây là gian hàng Quốc gia đầu tiên của Việt Nam được mở trên nền tảng trực tuyến quốc tế, hoạt động này sẽ tạo “luồng xanh” để đưa hàng Việt mở rộng thị trường tại Trung Quốc và vươn tới một số quốc gia như Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan…

Cục trưởng Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số Đặng Hoàng Hải

 

Thực tế cho thấy, giao dịch trực tuyến đã giúp doanh nghiệp, người sản xuất đưa sản phẩm Việt ra thị trường quốc tế. Giữa tháng 5/2021 người dân huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) lo lắng xẩy ra tình trạng được mùa mất giá vải thiều, khi dịch Covid-19 khiến thương lái Trung Quốc sang thu mua rất nhỏ giọt. Để hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm, Bộ Công Thương đã kết nối với các sàn thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Shopee, Sendo, Voso qua đó xuất khẩu 89.300 tấn vải. Đặc biệt, Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số (Bộ Công Thương) hợp tác với sàn thương mại điện tử Voso xuất khẩu thành công vải thiều Bắc Giang sang thị trường châu Âu như Pháp, Hà Lan.

Nhiều doanh nghiệp Việt đã khá thành công khi đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế qua kênh xuất khẩu trực tuyến. Trưởng Phòng Nhãn hàng Công ty CP LiveSpo Nguyễn Hà Mỹ Thùy cho hay, với các thị trường quốc tế như Mỹ, Anh, châu Âu, mục tiêu của nhãn hàng LiveSpo là "online first" (ưu tiên xuất khẩu trực tuyến).

Tương tự Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận (tỉnh Yên Bái) Đỗ Tuấn Lương thông tin, nhờ đẩy mạnh quảng bá và xuất khẩu hàng hóa bằng hình thức trực tuyến, đến nay sản phẩm chè của doanh nghiệp đã có mặt tại thị trường Bắc Mỹ, Trung Đông, doanh thu đạt 1 triệu USD/năm.

“Kinh doanh trên nền tảng trực tuyến quốc tế là giải pháp hữu hiệu, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vươn ra thị trường nước ngoài không chỉ trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát mà cả trong tương lai” - ông Đỗ Tuấn Lương nói.

Xuất khẩu hàng trực tuyến không dễ dàng

Xuất khẩu thông qua hình thức trực tuyến mang lại cơ hội cho đưa hàng Việt ra thị trường quốc tế, nhưng theo các chuyên gia kinh tế để làm được điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải vượt qua những khó khăn về vốn, nhân lực, công nghệ…

Theo Giám đốc Quốc gia của Amazon Global Selling Việt Nam Gijae Seong, doanh nghiệp muốn xuất khẩu trực tuyến phải đầu tư hạ tầng công nghệ một cách bài bản, chuyên nghiệp. Nhưng để làm được điều này đòi hỏi doanh nghiệp cần nguồn vốn lớn, đồng thời hợp tác được với những đối tác công nghệ uy tín. Còn với doanh nghiệp quy mô lớn, đã xuất khẩu thành công theo phương thức truyền thống, hình thức bán hàng trực tuyến không quá hấp dẫn những đơn vị này. Chính vì vậy, khi đối mặt dịch Covid-19 và buộc phải chuyển sang khai thác kênh online, những doanh nghiệp này lúng túng bởi chỉ có nhân lực cho phương thức B2B (bán buôn), thiếu nhân lực phù hợp cho phương thức bán hàng B2C (bán lẻ đến tận tay người dùng).

Đồng tình với phân tích này, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh nêu rõ, hiện 95% doanh nghiệp Việt Nam quy mô vừa và nhỏ, nên để có thể xuất khẩu hàng Việt ra thế giới thông qua hình thức trực tuyến đòi hỏi doanh nghiệp bên cạnh việc khắc phục hạn chế về nhân lực số cần thay đổi tư duy về quản trị, thương mại quốc tế.

"Doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược, tầm nhìn dài hạn về các hoạt động sản xuất - kinh doanh theo hướng tối ưu hóa, đổi mới mẫu mã, giá cả để cạnh tranh. Cùng với đó, có cách tiếp cận thị trường riêng, tìm hiểu rõ đặc thù của từng thị trường, xu hướng tiêu dùng thế giới…" - ông Quốc Anh góp ý.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội tăng kim ngạch xuất khẩu bằng hình thức trực tuyến, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 294/KH-UBND về việc triển khai Đề án “Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài, giai đoạn 2020 - 2024” thực hiện trong năm 2022.

Trong đó TP Hà Nội sẽ đẩy mạnh việc đưa sản phẩm hàng Việt Nam lên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Amazon, Alibaba... để người Việt Nam tại nước ngoài có cơ hội tra cứu, tiếp cận, mua hàng. Kết nối, hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp, cá nhân lên sàn thương mại điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ...; Chú trọng phát triển hạ tầng logistics phục vụ cho phát triển thương mại điện tử, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa qua các kênh thương mại điện tử.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần