Xuất ngoại bánh dừa nướng

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- “Trái dừa đã gắn bó với mình cả tuổi thơ đến tận bây giờ. Mình luôn muốn dùng nó trong sản phẩm của mình để bán đi được thì càng tự hào hơn”- Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Phương Food Mai Thị Ý Nhi chia sẻ.

Từ miếng bánh “cho gà cũng không ăn”

Tôi tìm đến cơ sở sản xuất bánh dừa nướng mè của vợ chồng chị Mai Thị Ý Nhi, anh Nguyễn Văn Tân ở thôn Đại La, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Đến đầu thôn, không cần hỏi đường ai, chính mùi thơm của bánh dừa nướng đã dẫn tôi đến đúng ngay địa chỉ.

 

Bánh dừa nướng mè Top Coco là sản phẩm OCOP đầu tiên của Đà Nẵng được chứng nhận 5 sao. Hiện đang bổ sung hồ sơ để được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia. Các dòng sản phẩm khác như bánh dừa nướng đậu phộng, bánh dừa nướng đậu xanh cũng đã đạt chuẩn OCOP 4 sao.

Vợ chồng chị Nhi đã nỗ lực miệt mài để tạo nên sản phẩm bánh dừa nướng mè Top Coco Mỹ Phương nức tiếng trên thị trường hiện nay. Đây là sản phẩm OCOP đầu tiên được Đà Nẵng công nhận đạt chuẩn 5 sao. Không chỉ trong nước, “đứa con tinh thần” của họ đã hiện diện trên kệ hàng tại 5 thị trường quốc tế gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Lào, Đài Loan và Trung Quốc. 

Chị Mai Thị Ý Nhi kể về hành trình đưa đặc sản bánh dừa nướng mè Top Coco ra thế giới. Ảnh: Quang Hải
Chị Mai Thị Ý Nhi kể về hành trình đưa đặc sản bánh dừa nướng mè Top Coco ra thế giới. Ảnh: Quang Hải

Trong căn phòng trưng bày đầy các loại bánh dừa nướng, chị Nhi mời khách thưởng thức rồi bắt đầu chia sẻ về hành trình khởi nghiệp: “Hai vợ chồng mình quê ở xứ dừa Tam Quan, Bình Định, cùng làng, cùng lớp, cùng sinh năm 1980, chơi với nhau từ nhỏ, lớn lên ra Đà Nẵng học đại học, rồi lập nghiệp ở mảnh đất này. Năm 2016, vợ chồng quyết định lập xưởng làm các loại bánh ngọt bán nội địa, dòng bánh mì tươi. Sau khi lập xưởng 1 năm thì phát hiện ra mình có lợi thế và thị trường có nhu cầu nên chúng tôi nghiên cứu làm bánh dừa nướng từ năm 2017”.

Lợi thế mà chị Nhi nhắc đến chính là vùng nguyên liệu. Bởi Tam Quan là xứ dừa nổi tiếng ở Bình Định. Cũng vì tuổi thơ lớn lên từ cây dừa và có rất nhiều kỷ niệm với dừa nên hai vợ chồng chị Nhi đau đáu một nỗi lòng phải làm sao lan tỏa được hương vị quê hương mình.

Dây chuyền sản xuất bánh dừa nướng mè khép kín của Mỹ Phương Food. Ảnh: Quang Hải
Dây chuyền sản xuất bánh dừa nướng mè khép kín của Mỹ Phương Food. Ảnh: Quang Hải

Hồi đó bánh dừa nướng được làm từ Quảng Nam nhưng bán chủ lực tại Đà Nẵng. Khi khách du lịch đến Đà Nẵng thì người ta giới thiệu bánh dừa nướng là đặc sản của Quảng Nam – Đà Nẵng. Thị trường luôn luôn bị thiếu hụt bởi loại bánh này sản xuất thủ công và ăn rất ngon. Thế là anh chị bắt tay vào làm. Ở quê Tam Quan, họ lập một xưởng thu gom và sơ chế nguyên liệu, người làm công toàn bà con.

