Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất nhập khẩu năm 2022: Kỳ vọng tạo ra kỷ lục mới

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 2021 đạt nhiều điểm vượt trội, quy mô lớn nhất từ trước tới nay với 668,55 tỷ USD. Nhiều chuyên gia nhận định, tuy còn một số hạn chế nhưng kỳ vọng năm 2022 kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục đạt kỷ lục mới.

Doanh nghiệp FDI đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam. 
Doanh nghiệp FDI đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam. 

Nhiều điểm vượt trội

Thống kê cho thấy, tỷ lệ xuất nhập khẩu/GDP năm 2021 đạt 184,7%, cao hơn tỷ lệ 158,6% của năm 2020 và cao hơn nhiều tỷ lệ 136,7% của năm 2016. Tỷ lệ trên thể hiện độ mở cao của kinh tế Việt Nam trên thế giới (đứng thứ 2 Đông Nam Á, thứ 3 châu Á, thứ 4 thế giới).

Xuất khẩu năm 2021 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, đạt 336,31 tỷ USD, cao gấp đôi năm 2015, hay tăng 174,3 tỷ USD; so với năm 2020 tăng 19%, hay tăng 53,7 tỷ USD, là tốc độ tăng cao hiếm thấy và là mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Nhờ quy mô và tốc độ tăng cao, nên xuất khẩu đứng thứ bậc cao trên thế giới (thứ 3 Đông Nam Á, thứ 8 Châu Á, thứ 23 thế giới), cao hơn thứ bậc về GDP. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa bình quân đầu người tăng liên tục và đạt mức khá, năm 2021 cao hơn năm 2020 (3.414 USD so với 2.896 USD) và tăng 94,3% so với năm 2015.

Tăng trưởng cao đạt được ở cả 2 khu vực. Khu vực trong nước tăng 2 chữ số (14,2%), tốc độ tăng hiếm thấy trong nhiều năm qua. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng (ĐTNN) khá cao (20,8%). Tăng trưởng cao đạt được ở hầu hết các mặt hàng, trong đó có 11 mặt hàng có mức tăng trên 1 tỷ USD gồm: Máy móc, thiết bị, phụ tùng, máy tính, sản phẩn điện tử, linh kiện, điện thoại và linh kiện, phương tiện vận tải và phụ tùng, gỗ và sản phẩm gỗ, dệt may, xơ sợi dệt... Có 36 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD.

Có 54 tỉnh, thành xuất nhập khẩu tăng, trong đó có 14 địa phương có mức tăng trên 1 tỷ USD (TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Quảng Ninh, Phú Thọ, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc). Có 52/86 thị trường Việt Nam ở vị thế xuất siêu, trong đó có 18 thị trường Việt Nam xuất siêu trên 1 tỷ USD (Mỹ, Hong Kong, Hà Lan, Anh, Canada, Đức, Bỉ, Áo, Philipines, Italia, Tây Ban Nha, Ba Lan, Pháp, Chilê, Slovakia…).

Nhập khẩu hàng hóa có tốc độ tăng 26,5%, với giá trị 69,54 tỷ USD. Việc tăng với tốc độ cao và quy mô lớn của nhập khẩu hàng hóa do 2 nguyên nhân chủ yếu. Có nguyên nhân để bù vào sự đứt gãy nguồn cung từ nước ngoài và tránh sự đứt gãy có thể còn tiếp tục do đại dịch Covid-19 chưa biết đến khi nào mới kết thúc. Có nguyên nhân do giá nhập khẩu tăng rất cao và việc tăng lượng nhập khẩu để đề phòng giá nhập khẩu còn tăng.

Vẫn còn nhiều hạn chế

Tuy bức tranh xuất nhập khẩu có nhiều điểm sáng nhưng các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra một số hạn chế. Đầu tiên là tỷ trọng của khu vực trong nước về xuất khẩu thấp xa so với khu vực có vốn ĐTNN (26,6% so với 73,4%) và thấp xa so với tỷ trọng về nhập khẩu (34,3%). Do vậy, khu vực trong nước tiếp tục nhập siêu (27,7% so với 19,7%).

Hạn chế thứ hai là do nhập khẩu so với xuất khẩu cao hơn về tốc độ tăng (26,3% so với 19,7%), nên xuất siêu 2021 giảm mạnh so với năm trước cả về tỷ lệ xuất siêu (1,2% so với 7%). Chính mức xuất siêu giảm này đã góp phần làm cho tăng trưởng GDP năm nay thấp hơn năm trước (2,58% so với 2,91%). Hạn chế thứ ba là so với năm 2020, một số mặt hàng, thị trường giảm. Có 16 thị trường xuất khẩu giảm, trong đó có mức giảm lớn có Bờ biển Ngà, Myanma, Hungari, Na Uy, Irắc, Pháp, Thụy Sĩ, Kenia...

Trong khi đó, nhập khẩu tăng có một số mặt hàng, thị trường đáng lưu ý. Có 52 mặt hàng nhập khẩu tăng, trong đó có 16 mặt hàng mức tăng lớn: Hạt điều, thức ăn gia súc và nguyên liệu, quặng và khoáng sản khác, dầu thô, hóa chất, sản phẩm hóa chất, chất dẻo nguyên liệu, sản phẩm từ chất dẻo, cao su, vải, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, ô tô nguyên chiếc…. Có 63 thị trường nhập khẩu tăng, trong đó có 13 thị trường có mức tăng lớn trên 1 tỷ USD như: Ấn Độ, Brasil, Campuchia, Đài Loan, Hàn Quốc, Mỹ, Malaysia, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc...

Bước sang năm 2022, xuất nhập khẩu sẽ gặp nhiều thách thức, trong đó khó khăn lớn là công nghiệp hỗ trợ còn yếu, vừa làm cho việc giải quyết công ăn việc làm khó khăn, vừa buộc phải nhập khẩu tăng. Tính gia công lắp ráp còn lớn, không chỉ đối với khu vực trong nước mà cả đối với khu vực có vốn ĐTNN, vừa giảm thực thu, vừa làm tăng nhập khẩu. Một thách thức không nhỏ là giá nhập khẩu của một số mặt hàng tăng khá cao, gây ra nhập khẩu lạm phát chi phí đẩy, tác động tiêu cực đến cán cân tổng thể, thị trường ngoại hối, tỷ giá thương mại. Chưa kể thị trường xuất, nhập khẩu vẫn còn tình trạng “bỏ trứng vào một giỏ”... Cuối cùng là dịch Covid-19 với biến thể khó lường sẽ ảnh hưởng tới xuất, nhập khẩu...

Tuy nhiên, các DN trong nước vẫn kỳ vọng vào các gói hỗ trợ về tài chính – tiền tệ của Chính phủ khi đó sẽ tạo ra 3 tác động gồm: Phục hồi sản xuất kinh doanh, thực hiện mục tiêu tăng trưởng 2021-2025 và bảo đảm an sinh xã hội. Kỳ vọng trên sẽ trở thành hiện thực nếu các gói hỗ trợ đủ lớn; có tính khả thi cả về 3 phía (về nguồn lực, về khả năng hấp thụ, về khả năng hỗ trợ) và có thời hạn hết năm 2023. Trong đó các gói cần tập trung cho nâng cao năng lực hệ thống y tế, hỗ trợ DN, an sinh xã hội, đầu tư kết cấu hạ tầng…