Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xung đột Nga - Ukraine: Câu chuyện về niềm tin bị đánh mất

Tú Anh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Niềm tin chiến lược giữa Nga và Ukraine lẽ ra vô cùng vững chắc và ngày càng phát triển do hai nước có chung nguồn cội một dân tộc, là hai quốc gia sát kề nhau....

Tiếc rằng niềm tin đó đã bị hao mòn và tổn hại qua một loạt diễn biến chính trị, quân sự và xung đột nổ ra ngày 24/2 vừa qua như kết quả khó tránh.

Đó là đánh giá của ông Phạm Phú Phúc, chuyên gia bình luận quốc tế, nguyên phóng viên thường trú TTXVN tại Liên Hợp quốc, trong cuộc trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị về xung đột vũ trang ở Ukraine hiện nay.

Chuyên gia bình luận quốc tế Phạm Phú Phúc.
Chuyên gia bình luận quốc tế Phạm Phú Phúc.

Cả hai đang hướng đến ưu tiên đàm phán?

Theo dõi diễn biến xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine thời gian qua, ông có nhận định về khả năng quy mô cuộc tấn công có thể đến đâu?

- Về tuyên bố của các bên, phía Nga đến nay vẫn khẳng định sẽ tiếp tục cuộc chiến đến cùng, khi nào Moscow thỏa mãn mục tiêu đã đề ra. Phi quân sự hóa Ukraine, bảo vệ an ninh cho nước Nga khỏi đe dọa của phương Tây. Ukraine cam kết không tham gia NATO và về phía NATO ra cam kết về văn bản không kết nạp Ukraine. Việc Mỹ và phương Tây không ngừng gia tăng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga cũng góp phần khiến tình hình chiến sự thêm nóng.

Ở chiều ngược lại, việc hai bên sớm nối lại đàm phán sau vài ngày chiến sự và đưa ra những hiểu biết chung nhất định thông qua các vòng hội đàm đã phát đi những tín hiệu khởi sắc hơn nhằm thu hẹp nguy cơ mở rộng cuộc chiến.

Mỹ và phương Tây thời gian qua đã liên tiếp áp các lệnh trừng phạt đối với Nga trên nhiều lĩnh vực. Theo ông, mất bao lâu để thấy rõ tác động của các biện pháp này và khả năng chống chịu của Nga đến đâu?

- Trong mấy ngày qua, thậm chí ngay sau khi chiến dịch quân sự của Nga được phát động, Mỹ và phương Tây đã đồng loạt triển khai các biện pháp trừng phạt từ chính trị, kinh tế, tài chính ngân hàng, cho đến văn hóa thể thao. Duy nhất biện pháp quân sự trực tiếp chưa được đưa ra, trong khi các biện pháp quân sự gián tiếp như ủng hộ vũ khí sát thương cho Ukraine chống lại Nga, cho phép thành lập quân đoàn quốc tế tới Ukraine... cũng đã được dùng đến.

Những biện pháp trừng phạt như vậy có tác động trực diện hoặc kéo dài nếu không được gỡ bỏ. Việc cấm vận hàng không hay rút nga khỏi Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) bắt đầu có tác động ngay lập tức, trong khi những biện pháp trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật sẽ tác động lâu nếu không được dỡ bỏ.

Về trừng phạt kinh tế, có thể nói, Nga có khả năng chống chịu đối với các biện pháp cấm vận trừng phạt tốt hơn một số quốc gia từng chịu cấm vận.

Cụ thể, quan hệ kinh tế thương mại với phương Tây không phải chủ đạo trong nền kinh tế Nga. Các nước phương Tây cũng không có nước nào chiếm phần lớn trong tỷ trọng kinh tế Nga. Tổng giá trị xuất khẩu của Trung Quốc - bạn hàng lớn nhất cũng chỉ chiếm 21,8% tổng giá trị xuất khẩu của Nga năm 2020 là 335 tỷ USD.

Cơ cấu kinh tế Nga tương đối dàn trải về đối tượng bạn hàng, không tập trung cụ thể vào nhóm chính, đặc biệt là phương Tây. Vì vậy, tác động của cấm vận kinh tế của Mỹ - Phương Tây không đặt nặng gánh cho Nga. Kinh tế Nga mạnh về dầu khí - chiếm 12% tổng sản lượng dầu thô thế giới tính đến thời điểm hiện tại. Trong bối cảnh dầu tăng giá như hiện nay, mặt khác Nga có lợi thế để chống đỡ lại các lệnh trừng phạt, và Moscow cũng có quan hệ với nhiều bạn hàng trong lĩnh vực này.

Và Nga không chịu thiệt một mình. 30% lượng khí đốt của châu Âu do Nga cung cấp. Việc vận chuyển từ Nga sang châu Âu dễ dàng hơn nhiều so với Mỹ và Canada. Trong lúc này Mỹ muốn kéo châu Âu vào phía mình để đối lại Nga, nhưng thực tế chi phí để đưa một thùng dầu từ Mỹ tới châu Âu là rất lớn so với Nga.

Đã nhen nhóm hy vọng cho các giải pháp ngoại giao giữa Ukraine và Nga, trong đó có các đàm phán tại Belarus giữa phái đoàn hai nước hôm 28/2 và 2/3 vừa qua. Ông đánh giá sao về ý nghĩa của các sự kiện này và những triển vọng đàm phán tiếp theo?

- Tín hiệu đáng khích lệ là dù chiến sự mới bắt đầu vài ngày, hai bên đã đồng ý ngồi lại đàm phán. Dù trước vòng đàm phán đầu tiên chỉ 2 ngày, Kiev và Moscow vẫn đưa ra những điều kiện tiên quyết, từ nội dung đến địa điểm đàm phán, nhưng ngay sau đó họ đã bỏ qua tất cả để ngồi lại với nhau.

Và dường như trong đàm phán hai bên đều có thiện chí, chủ động đàm phán và độc lập trong quan điểm đàm phán. Đó là điều quan trọng cốt yếu để đảm bảo kết quả đàm phán sẽ phản ánh đúng lập trường và nội dung hai bên mong muốn.

Triển vọng đàm phán sắp tới giữa hai bên còn tùy thuộc diễn biến của chiến trường. Nhưng có vẻ cả Nga và Ukraine đều đang hướng đến và có thiện chí ưu tiên cho đàm phán. Thông tin sau các vòng đàm phán không được tiết lộ cụ thể, nhưng cả hai bên đều khẳng định đã xác lập được những điểm chung.

Theo ông, những điểm chung đó có thể là gì?

- Dựa trên những nội dung hai bên đã trao đổi và tình hình diễn biến chiến sự vừa qua, tôi cho rằng có một số khả năng. Thứ nhất là hai bên có chung thiện chí tiếp tục duy trì đàm phán. Thứ hai, các bên thống nhất tránh các mục tiêu dân sự như phía Nga đã cam kết và Ukraine khẳng định. Thứ ba, phải bảo đảm vấn đề nhân đạo, tạo hành lang nhân đạo trong bất cứ khía cạnh nào của cuộc chiến.

Hai bên cũng có thể thống nhất trong những vòng đàm phán tiếp theo, tập trung chú ý và đưa ra bàn nghị sự những quan tâm, lo ngại cũng như mục đích của mỗi bên, ví dụ như: an ninh của Nga với NATO, hay lo ngại của Ukraine bị kìm kẹp khó phát triển...

Mất niềm tin chiến lược

Việc mất niềm tin chiến lược được coi là một trong số những nguyên nhân chính dẫn đến cuộc xung đột Nga - Ukraine lần này. Ông có thể chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này?

