Xuất kích cùng cơ động đặc nhiệm

Đông Phong - Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một ngày trung tuần tháng 8, chúng tôi có mặt tại địa chỉ số 1232 đường Láng, nơi đóng quân của Đại đội Cảnh sát cơ động (CSCĐ) đặc nhiệm, Trung đoàn CSCĐ, Công an TP Hà Nội để chuẩn bị cho buổi tuần tra, xử lý vi phạm ban ngày. Đây là một trong những nhiệm vụ mới của lực lượng này.

Cơ động mọi nẻo đường

Khoảng 14 giờ, chúng tôi có mặt tại sân của doanh trại CSCĐ, vừa kịp lúc Đại úy Trần Lê Anh – Phó Đại đội trưởng, Đại đội Cảnh sát đặc nhiệm, Trung đoàn CSCĐ đang làm lễ xuất quân, giao nhiệm vụ cho các chiến sỹ trong ca tuần tra và cả nhóm phóng viên đăng ký đi theo tổ công tác. “Các đồng chí phóng viên trong quá trình di chuyển theo lực lượng làm nhiệm vụ cũng như tác nghiệp phải chú ý đảm bảo ATGT, sức khỏe của bản thân, tránh những tình huống xấu có thể xảy ra. Các đồng chí lấy số điện thoại của đồng chí Thành - Tổ trưởng Tổ công tác để liên hệ khi cần thiết” – Đại uý Trần Lê Anh căn dặn nhóm phóng viên chúng tôi. Và sau khoảng 10 phút thực hiện chỉnh đốn quân, tư trang, kiểm tra lại trang bị súng, bình xịt hơi cay, gậy chuyên dụng… các chiến sỹ CSCĐ nhanh chóng lên xe máy, tỏa đi các tuyến đường trên địa bàn TP để làm nhiệm vụ.
Tổ Cảnh sát cơ động kiểm tra hành chính người vi phạm Luật Giao thông đường bộ
Tổ Cảnh sát cơ động kiểm tra hành chính người vi phạm Luật Giao thông đường bộ
Lặng lẽ bám theo xe các chiến sỹ, chúng tôi phát hiện một điều thú vị. Tổ công tác gồm 2 xe máy (4 chiến sỹ) luôn di chuyển cách nhau khoảng 10m, chỉ xe đầu làm nhiệm vụ phát hiện, xử lý các vi phạm, xe sau như ngầm bọc lót, hỗ trợ đồng đội của mình. Khoảng 14 giờ 50 phút, sau khi tiến hành tuần tra kiểm soát trên một loạt tuyến đường như Láng, Đê La Thành, Nguyễn Chí Thanh, Huỳnh Thúc Kháng đến phố Thái Hà, Tổ công tác phát hiện một nam thanh niên điều khiển xe máy SH BKS 29P1 – 351.52 không đội MBH, có hành vi lạng lách, đánh võng gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Ngay lập tức, chiếc xe đi đầu của Tổ công tác áp sát, ra hiệu lệnh dừng xe vào lề đường. Cùng lúc đó, chiếc xe còn lại cũng kịp “khóa đuôi”. Thoáng giật mình, thanh niên điều khiển phương tiện đã hiểu ra vấn đề và tuân thủ xuất trình các loại giấy tờ có liên quan. Thượng úy Phạm Đức Thành - Tổ trưởng Tổ tuần tra CSCĐ (thuộc Đại đội đặc nhiệm, Trung đoàn CSCĐ) cho biết, đối với trường hợp này, lực lượng CSCĐ sẽ tiến hành lập biên bản, xử phạt ngay tại chỗ.

Nghỉ cũng cơ động

Gần 2 giờ di chuyển trên đường với nền nhiệt độ xấp xỉ 40oC, nhóm phóng viên chúng tôi dù không nói, song tất cả đều đã thấm mệt. Cảm thông với chúng tôi, Thượng úy Phạm Đức Thành động viên: “Các anh cố gắng, đi thêm vài phút nữa là đến chỗ nghỉ rồi”. Dứt lời, chiếc xe máy của Thượng úy Thành dẫn đầu đoàn, đi từ phố Phạm Ngọc Thạch băng qua điểm giao cắt với phố Xã Đàn, hướng thẳng vào đường Đê La Thành (nhỏ). Vừa tiếp tục di chuyển, Thượng úy Phạm Đức Thành nheo mắt cười hóm hỉnh: Đến nơi rồi, anh em tranh thủ nghỉ ngơi tý!

Chưa kịp hiểu vấn đề, Thượng úy Thành chia sẻ, CSCĐ trong quá trình làm nhiệm vụ, không được “bất động”. Thế nên, dù có mệt, thay vì dừng lại để nghỉ ngơi, anh em thường chọn giải pháp, đi tuần tra tại những khu vực hút gió, nhiều bóng cây, mát mẻ để vừa tranh thủ nghỉ ngơi mà vẫn đảm bảo nhiệm vụ.
Tổ Cảnh sát cơ động tuần tra trên phố. Ảnh: Công Trình
Tổ Cảnh sát cơ động tuần tra trên phố. Ảnh: Công Trình
Nói chưa dứt lời, Thượng úy Phạm Đức Thành đã tăng ga, vọt lên ra hiệu lệnh dừng xe của một thanh niên có dáng vẻ bặm trợn, không đội MBH… Tranh thủ khoảng thời gian chiến sỹ khác trong tổ làm thủ tục xử phạt hành chính thanh niên bặt trợn kia, chúng tôi lân la hỏi chuyện Thượng uý Phạm Đức Thành. Anh cho biết, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, cán bộ, chiến sĩ của Đại đội còn đấu tranh trực tiếp với các loại hình tội phạm, nhất là tội phạm hình sự đặc biệt nghiêm trọng. Có những hôm vừa hoàn thành ca tuần tra đã lập tức lên đường vây bắt đối tượng dùng vũ khí “nóng” gây án. Chính vì lẽ này, khi có chút thời gian rảnh là các anh tranh thủ luyện tập vũ thuật, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa nâng cao khả năng cận chiến khi gặp đối tượng nguy hiểm.

Thời gian dần trôi theo các tuyến phố tổ công tác làm nhiệm vụ. Như đã thuần thục từ lâu, Thượng úy Phạm Đức Thành dẫn đội hình đi một vòng cuối qua các điểm “nóng” về trật tự công công trước khi chia tay chúng tôi tại cửa đơn vị, khi một tổ công tác khác đang làm lễ xuất quân trong sân doanh trại. Và thành phố bắt đầu lên đèn.

Hiệu quả nhưng còn vướng mắc

Theo Đại úy Trần Lê Anh, thực hiện kế hoạch tăng cường tuần tra ban ngày, Đại đội đã tổ chức quán triệt các chiến sỹ trong đơn vị về kế hoạch thực hiện cũng như tác phong điều lệnh, quy tắc ứng xử với người dân vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Đồng thời, đơn vị khảo sát lại toàn bộ địa bàn được phân công, đưa ra phương án tối ưu nhất về cung đường tuần tra của các Tổ công tác. Đặc biệt, tập trung làm nhiệm vụ tại các tuyến đường như: Ô Chợ Dừa – Xã Đàn – Kim Liên mới; Láng – Láng Hạ - Giảng Võ… Cũng như tuần tra đêm, đơn vị phân công rõ nhiệm vụ phát hiện, hỗ trợ, cảnh giới… cho từng chiến sỹ trong Tổ công tác 4 người. Điều này vừa đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ không để xảy ra đột biến, bất ngờ, vừa giữ an toàn tối đa cho các chiến sỹ tuần tra. Trung bình trong 24 giờ, đơn vị cử từ 10 - 12 tổ công tác tuần tra, kiểm soát trên địa bàn quận Đống Đa.

Đánh giá hiệu quả việc triển khai làm nhiệm vụ ban ngày của CSCĐ, Đại úy Trần Lê Anh cho biết, trong thời gian ngắn, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân đã nâng cao rõ rệt. Đặc biệt, nhóm học sinh, thanh thiếu niên đi xe đạp điện, xe máy điện đã dần chấp hành quy định đội MBH khi tham gia giao thông. Các trường hợp xe gắn máy chở 3, 4 người đi lạng lách cũng có chiều hướng thuyên giảm.

Đề cập những vướng mắc thực tế trong quá trình thực hiện, Đại úy Trần Lê Anh chia sẻ: Các tổ tuần tra trên đường làm nhiệm vụ đều tuyên truyền, nhắc nhở người dưới 16 tuổi vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, thực tế sau khi nhắc nhở, một số cháu nhỏ vẫn cố tình tái phạm. Nhiều học sinh khi vi phạm đã không cung cấp tên, địa chỉ nhà và trường học khiến các chiến sỹ còn lúng túng chưa biết cách giải quyết. Ngoài ra, việc xử lý các đối tượng ngổ ngáo, chở “gái dịch vụ”, kẹp 3, 4 còn gặp rất nhiều khó khăn. “Hầu hết các trường hợp này khi lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe thì thường không chấp hành, phóng xe bỏ chạy. Nếu tiến hành bám đuổi sẽ rất nguy hiểm cho người đang tham gia giao thông. Nguy hiểm là vậy, nhưng đối với các trường hợp này, các lực lượng chức năng chỉ được xử phạt hành chính lỗi không chấp hành hiệu lệnh… nên chưa đủ sức răn đe các đối tượng cố tình vi phạm và tái phạm nhiều lần” – Đại úy Trần Lê Anh nêu vấn đề.
Trong khi phần lớn người dân đã có ý thức chấp hành các quy định của luật giao thông thì vẫn còn một số trường hợp cố tình không đội MBH, chở quá số người quy định, có hành vi lạng lách đánh võng… là điều không thể chấp nhận được. Tôi đề nghị Công an TP Hà Nội tiếp tục tăng cường thêm lực lượng để xử lý nghiêm những trường hợp trên.
Ông Nguyễn Văn Kiên Phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần