Xúc động câu chuyện của gia đình người lính nơi tuyến đầu chống dịch

Mạnh Hà (Ban Chỉ huy Quân sự TP Thủ Dầu Một, Bình Dương)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch bệnh Covid-19 bùng phát, cả tháng nay, vợ chồng Trung tá Nguyễn Đức Lạng - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng, Ban Chỉ huy Quân sự TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương và chị Lê Thị Mậu, cán bộ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương vẫn miệt mài tham gia chống dịch.

Mới đây, chị Lê Thị Mậu được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2. Hai đứa trẻ dù ở xa bố mẹ vẫn cố gắng tự chăm nhau. Câu chuyện về gia đình anh Lạng là một trong rất nhiều câu chuyện xúc động về những gia đình trên tuyến đầu đang ngày đêm hy sinh hạnh phúc riêng trong cuộc chiến chống "giặc" Covid-19.
"Hết dịch, ba sẽ về!"
Mỗi ngày, cứ sau bữa cơm chiều là có chuông điện thoại reo, anh biết ngay là con gái gọi nhõng nhẽo đòi ba về với những câu nói quen thuộc: “Ba ơi, con nhớ ba, con muốn ba về với con”... Rồi con gái cứ nước mắt giọt ngắn, giọt dài, hờn dỗi... Anh thì cố dỗ dành bằng câu nói cũ: “Ừ, ba biết rồi. Hết dịch, ba về liền với con. Ba mua cho con thật nhiều quà...”. Rồi sau động tác vẫy tay, hai cha con tạm biệt nhau. Anh trở lại công việc cùng đồng đội.
 Trung tá Nguyễn Đức Lạng (trái) cùng đồng đội nơi tuyến đầu chống dịch
Hôm nay cũng vậy, khi điện thoại reo anh phấn khởi vì sắp được nghe giọng nũng nịu của cô con gái cưng. Nhưng điện thoại vừa kết nối không phải tiếng cười thơ ngây mỗi ngày mà là tiếng khóc ngất của con gái. Giọng con bé lạc đi: “Ba ơi! Mẹ bị bệnh rồi. Xe cấp cứu tới trước nhà rồi, chuẩn bị chở mẹ đi. Ba mau về nhé. Về với con để chăm sóc mẹ...!!!”. 
Là cấp chỉ huy ít khi anh em nhìn thấy anh thể hiện cảm xúc hay tỏ ra lúng túng. Nhưng trước tình huống này sự bất ngờ hiện rõ trên gương mặt, khiến anh khựng người lại, như không tin vào tai mình. Anh vội vàng hỏi lại con gái: “Con nói từ từ cho ba nghe xem nào”?
“Ba ơi! Người ta nói mẹ bị dương tính rồi. Dương tính là cái gì vậy Ba”?
“Chuyện gì vậy?! Mẹ đâu, đưa điện thoại cho ba liền đi, thôi con đừng khóc nữa”. Giọng anh gấp rút.
Con gái trả lời trong tiếng khóc nức nở: “Mẹ đang trong nhà, con không vào gặp mẹ được, các chú không cho con với anh hai vào”.
“Vậy anh hai đâu, đưa điện thoại cho anh hai nói chuyện với ba liền đi”.
“Anh hai đang gọi điện thoại cho bà ngoại”... Và giọng cậu con trai trả lời rành mạch: “Mẹ chuẩn bị ra xe rồi. Mấy chú không cho con lại gần mẹ. Ba ơi...”!
Tiếng "Ba ơi" của cậu con trai nói với ba cũng là lúc tiếng còi của xe cấp cứu vang lên. Câu chuyện giữa 3 cha con như dừng hẳn. Trong điện thoại chỉ còn tiếng còi hú của xe cấp cứu xa dần....
Lời nhắn nơi tuyến đầu
Cả hai vợ chồng anh Nguyễn Đức Lạng, chị Lê Thị Mậu đều tham gia tuyến đầu chống dịch. Mỗi ngày tiếp xúc gần với nhiều người bệnh. Ai cũng ý thức được môi trường mình đang làm việc nguy cơ lây nhiễm rất cao, phải tuân thủ nghiêm các quy định, quy trình về an toàn...
Chị Mậu, công tác tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật huyện Phú Giáo. Trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4 này, chị và các đồng nghiệp tham gia đội truy vết nhằm ngăn chặn không cho F0, F1 lây lan ra cộng đồng.
“Đi từng ngõ, gõ từng nhà, xác minh từng đối tượng”, chị gặp trực tiếp từng bệnh nhân là F0, F1 để đưa vào khu điều trị, khu cách ly y tế tập trung. Có hôm đi đến 2 - 3 giờ sáng mới về đến nhà. Có khi mấy ngày 2 đứa con nhỏ còn không nhìn thấy chị. Bởi lúc chị về thì tụi nhỏ đã ngon giấc. Vội khử khuẩn, tắm rửa, vừa chợp mắt được khoảng 1 - 2 tiếng đã giật mình nghe tiếng điện thoại reo. Tổ Truy vết báo có ca F0, chị lại vội vàng cùng đồng nghiệp lên đường... khi các con chưa thức giấc!
 Cùng đồng đội kiểm tra khu cách ly tập trung trước khi vận hành
Ở nhà thời gian đầu, hai anh em chở nhau chạy qua bà ngoại. Gần đây, dịch bùng phát mạnh, hai anh em tự nuôi và chăm sóc lấy nhau. Nhà có gì ăn đó. Biết hoàn cảnh tụi nhỏ vắng cha mẹ, hàng xóm thỉnh thoảng đưa ít thức ăn nấu chín. Hai anh em mừng quýnh, cảm ơn rối rít.
Còn anh Lạng, nhiều tháng nay, anh vẫn ngày đêm trực chiến 100% quân số tại đơn vị. Anh chỉ gặp vợ con thông qua chiếc smartphone. Anh vẫn đều đặn công việc hàng ngày. Không chỉ triển khai, phân công lực lượng tham gia các chốt trực phòng, chống Covid-19 và phòng, chống tập trung đông người; nhiều lần anh còn tham gia trực cùng anh em qua đêm ở chốt Suối Cát - chốt nằm trên tuyến đường trọng điểm Quốc lộ 13 hướng từ TP Hồ Chí Minh vào cửa ngõ TP Thủ Dầu Một.
Chưa hết, bản thân anh có những lúc phải trực tiếp gặp những người trong khu cách ly là F0, F1 để đối thoại, tuyên truyền, giải thích cho họ về những chủ trương, chính sách, những quy định trong công tác phòng, chống dịch... Và mới sáng nay, anh nhận được thông báo chuẩn bị lực lượng, phương tiện tham gia khử khuẩn 2 bệnh viện dã chiến ở thị xã Bến Cát để tiếp đón những người bị F0 như vợ của anh vào điều trị.
Vợ mắc Covid-19 được đưa đi điều trị. Hai con thơ ở nhà. Nhưng đến giờ này anh vẫn chưa thể về thăm vợ con, vì phía trước vẫn còn nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và chính quyền địa phương giao phó. Anh phải hoàn thành nhiệm vụ!
“Là một người lính, khi Tổ quốc cần, chúng tôi có mặt. Dịch bệnh ai cũng sợ, nhưng nếu mình chùng bước thì ai sẽ gánh vác trách nhiệm này đây? Những người lính trên tuyến đầu chống dịch là như thế đó. Hàng ngày, chịu đựng gian khổ, đối mặt với hiểm nguy, xa gia đình. Vì vậy, tôi mong rằng mọi người dân hãy chấp hành nghiêm Chỉ thị 16; các quy định, hướng dẫn về an toàn phòng chống Covid-19, không ra đường khi không cần thiết, chấp hành nghiêm “ai ở đâu ở yên đấy”, để những người làm nhiệm vụ như chúng tôi được sớm trở về nhà khi xã hội trở lại hoạt động bình thường” - Trung tá Nguyễn Đức Lạng nhắn gửi.