Xung đột Nga - Ukraine: Những dấu hỏi sau tuần chiến sự đầu tiên

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow bước sang ngày thứ 7, các lực lượng Nga hiện đang kiểm soát các khu vực của Ukraine dọc theo biên giới Nga và Belarus, cũng như miền Nam Ukraine sát Crimea.

 Diễn biến hiện nay đã đặt ra nhiều nghi vấn và nhận định cho các chuyên gia quân sự quốc tế.

Nga thiếu sự chuẩn bị?

Sau khi vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ của quân đội và người dân Ukraine, đồng thời là những vấn đề về hậu cần, các lực lượng Nga đã tăng cường pháo kích, bao vây và cử lính dù tới các TP quan trọng trên khắp Ukraine kể từ hôm 2/3.

Một người đàn ông có vũ trang đứng bên phần còn lại của một chiếc xe quân sự Nga ở Bucha, gần thủ đô Kiev, Ukraine, ngày 1/3. Ảnh: AP
Một người đàn ông có vũ trang đứng bên phần còn lại của một chiếc xe quân sự Nga ở Bucha, gần thủ đô Kiev, Ukraine, ngày 1/3. Ảnh: AP

Oleg Sinehubov - người đứng đầu chính quyền khu vực Kharkiv - TP lớn thứ hai của Ukraine với khoảng 1,5 triệu dân - cho biết ít nhất 21 người thiệt mạng và 112 người bị thương trong một đợt không kích dữ dội của quân đội Nga. Theo Cơ quan Tình trạng khẩn cấp của Ukraine, “cơn mưa” tên lửa hôm 2/3 đã thổi bay mái nhà của tòa nhà cảnh sát khu vực 5 tầng ở Kharkiv và khiến tầng cao nhất bốc cháy, đồng thời gây hư hại trụ sở tình báo và một tòa nhà đại học.

“Kharkiv ngày nay như thể Stalingrad của thế kỷ XXI”, Oleksiy Arestovich - cố vấn hàng đầu của Tổng thống Ukraine nói, nhắc đến cuộc bảo vệ TP kéo dài 5 tháng khỏi Đức Quốc xã của Hồng quân Liên Xô trong Thế chiến II. Từ boongke dưới tầng hầm của mình, thị trưởng Kharkiv Igor Terekhov nói với BBC: “Thành phố đoàn kết và chúng tôi sẽ đứng vững”.

Cùng lúc đó, một đoàn xe tăng khổng lồ dài gần 65km của Nga và các phương tiện quân sự khác đã áp sát phía Bắc thủ đô Kiev của Ukraine kể từ hôm 1/3, trong khi các TP cảng chiến lược Kherson và Mariupol được cho đã thất thủ. Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết, đoàn xe bọc thép này dường như đã bị đình trệ khi chỉ còn cách Kiev khoảng 25km và không có tiến triển thực sự nào trong vài ngày qua do “thiếu nhiên liệu và lương thực”.

Sky News dẫn lời Mathieu Boulegue - chuyên gia về an ninh và quốc phòng Á - Âu tại Chatham House - cho rằng Nga “đã mắc nhiều sai lầm”. Ông nói, chiến lược của quân đội là để các đơn vị nhỏ hơn đi trước mà “hoàn toàn không có sự hỗ trợ”, khiến họ “rất dễ bị phục kích”.

Trong khi Fu Qianshao, một chuyên gia hàng không quân sự và là thành viên lực lượng không quân Trung Quốc đã nghỉ hưu, nói với SCMP: “Các vấn đề về hỗ trợ hậu cần trong giai đoạn đầu của một chiến dịch quân sự là rất quan trọng”.

“Đã xuất hiện tình trạng thiếu nhiên liệu, nước và thực phẩm. Điều này có thể là do những đánh giá ban đầu của Nga rằng cuộc xung đột sẽ chỉ là chớp nhoáng, kéo dài 1 hoặc 2 ngày. Họ đã bất cẩn và đánh giá thấp đối thủ của mình” - ông Fu nhận định - “Mặc dù quân đội Ukraine không thể sánh được với Nga, nhưng có thể bị thiệt hại rất cao nếu các lực lượng Nga cố gắng vào các TP”.

Cũng vào hôm 2/3, Nga lần đầu tiên báo cáo về thương vong quân sự của mình, cho biết gần 500 binh sĩ của họ đã thiệt mạng và gần 1.600 người bị thương kể từ khi chiến dịch quân sự bắt đầu vào tuần trước. Phía Ukraine không tiết lộ thiệt hại quân sự của mình nhưng cho biết hơn 2.000 dân thường đã thiệt mạng sau 5 ngày giao tranh ác liệt.