Dù có vùng nguyên liệu tận gốc, chồng sở hữu 15 năm kinh nghiệm làm công ty thực phẩm của Nhật, khách hàng cũng có sẵn, nhưng họ phải mất 1 năm thất bại khi sản phẩm không thể có mặt trên thị trường. Bởi theo chị Nhi kể, cái bánh lúc ấy dày, cứng và ngọt, thua các sản phẩm khác.

Bánh dừa nướng mè Top Coco hiện có mặt trên khắp các siêu thị trong nước và tại 5 thị trường quốc tế gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc. Ảnh: Quang Hải
Bánh dừa nướng mè Top Coco hiện có mặt trên khắp các siêu thị trong nước và tại 5 thị trường quốc tế gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc. Ảnh: Quang Hải

“Hồi đó bán bánh mì tươi, nhưng để người ta biết đến sản phẩm của mình thì tôi hay kẹp bánh dừa tặng khách. Có một chú khách người Quảng Nam gọi điện nói thẳng: “Mày đừng cho tau bánh này nữa. Bánh này cho gà nhà tao nó không ăn”. Nghe xong chỉ biết cười và cũng thầm cảm ơn những ngưởi thẳng tính như vậy”- chị Nhi hồi tưởng lại những ngày đầu khởi nghiệp.

Đến sản phẩm xuất khẩu khắp thế giới

Không nản chí, vợ chồng chị Nhi quyết tâm đeo đuổi sự nghiệp bánh dừa nướng và họ làm lại theo hướng cải tiến về thiết bị máy móc, cùng lúc là công thức. Nhưng để bánh dừa nướng mè có thể chen chân dần vào thị trường nội địa, chị Nhi đã miệt mài làm người tiếp thị cho chính sản phẩm của mình bằng mọi cách có thể.

“Bất cứ khi nào đưa đón con đi học hoặc đi siêu thị, trong xe mình cũng có bánh dừa để sẵn, tranh thủ mọi lúc mọi nơi để tiếp thị. Câu chuyện đi bán hàng của mình là luôn luôn kẹp những đứa con đi cùng. Có những siêu thị tại Đà Nẵng phải đến 3 năm tiếp cận mới có thể vô được sản phẩm” – chị Nhi kể.

Chị Mai Thị Ý Nhi chia sẻ, hai vợ chồng đã dành trọn tuổi xuân cho bánh dừa nướng mè. Ảnh: Quang Hải
Chị Mai Thị Ý Nhi chia sẻ, hai vợ chồng đã dành trọn tuổi xuân cho bánh dừa nướng mè. Ảnh: Quang Hải

Cơ hội “xuất ngoại” của bánh dừa nướng mè Top Coco Mỹ Phương đến vào năm 2018 khi một đối tác ở Nhật Bản chủ động gọi điện đặt hàng. “Mất 6 tháng để chúng tôi thương lượng, điều chỉnh công thức làm lại mọi thứ đủ tiêu chuẩn và chính thức xuất khẩu bánh dừa nướng sang Nhật Bản. Đây là may mắn bởi khi đã xuất sang Nhật Bản thì cơ hội của bánh chúng tôi sẽ thuận lợi hơn do tiêu chuẩn thị trường này rất khắt khe” – chi Ý Nhi thừa nhận.

 

“Từ ngày vào OCOP mình được hỗ trợ rất nhiều, sản phẩm được nhiều người biết, bán được nhiều hơn. Bởi thế, mình có lời khuyên các bạn nên tham gia OCOP và những hệ sinh thái khởi nghiệp. Bởi khi tham gia vào đó, bạn sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ, nhiều sự tương tác, và sản phẩm của mình sẽ lan tỏa nhanh hơn, nhiều hơn” - Mai Thị Ý Nhi.

