Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Cải thiện môi trường pháp lý- động lực thúc đẩy phát triển doanh nghiệp

Kinhtedothi - Hệ thống pháp luật kinh doanh hiện nay vẫn còn phức tạp, thiếu minh bạch, thiếu đồng bộ và còn nhiều điểm chưa phù hợp thực tế. Việc cải thiện các quy định pháp luật để tạo môi trường pháp lý minh bạch, ổn định và khả thi sẽ là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.

Đây là quan điểm được giới chuyên gia đề cập tại hội thảo “Nhận diện khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và kiến nghị” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức, sáng 14/7.

Nhiều quy định chồng chéo, không phù hợp

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng Thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn cho rằng, cải cách pháp luật kinh doanh cần được đẩy nhanh và toàn diện, vì hiện nhiều quy định đang chồng chéo, mâu thuẫn hoặc không còn phù hợp với thực tiễn. Có những quy định đã phát sinh bất cập từ lâu nhưng vẫn tồn tại suốt hơn một thập kỷ, gây ra hệ lụy lớn cho hoạt động đầu tư và vận hành DN.

Cũng theo Phó Tổng thư ký VCCI, đã có nhiều đợt rà soát nhằm xử lý mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, qua đó giúp giảm quy trình, tiết kiệm chi phí cho DN và xã hội. Tuy nhiên, cần nhìn nhận thẳng thắn rằng, hệ thống pháp luật kinh doanh hiện nay vẫn còn phức tạp, thiếu minh bạch, thiếu đồng bộ và còn nhiều điểm chưa phù hợp thực tế. Có những quy định đã tồn tại gần 20 năm không còn phù hợp. Có những quy định mới ban hành trong năm nay nhưng đã phát sinh bất cập trong quá trình áp dụng.

Quang cảnh hội thảo.

Với nhiều năm kinh nghiệm tư vấn cho DN, Luật sư Nguyễn Hồng Chung, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA) cho biết, các nhà đầu tư vẫn đang đối mặt với không ít vướng mắc về pháp lý. Những thách thức này không chỉ làm phát sinh chi phí, kéo dài thời gian, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động, kế hoạch kinh doanh và niềm tin của nhà đầu tư. Chính hệ thống văn bản pháp luật hiện hành không có sự liên thông đang gây ra nhiều vướng mắc khiến DN mất thời gian tra cứu, chuẩn bị và xử lý hồ sơ.

Chia sẻ thực tế từ góc độ DN, Giám đốc Chiến lược & Phát triển Masan Group Lê Bá Nam Anh cho biết, DN này đang hoạt động đa ngành, từ bán lẻ, cafe, tài chính, cho tới khai thác khoáng sản. Trong đó, ngành khoáng sản đang đối mặt với chi phí thuế, phí cực kỳ cao, chiếm tới 40–60% doanh thu, trong khi mức trung bình quốc tế chỉ từ 3–8%. Nguyên nhân xuất phát từ hệ thống pháp luật còn thiếu đồng bộ, thậm chí có quy định đối nghịch nhau.

Ông Lê Bá Nam Anh cũng chỉ ra những bất cập trong lĩnh vực an toàn thực phẩm trong ngành tiêu dùng. Điển hình như, hiện Bộ Y tế đang xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 15/2018/NĐ-CP theo quy trình rút gọn. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định công bố tháng 7 vẫn còn nhiều điểm bất cập, đặc biệt là làm gia tăng thủ tục hành chính, gây khó khăn cho DN xuất, kinh doanh, và chưa phù hợp với định hướng cải cách thủ tục hành chính.

Cũng liên quan đến lĩnh vực thực phẩm, Trưởng nhóm kỹ thuật Tiểu ban Thực phẩm, dinh dưỡng (EuroCham) Nguyễn Hồng Uy đưa ra cảnh báo việc siết chặt thủ tục hành chính trong ngành thực phẩm có thể phản tác dụng nếu không đi kèm với kiểm soát rủi ro hiệu quả.

Dẫn chứng từ vụ việc Hancofood - Rance Pharma sản xuất 473 loại sữa giả với địa chỉ đăng ký là một phòng khám phụ sản ở Hòa Bình, ông Uy chỉ rõ, lỗ hổng không nằm ở cấp phép, mà nằm ở việc thiếu hậu kiểm và đánh giá rủi ro. Cũng theo ông Nguyễn Hồng Uy, nguyên nhân chính của vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng vừa qua đó là thiếu hậu kiểm, hoặc hậu kiểm nhưng bỏ qua vi phạm do có tiêu cực. Do đó, cần tăng cường hậu kiểm. Để hậu kiểm hiệu quả, nên theo kinh nghiệm của các nước tiên tiến là hậu kiểm theo quản lý rủi ro.

Xây dựng môi trường pháp lý minh bạch, thuận lợi cho DN

Lắng nghe những vướng mắc của DN, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú cho biết, trong suốt thời gian qua, không ít đợt rà soát các khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật đã được tổ chức. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đặc biệt là cách thức vận hành “xin – cho” và “phải có sự đồng thuận giữa các bộ, ngành”, việc tháo gỡ luôn gặp vướng mắc ngay từ bước đầu tiên.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú, để quá trình sửa luật hiệu quả, cần tập trung vào các điểm nghẽn thực sự, thay vì chỉ loay hoay với những vụ việc cá biệt. “Vướng mắc của vụ việc cụ thể thì có cơ chế xử lý riêng. Còn ở đây là các vướng mắc xuất phát từ chính quy định của pháp luật cần có quyết tâm và trọng tâm, trọng điểm để tháo gỡ” – Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú nói.

Được biết, Ban Chỉ đạo T.Ư về hoàn thiện thể chế, pháp luật đang tiến hành rà soát, thu thập các khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đề xuất các phương án xử lý. Đây là cơ hội để sửa đổi, hoàn thiện pháp luật một cách thiết thực nhất.

Sự quyết tâm và đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong cải cách thể chế, đặc biệt là hệ thống pháp luật kinh doanh đã thể hiện rất rõ. Mục tiêu là xây dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, ổn định và thuận lợi hơn cho DN. Vấn đề bây giờ là thực thi, là khẩn trương rà soát và tháo gỡ khó khăn do quy định pháp luật gây ra.

Theo Luật sư Nguyễn Hồng Chung, cần có một cơ chế tiếp nhận phản ánh thể chế và phản hồi định kỳ từ các cơ quan quản lý để tránh tình trạng DN “tự bơi” giữa ma trận luật lệ. Việc tổ chức các hội thảo chuyên sâu này chính là bước đi cần thiết để thúc đẩy đối thoại, đồng hành và cập nhật pháp luật theo thực tiễn. Việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý là nhu cầu cấp thiết nhưng cũng là thách thức lớn. Khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý và phải tìm được điểm cân bằng giữa yêu cầu quản lý chặt chẽ và nhu cầu thông thoáng của DN.

Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội ra mắt Liên minh Cung ứng FDI

Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội ra mắt Liên minh Cung ứng FDI

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Hợp tác xã loay hoay tìm lối ra

Điện Biên: Hợp tác xã loay hoay tìm lối ra

14 Jul, 05:16 PM

Kinhtedothi - Dù được kỳ vọng là động lực phát triển kinh tế nông thôn, nhiều hợp tác xã (HTX) tại tỉnh Điện Biên vẫn hoạt động cầm chừng, thiếu hiệu quả, khó cạnh tranh và chưa phát huy vai trò trong nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho thành viên.

Định hướng phát triển nông nghiệp An Giang từ một hội thảo khoa học

Định hướng phát triển nông nghiệp An Giang từ một hội thảo khoa học

14 Jul, 02:08 PM

Kinhtedothi – Tại Hội thảo “Định hướng phát triển kinh tế - xã hội và góp ý Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2025 - 2030” sáng 14/7, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đã tới dự và có bài phát biểu góp ý về định hướng phát triển nông nghiệp An Giang.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