Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xúc động trước ước mơ, tâm sự của người cao tuổi

Hồng Thủy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Hãy rút ngắn khoảng cách thế hệ, hãy yêu thương, trân trọng người già” là thông điệp Trung tâm Chăm sóc Người cao tuổi Bách niên Thiên Đức và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam gửi tới công chúng qua triển lãm “Chuyện tuổi già”.

Bằng phương pháp tiếp cận nhân học và Photovoice (trao máy ảnh cho nhân vật), những câu chuyện đời thực về cuộc sống của người già được thể hiện qua 3 chủ đề: “Ước mơ”, “Tâm sự tuổi già”, “Nơi cuộc sống mới bắt đầu”.

33 cụ được lựa chọn tự kể câu chuyện về đời mình. 28 bức ảnh được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam lựa chọn để giới thiệu đến công chúng tại 36 phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Cái khó của việc thực hiện Photovoice đối với người già là bởi họ đã yếu, khi mắt đã mờ tay đã run thì việc hướng dẫn để có được một bức ảnh cần sự tỉ mỉ và dẫn dắt nhiều hơn. Những bức ảnh do người già chụp có thể không hoàn hảo, lung linh. Có tấm hình bị rung, cái bị mờ, bố cục chưa đẹp… nhưng chính điều đó lại tạo nên được sự chân thực của cuộc triển lãm.

Thông qua các bức ảnh rất đời thường đó, những người già ở Trung tâm Thiên Đức kể câu chuyện xoay quanh chủ đề quan niệm sống, tình bạn, tình yêu, hồi ức chồng con, gia đình… với nhiều cung bậc cảm xúc. Có những người bạn mất liên lạc với nhau nửa đời người, nhưng họ lại gặp được nhau ở đoạn cuối cuộc đời, ở nơi có lẽ chưa bao giờ họ nghĩ tới.

Bên cạnh ước mơ và tâm sự tuổi già, triển lãm cũng thể hiện quan điểm khác nhau của cộng đồng về việc đưa cha mẹ vào trung tâm dưỡng lão là “tất yếu” hay “bất hiếu” - một vấn đề đang được xã hội quan tâm.

Ông Nguyễn Văn Thanh, 66 tuổi, Linh Đàm, Hoàng Mai: Chỉ thèm một mái nhà riêng

“Tôi không có vợ con, sống với anh trai. Thời trẻ tôi thuộc tuýp người kỹ tính, tiêu chuẩn chọn vợ phải “Công, dung, ngôn, hạnh” thành ra đến cuối đời vẫn ở vậy. Ngày trước công việc cuốn đi không suy nghĩ gì, nay nghĩ thấy buồn, chỉ thèm một mái nhà riêng, vợ con sum vầy nhưng đã quá muộn”.

Bà Quản Thị Thu Nguyệt, 58 tuổi, hưu trí, Phú Mỹ, Mỹ Đình: Tôi sẽ viết di chúc để vào nhà dưỡng lão

Tôi có 2 con trai nhưng tôi sẽ viết di chúc để sau này chúng nó khỏi mang tiếng là không nuôi bố mẹ. Tôi thấy, ở trung tâm dưỡng lão cơ sở vật chất tốt, được chăm sóc y tế và có môi trường sống thoải mái. Sau này già yếu, lú lẫn mình sẽ gây thêm ức chế căng thẳng cho các con vốn đã bộn bề công việc. Tôi vào nhà dưỡng lão thì con cái sẽ rảnh rang hơn, từ đó sẽ gắn kết tình cảm tốt hơn.