- Niềm tin chiến lược giữa Nga và Ukraine lẽ ra là phải vô cùng vững chắc và ngày càng phát triển bởi hai nước có chung nguồn cội một dân tộc, có nhiều năm trong “gia đình” Liên Xô, là hai nước lớn kề sát nhau, tính ngôn ngữ rộng còn có điểm chung.

Tiếc rằng niềm tin chiến lược ấy đã bị hao mòn, tấn công, suy giảm ngay sau khi Liên Xô tan rã. Rồi Nga và Ukraine tách ra. Một chính phủ thân Nga ở Ukraine sau khi Liên Xô sụp đổ đã bị lật đổ. Sau đó liên tiếp các chính phủ thân phương Tây, bài Nga được thành lập, điển hình như chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelensky hiện tại.

Niềm tin ấy càng trở nên hao mòn, tổn hại khi Ukraine công khai bày tỏ ý muốn gia nhập NATO sau khi Nga sáp nhập Crimea và Nga ủng hộ chính quyền ly khai vùng Donbass. Điều đó giống như những đốm lửa nhỏ âm ỉ chỉ đợi ngày bùng lên, và ngày đó cũng đến.

Tháng 10/2021, Nga phát hiện Ukraine đã sử dụng một máy bay không người lái Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất - loại máy bay không người lái rất hiện đại để do thám vùng Donbass thân Nga. Sau đấy thì một loạt các cuộc gặp, một loạt cuộc hòa giải ở phương Tây, đặc biệt là của Pháp, có vẻ như làm hai bên hạ nhiệt. Tuy nhiên sự việc lại tiếp tục nóng lên sau khi Mỹ và Phương Tây đưa ra những biện pháp cấm vận trừng phạt Nga.

Về phía Nga triển khai 100.000 quân ở biên giới với Ukraine, để đề phòng sau vụ Ukraine do thám vùng Donbass. Và rồi việc Nga đưa quân vào Ukraine hôm 24/2 vừa qua khiến niềm tin chiến lược ấy trở về con số 0.

Làm sao để xây dựng và củng cố niềm tin chiến lược giữa các nước trong bối cảnh thế giới hiện nay, đặc biệt là giữa Nga và phương Tây?

- Xuất phát từ con số 0 bao giờ cũng rất khó, nhất là khi đã có lúc niềm tin ấy vững chắc. Nhưng cũng không phải là không thể. Thiện chí và thái độ xây dựng tích cực có thể giúp Ukraine và Nga làm lại từ đầu, nhưng phải trên cơ sở là tôn trọng những mối quan tâm của nhau, đặc biệt là về an ninh. Nếu mỗi bên một hướng, dù có được nhen nhóm xây dựng lại rồi cũng lại một ngày nào đó tan tành.

Việc khôi phục niềm tin giữa Nga và phương Tây còn khó khăn hơn bởi Nga và Mỹ đã từ lâu ở thế đối địch. Niềm tin đó có lẽ phải bắt đầu được tái thiết giữa Nga với các đồng minh của Mỹ ở châu Âu - tức các nước thành viên NATO ở châu Âu.

Trong đó, vấn đề Ukraine cần được giải quyết triệt để trên cơ sở là phải bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các bên, sẽ là điểm khởi đầu để khôi phục niềm tin giữa Nga với Mỹ và châu Âu.

Xin cảm ơn ông!

 

"Xuất phát từ con số 0 bao giờ cũng rất khó, nhất là khi đã có lúc niềm tin ấy vững chắc. Nhưng cũng không phải là không thể. Thiện chí và thái độ xây dựng tích cực có thể giúp Ukraine và Nga làm lại từ đầu, nhưng phải trên cơ sở là tôn trọng những mối quan tâm của nhau, đặc biệt là về an ninh. Nếu mỗi bên một hướng, dù có được nhen nhóm xây dựng lại rồi cũng lại một ngày nào đó tan tành."- Chuyên gia Phạm Phú Phúc.