Theo ông Boulegue, Nga đã thiếu sự chuẩn bị, một phần do “các giả định dường như đã thất bại”. “Họ có thể đã nghĩ rằng người Ukraine sẽ hạ vũ khí và ngừng chiến đấu” - vị chuyên gia nói, tỏ ra ngạc nhiên khi Nga đã không làm tê liệt mạng internet cũng như mạng di động - thứ hiện đang giúp lực lượng Ukraine truyền bá những thông điệp chính đến người dân và thế giới.

Đồng quan điểm, Edward Arnold, chuyên gia an ninh châu Âu từ Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia Anh, lưu ý rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelesky - xuất thân là một diễn viên - vẫn có quyền truy cập vào một mạng lưới liên lạc đang được duy trì, cho phép ông thực hiện các bài phát biểu “truyền cảm hứng” để tập hợp người dân của mình cũng như kêu gọi các nhà lãnh đạo khác trên thế giới. Cũng theo ông, người Ukraine đã “kháng cự quyết liệt” mà trong đó yếu tố quan trọng là bởi việc trang bị vũ khí cho dân thường chứ không chỉ lực lượng vũ trang.

Cần một trận đánh quyết định?

Một tuần giao tranh quyết liệt trôi qua, với 2 vòng đàm phán hòa bình đã diễn ra giữa Nga và Ukraine nhưng được cho chưa mang lại kết quả gì đáng kể, các nhà phân tích quân sự cho rằng vẫn còn quá sớm để nói về thời điểm và cách thức kết thúc cuộc xung đột hiện nay.

William Alberque - một cựu quan chức NATO, hiện là Giám đốc chiến lược, công nghệ và kiểm soát vũ khí tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho biết ông dự kiến Nga sẽ tổ chức các cuộc không kích trong ít nhất một tuần nữa để giành quyền kiểm soát bầu trời trước khi gửi tiếp viện. Ông cũng lưu ý, một trọng tâm khác là phương Tây đang đảm bảo các vũ khí mà họ tài trợ sẽ nhanh chóng đến tay người Ukraine. “Đây sẽ là một thách thức (với Nga)”, ông William nói.

Trên thực tế, cuộc khủng hoảng Ukraine lúc này đã thu hút những thay đổi rõ ràng trong các chính sách an ninh của châu Âu trong nhiều thập kỷ qua. Chẳng hạn như nước Đức lần đầu tiên tăng ngân sách quốc phòng thêm 100 tỷ euro và gửi viện trợ cấp tốc cho quân Chính phủ Ukraine. Hay các nước vốn ôn hòa như Thụy Điển, Phần Lan… cũng không còn giữ thái độ trung lập.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, khả năng đụng độ quân sự trực tiếp giữa Nga và phương Tây được cho vẫn còn rất thấp, ít nhất là khi biên giới các quốc gia thành viên NATO vẫn còn được đảm bảo.

Trong bài phát biểu tại Quốc hội hôm 2/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định các lực lượng Mỹ sẽ không giao chiến với quân đội Nga: “Hãy để tôi nói rõ, các lực lượng của chúng tôi không và sẽ không tham gia vào xung đột với các lực lượng Nga ở Ukraine. Lực lượng của chúng tôi không đến châu Âu để chiến đấu ở Ukraine, mà sẽ chỉ bảo vệ các đồng minh NATO của mình trong trường hợp Tổng thống Putin quyết định tiếp tục di chuyển về phía Tây”.

Giữa bối cảnh này, Ni Lexiong, một nhà bình luận quân sự tại Thượng Hải, nhận định với SCMP rằng có thể sẽ cần có một “trận đánh quyết định” để có một hiệp ước hòa bình chính thức chấm dứt xung đột quân sự.

“Từ kinh nghiệm của những cuộc chiến trong quá khứ, để kết thúc một cuộc chiến, điều kiện tiên quyết là một trận chiến cho phép cả hai bên thống nhất xem ai thắng, ai thua” - ông Ni nói - “Bằng cách đó, cả hai bên có thể thấy rõ “sức nặng” của nhau và đưa ra quan điểm đàm phán cho phù hợp. Chỉ khi đó, một hiệp ước hòa bình mới có thể được ký kết”.

 

Liên Hợp quốc (LHQ) hôm 1/3 cho biết, hơn 870.000 người đã rời khỏi Ukraine trong cuộc khủng hoảng tị nạn ngày càng gia tăng ở lục địa châu Âu kể từ hôm 24/2, trong khi người đứng đầu cơ quan giám sát hạt nhân của LHQ cảnh báo rằng xung đột có thể gây nguy hiểm cho 15 lò phản ứng hạt nhân của Ukraine.