Trên đà đó, bánh dừa nướng mè Top Coco Mỹ Phương tiếp tục xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Hàn Quốc, Lào, Mỹ, Đài Loan. Mới đây nhất, vào ngày 15/3/2023, Mỹ Phương Food xuất khẩu lô hàng 7 container với khoảng 200.000 sản phẩm bánh dừa nướng sang thị trường Trung Quốc. Đây là sản phẩm OCOP đầu tiên của Đà Nẵng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường lớn này.

Tháng 3/2023, Mỹ Phương Food xuất khẩu lô hàng 7 container với khoảng 200.000 sản phẩm bánh dừa nướng sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: V.L
Tháng 3/2023, Mỹ Phương Food xuất khẩu lô hàng 7 container với khoảng 200.000 sản phẩm bánh dừa nướng sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: V.L

“Hiện ở thị trường Nhật Bản, chúng tôi có 2 nhà phân phối bán cho người Việt Nam ăn. Nhưng hiện nay họ đang đặt vấn đề làm lại quy chuẩn để bán cho những chuỗi siêu thị Nhật. Nếu bán được ở các chuỗi siêu thị Nhật cho người Nhật và người các nước khác sống tại đây ăn thì chắc chắn sản lượng sẽ rất lớn” – chị Nhi hồ hởi chia sẻ thông tin.

Hướng đến sức khỏe người tiêu dùng

Mỗi tép bánh dừa nướng mè Top Coco rất đồng đều về màu sắc, độ dày, hình dáng, hoa văn, hương vị. Để có được điều đó, họ phải cải tiến không ngừng máy móc và công thức.

Mỗi tép bánh đều được chăm chút tỉ mẫn. Ảnh: Quang Hải
Mỗi tép bánh đều được chăm chút tỉ mẫn. Ảnh: Quang Hải

“Cái cốt lõi là phải tạo ra một sản phẩm có giá trị thực, an toàn, nghĩ đến người tiêu dùng thì mới đi được xa và bền vững. Quan điểm sản xuất của chúng tôi là như vậy” – chị Nhi chia sẻ thêm. Cũng theo chị Nhi, mùi thơm của bánh hiện nay mà Mỹ Phương Food tạo ra hoàn toàn từ mùi hương tự nhiên của dừa nướng.

 

Mỹ Phương Food hiện có 30 lao động đang làm việc, thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu năm 2022 của công ty là 10 tỷ đồng, năm 2023 dự kiến 18 tỷ đồng.

Sắp tới, Mỹ Phương Food ra mắt sản phẩm mới theo xu hướng healthy food (đồ ăn, thực phẩm lành mạnh có lợi cho sức khỏe). “Cụ thể, đường tinh luyện sử dụng hiện nay sẽ được giảm bớt và thay thế vào đó là đường từ mật hoa dừa. Ngoài ra, chúng tôi sẽ thêm vào gạo lứt để mỗi miếng bánh sẽ phù hợp hơn cho người ăn kiêng” – chị Nhi bật mí.

Những thùng bánh dừa nướng mè chuẩn bị đưa ra thị trường tiêu thụ. Ảnh: Quang Hải
Những thùng bánh dừa nướng mè chuẩn bị đưa ra thị trường tiêu thụ. Ảnh: Quang Hải

Khép lại cuộc trò chuyện, chị Nhi tâm sự: “Mỗi tép bánh dừa nướng là sự đánh đổi cả tuổi trẻ của chúng tôi. Cả tuổi xuân của hai vợ chồng đều dành cho bánh dừa nướng. Chúng tôi dồn hết tâm huyết cho bánh dừa và sẽ dốc hết tâm huyết cho nó. Bây giờ chúng tôi không chỉ làm vì đam mê, mà còn trách nhiệm nữa. Chúng tôi muốn tạo công ăn việc làm cho càng nhiều người càng tốt. Trái dừa đã gắn bó với mình cả tuổi thơ đến tận bây giờ. Mình luôn muốn dùng nó trong sản phẩm của mình để bán đi được thì càng tự hào hơn”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần