Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xúc tiến thương mại gặp khó vì thiếu kinh phí

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hiện kinh phí cho hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) không nhiều, gây khó cho việc mở rộng thị trường, đó là ý kiến của các đại biểu tại hội nghị tổng kết chương trình XTTM quốc gia 2012 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 25/12.

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, giai đoạn 2006 - 2010 Chương trình XTTM quốc gia ký kết được 11.932 hợp đồng và biên bản ghi nhớ trị giá 3,583 tỷ USD. Năm 2012, thông qua hoạt động này các DN đã ký kết 28.879 hợp đồng với giá trị gần 1 tỷ USD và 1.228 tỷ đồng.

Mặc dù hoạt động XTTM góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy kim ngạch XK, nhưng kinh phí cho hoạt động này đang ngày càng bị cắt giảm. Năm 2010, hoạt động XTTM được bố trí kinh phí 120 tỷ đồng thì năm 2012 chỉ có 93,08 tỷ đồng cho 114 đề án XTTM, bằng 78,2% năm 2010. 

 
Xúc tiến thương mại gặp khó vì thiếu kinh phí - Ảnh 1
 
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet
 
Theo ông Đỗ Thắng Hải, Cục trường Cục XTTM, đây không phải là lần đầu tiên kinh phí XTTM bị cắt giảm, năm 2011 kinh phí này đã giảm mạnh chỉ còn 55 tỷ đồng. Hiện, kinh phí cho XTTM Quốc gia tính trên kim ngạch xuất khẩu chỉ bằng 0,0039%, trong khi mức trung bình của thế giới là 0,11%. Số kinh phí này chỉ đáp ứng 27% nhu cầu hỗ trợ của DN. 

Đại diện nhiều DN cho rằng, kinh phí quá ít lại bị phân bổ không phù hợp với thực tế XTTM. Hiện, các DN tham gia các đoàn giao dịch thương mại quốc tế chỉ được hỗ trợ 40 triệu đồng, trong khi chi phí thực tế lớn hơn rất nhiều. Trong năm 2013, Bộ Công Thương đề nghị kinh phí dành cho hoạt động này là 257,6 tỷ đồng nhưng chỉ được Bộ Tài chính phê duyệt 80 tỷ đồng. Kinh phí thực hiện hoạt động XTTM không dồi dào, nên hoạt động XTTM quốc gia năm 2013 sẽ ưu tiên các đề án XTTM tại các thị trường XK chủ lực là Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, ASEAN, Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông - Nam Á…

Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam - Lương Văn Tự cho rằng: Để nâng cao hiệu quả XTTM trong lúc lượng kinh phí không nhiều, bên cạnh việc chú trọng đầu tư vào các thị trường trọng điểm, Bộ Công Thương nên đa dạng phương thức XTTM, tăng cường chỉ đạo hệ thống tham tán thương mại. Bên cạnh đó, ngoài việc tìm kiếm đối tác cho DN nên đẩy mạnh việc cung cấp thông tin về thị trường, cũng như cơ chế chính sách về nhập khẩu của nước sở tại cho DN xuất khẩu hàng hóa vào thị trường đó.