Tuy nhiên, điều đáng băn khoăn là thành tích xuất khẩu ấn tượng vẫn phụ thuộc vào khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Công Thương, năm 2022 là năm đầu tiên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 732 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu tăng 10,5%, đạt 371,5 tỷ USD, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 8%). Đáng ghi nhận, xuất siêu đạt 10 tỷ USD; có 39 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Những con số này đã góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
Kết quả trên là minh chứng cho sự nỗ lực vươn lên trong khó khăn của nền kinh tế Việt Nam cũng như công tác chỉ đạo, điều hành kịp thời của Chính phủ trong phục hồi sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu. Đặc biệt, các bộ, ngành đã thực thi đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ DN linh hoạt tổ chức sản xuất, nắm bắt cơ hội phục hồi và khan hiếm hàng hóa từ những thị trường nhập khẩu, cũng như khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Mặc dù xuất khẩu tăng trưởng cao nhưng chưa thật sự bền vững do còn thiếu sự cân đối về cơ cấu thị trường khi vẫn phụ thuộc vào khu vực FDI (chiếm khoảng 74%). Đơn cử như, lĩnh vực dệt may, da giày (khối FDI chiếm trên 60%); lĩnh vực điện tử, máy tính (khối FDI chiếm gần 100%). Trong khi đó, theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, năm 2023 xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn do ảnh hưởng của xung đột địa chính trị trên thế giới, chi phí đầu vào như logistics, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao.
Do đó, trước mắt, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường quản lý nhập khẩu phù hợp, bảo đảm cán cân thương mại hài hòa; đồng thời thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gắn với tái cơ cấu ngành hàng và xây dựng thương hiệu. Về lâu dài, để thúc đẩy xuất khẩu theo hướng bền vững, chính sách của Nhà nước cần khuyến khích, tạo thuận lợi để các ngành, DN đầu tư mạnh cho sản xuất công nghiệp hỗ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa. Các chính sách phải đảm bảo thực thi để chuyển từ gia công xuất khẩu sang sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao hơn, tạo ra các nhóm hàng xuất khẩu có khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Vẫn biết việc này không dễ, nhưng phải làm từng bước để chủ động nguyên phụ liệu, từ đó mới tận dụng được quy tắc xuất xứ hàng hóa theo các FTA đã có hiệu lực. Thêm nữa, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở rất lớn, ký kết nhiều FTA nhất, song sẽ khó tận dụng được hiệu quả nếu không giải quyết được bài toán đầu vào cho sản xuất. Đối với khối DN trong nước cần chú trọng đầu tư công nghệ, thiết bị, nguồn nhân lực để nâng năng lực cạnh tranh ngang bằng với khối DN FDI trong nhiều lĩnh vực. Có như vậy, xuất khẩu năm 2023 và những năm tiếp theo mới dần cân bằng tỷ trọng xuất khẩu, giảm phụ thuộc khối FDI và tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế.