Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xúc tiến thương mại trực tuyến: Chìa khóa mở rộng thị trường

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hình thức giao thương trực tuyến được cơ quan quản lý, DN liên tục áp dụng.

Hoạt động này được coi là "chìa khóa vàng" giúp hàng hóa Việt Nam mở rộng thị trường, đặc biệt là mặt hàng nông sản có cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu.
Linh hoạt, hiệu quả

Mới đây, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức hội thảo trực tuyến "Xúc tiến thương mại sang thị trường Trung Đông - châu Phi", thu hút sự tham gia của hơn 120 DN Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh thực phẩm tươi sống, chế biến nông, lâm, thủy sản… có nhu cầu tìm hiểu, hợp tác với khu vực thị trường Trung Đông - châu Phi. Trước đó, Bộ Công Thương cũng đã tổ chức hội nghị giao thương trực tuyến rau, củ, quả Việt Nam - Hà Lan 2020 với sự góp mặt của 22 DN xuất khẩu sản phẩm rau, củ, quả Việt Nam và 22 nhà nhập khẩu rau, củ, quả của Hà Lan.
 Chế biến thủy sản xuất khẩu tại tỉnh Bình Định. Ảnh: Công Hùng
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đơn vị đã tổ chức nhiều cuộc giao thương trực tuyến, hỗ trợ, đồng hành cùng DN nông sản, thực phẩm Việt Nam duy trì kết nối với đa dạng thị trường trọng điểm và mục tiêu, giảm thiểu tác động tiêu cực từ đại dịch. Tính từ đầu tháng 4/2020 đến nay, Cục đã triển khai khoảng 20 cuộc hội thảo, giao thương, hội chợ trực tuyến với các thị trường Trung Quốc, Mỹ, châu Âu, châu Á và tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động tương tự trong thời gian tới. "Chúng tôi xác định, ngay cả khi dịch Covid-19 được kiểm soát thì đây vẫn là phương thức xúc tiến thương mại hữu hiệu bên cạnh hoạt động giao thương truyền thống" – ông Phú nhấn mạnh.

Chia sẻ những lợi ích khi tham gia hội chợ trực tuyến do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Việt Phúc Nguyễn Thị Lan Hương cho hay, nhờ đẩy mạnh thương mại trực tuyến, công ty đã ký kết được nhiều đơn hàng và xuất bán sản phẩm tới Nga, Mỹ và Singapore. “Công ty đã sử dụng cả mạng xã hội để kết nối trực tuyến với bạn hàng khắp thế giới. Kết nối giao thương trực tuyến là hướng đi hợp thời mà DN cần quan tâm nếu muốn vươn ra toàn cầu” – bà Hương khẳng định.

Doanh nghiệp phải đầu tư chế biến sâu

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, nông sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu tỷ đô của Việt Nam, song điểm yếu khiến kim ngạch chưa tương xứng với số lượng xuất khẩu của mặt hàng này là xuất khẩu sản phẩm thô vẫn chiếm chủ yếu. Trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa được kiểm soát tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc thắt chặt chi tiêu sẽ khiến người tiêu dùng khắt khe hơn, theo đó sản phẩm có hàm lượng chế biến cao sẽ được ưu tiên lựa chọn. Do vậy, các DN cần tăng cường đầu tư chế biến sâu các loại nông sản hơn là chỉ tập trung xuất khẩu nguyên liệu thô.

Với các thị trường hàng Việt có nhiều cơ hội như Trung Đông - châu Phi, dù được nhận định là thị trường dễ tính song để thâm nhập thành công, các Tham tán thương mại Việt Nam tại khu vực này cũng cho rằng, DN phải nâng cao chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, DN cần đầu tư ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến để sản phẩm có giá trị gia tăng cao và giảm giá thành nhằm tăng năng lực cạnh tranh với sản phẩm của những nước khác.

Bộ Công Thương khuyến nghị các DN nên chuyển hình thức xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch để tránh rủi ro. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ để đa dạng sản phẩm chế biến từ nông sản. Hiện nay, Bộ Công Thương đang xúc tiến việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý quan hệ khách hàng; tích hợp cơ sở dữ liệu DN xuất nhập khẩu Việt Nam theo nhóm ngành hàng, quy mô, năng lực sản xuất… nhằm hỗ trợ tối đa cho các DN.

"DN không nên chỉ trông chờ vào các chương trình xúc tiến thương mại của Nhà nước, mà bản thân DN có thể tự chủ động giao thương, kết nối trực tuyến với các đối tác khắp thế giới thông qua việc sử dụng các sàn thương mại điện tử hay mạng xã hội để gia tăng sự kết nối, tương tác và tìm kiếm cơ hội hợp tác cho mình." - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội Mạc Quốc Anh