70 năm giải phóng Thủ đô

Xuất siêu - mừng mà lo!

Chuyên gia kinh tế Đào Ngọc Lâm
Chia sẻ Zalo

Xuất siêu vốn dĩ là tin mừng, nhưng trong 2 tháng đầu năm nay tin mừng này vẫn chứa đựng những mối lo.

Xuất siêu là tin mừng
Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, với kim ngạch xuất khẩu đạt 49.635,5 triệu USD, nhập khẩu 46.197 triệu USD, tính ra xuất siêu 3.437,5 triệu USD; tỷ lệ xuất siêu so với xuất khẩu đạt 6,9%. Đó là một tin mừng vì nhiều lẽ.

May hàng xuất khẩu tại Công ty may Nam Sơn(Sơn Tây). Ảnh Hải Linh
May hàng xuất khẩu tại Công ty may Nam Sơn(Sơn Tây). Ảnh Hải Linh


Xuất siêu là kết quả của xuất khẩu đạt quy mô lớn hơn và có tốc độ giảm ít hơn nhập khẩu (-10% so với -16,7%). So với cùng kỳ, số mặt hàng có quy mô lớn (trên 500 triệu USD) của xuất khẩu nhiều hơn của nhập khẩu.


Xuất siêu không chỉ thể hiện vị thế (có tính chất chính trị) trong quan hệ buôn bán với nước ngoài, mà còn là một trong những kết quả và cũng là một trong những yếu tố tạo tiền đề cho quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Bởi trong quan hệ giữa “tổng cung” (bao gồm GDP sản xuất trong nước và nhập khẩu) với “tổng cầu” (bao gồm tích lũy tài sản, tiêu dùng cuối cùng và xuất khẩu), nếu xuất siêu thì quy mô và tốc độ tăng GDP sẽ cao lên.


Xuất siêu không chỉ tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế, mà còn là một trong những quan hệ cân đối kinh tế vĩ mô quan trọng. Cán cân thương mại thặng dư là một nội dung quan trọng và là tiền đề để đạt thặng dư cán cân thanh toán tổng hợp (gồm cán cân thương mại và cán cân tài chính). Cán cân thanh toán tổng hợp thặng dư là tiền đề để tăng dự trữ ngoại hối, góp phần ổn định tỷ giá hối đoái...


Nhưng chưa hết lo?
Bên cạnh nhiều tin mừng, việc xuất siêu trong 2 tháng đầu năm cũng chưa hết lo. Bởi Việt Nam xuất siêu không phải do xuất khẩu tăng, mà ngược lại, xuất khẩu còn bị giảm sâu.


Theo khu vực, khu vực kinh tế xuất khẩu giảm lớn hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài - ĐTNN (-17,7% so với -7,3%). Theo mặt hàng chủ yếu, so với cùng kỳ năm trước, số mặt hàng có kim ngạch giảm nhiều hơn số mặt hàng tăng (33 so với 12). Trong đó có một số mặt hàng có kim ngạch lớn (trên 1 tỷ USD) bị giảm sâu (như dệt may, giày dép, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác...).

Một số mặt hàng giảm về lượng xuất khẩu (như hạt điều, cà phê, chè, gạo, quặng và khoáng sản khác, clanke và xi măng, than, phân bón, cao su, xơ sợi dệt,...). Có một số mặt hàng giảm về đơn giá xuất khẩu (hạt điều, cà phê, hạt tiêu, sắn và sản phẩm từ sắn, phân bón, chất dẻo nguyên liệu, cao su, xơ sợi dệt, sắt thép...).


Theo thị trường chủ yếu, so với cùng kỳ năm trước, số thị trường giảm nhiều hơn số thị trường tăng, trong đó số thị trường có mức giảm lớn (trên 100 triệu USD) giảm nhiều hơn tăng (9 thị trường giảm là Mỹ, Bỉ, Campuchia, Canada, Đức, Hong Kong, Mexico, Nga, Trung Quốc; 1 thị trường tăng là Thái Lan); đặc biệt thị trường lớn nhất là Mỹ có quy mô xuất khẩu lớn nhất và giảm nhiều nhất (cùng kỳ đạt 16,54 tỷ USD, nay chỉ còn 13,03 tỷ USD), nên xuất siêu sang thị trường này bị giảm sâu (11,16 tỷ USD so với 14,37 tỷ USD).


Một vấn đề nữa là xuất siêu do nhập khẩu giảm sâu hơn xuất khẩu (-16,7% so với -10%). Nhập khẩu giảm sẽ ảnh hưởng đến lượng thiết bị, vật tư cung cấp cho sản xuất ở trong nước và đây là một trong những yếu tố làm cho chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm giảm tương đối sâu so với cùng kỳ năm trước (giảm 6,3%, ngược chiều với tăng 3,6% của cùng kỳ).