Xung đột Nga - Ukraine, chuyên gia gợi ý các nhóm ngành hưởng lợi

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo mới cập nhật của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, các ngành có khả năng được hưởng lợi từ việc giá hàng hóa tăng trong bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine leo thang gồm dầu khí, thép và phân bón.

Cụ thể, ngành dầu khí triển vọng tích cực trong cả ngắn hạn và dài hạn. Giá dầu Brent dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao, do tác động tổng hợp đến từ tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu hiện nay và tình hình căng thẳng địa chính trị tại Ukraine. Với mặt bằng giá dầu neo cao, VNDIRECT đánh giá nhóm cổ phiếu dầu khí sẽ không chỉ được hưởng lợi trong ngắn hạn, mà triển vọng dài hạn cũng sẽ được củng cố hơn khi giá dầu cao thúc đẩy các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí, giúp cải thiện nền tảng cơ bản của ngành.

Ngành thép cũng được dự báo tích cực. Các nhà xuất khẩu tôn mạ hàng đầu Việt Nam (gồm HSG, NKG) có cơ hội tăng sản lượng tiêu thụ tại EU trong thời gian tới.

Ngành phân bón cũng được cho là sẽ hưởng lợi do giá tăng. Theo chuyên gia VNDIRECT, Nga chiếm 13% tổng kim ngạch thương mại phân bón chính trên toàn cầu, và gần 16% thương mại toàn cầu đối với các loại phân bón thành phẩm quan trọng. Do đó, các biện pháp trừng phạt do châu Âu và Mỹ áp đặt lên Nga sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu, dẫn đến tăng giá phân bón. Tại Việt Nam, giá phân bón bị ảnh hưởng bởi giá phân bón thế giới, giá tăng sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp trong bối cảnh giá khí đầu vào tăng cao.

Bên cạnh đó, ngành thuỷ sản tăng xuất khẩu sang EU nên triển vọng tốt. Theo VNDIRECT, ngành cá tra Việt Nam có thể gián tiếp hưởng lợi từ căng thẳng Nga - Ukraine, khi có thể tận dụng tình hình này để mở rộng thị phần và tăng kim ngạch xuất khẩu sang EU.

Cũng theo VNDIRECT, có 5 nhóm ngành bị tác động tiêu cực gồm ngành dầu ăn, thức ăn chăn nuôi, vận tải hàng không, điện khí, điện than.

Ukraine là quốc gia xuất khẩu dầu hướng dương lớn nhất thế giới, nếu cuộc khủng hoảng kéo dài, biên lợi nhuận gộp của các công ty dầu ăn sẽ giảm mạnh vào năm 2022.

Căng thẳng giữa Nga - Ukraine đã tác động đến giá lúa mì và ngô - những nguyên liệu chính để sản xuất thức ăn chăn nuôi - do đó giá tăng sẽ tác động không nhỏ tới chi phí đầu vào, gây sụt giảm lợi nhuận.

Trong khi đó, giá dầu tăng mạnh ảnh hưởng tiêu cực đến biên lợi nhuận của các hãng hàng không. Đồng thời, việc tạm dừng các chuyến bay thương mại đến/đi từ Nga và Ukraine ảnh hưởng nhẹ đến sự phục hồi lượng khách quốc tế. Tuy nhiên VNDIRECT cho rằng tác động này chỉ mang yếu tố ngắn hạn.

Xu hướng tăng của giá dầu Brent thế giới đã khiến giá khí nội địa tăng mạnh, kéo theo giá bán điện tăng. Năm 2021, Nga là thị trường xuất khẩu than lớn thứ ba sang Việt Nam (khoảng 527 triệu USD), chủ yếu là than nhiệt. Trong khi đó, Nga cũng là nước xuất khẩu than lớn thứ ba thế giới năm 2020, theo IEA. Do đó, VNDIRECT cho rằng các nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu nguồn cung, khi khó chuyển đổi nhà cung cấp trong ngắn hạn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần