Xung đột Nga - Ukraine: Những hệ lụy và khủng hoảng toàn cầu

Nguyễn Dung - Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Như Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo "thế giới đang đối mặt với thời khắc nguy hiểm", chiến sự giữa Nga và Ukraine đang dần phác họa rõ những hệ lụy cho toàn cầu trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế, thương mại đến đe dọa khủng hoảng nhân đạo.

“Cơn gió ngược” cho đà phục hồi

Cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine đang trở thành “cơn gió ngược” với đà phục hồi kinh tế toàn cầu vì có thể tác động rất mạnh đến tăng trưởng, lạm phát và chính sách tiền tệ của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới.

Theo AP, chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine và các lệnh trừng phạt từ phương Tây có thể không dẫn đến một cuộc suy thoái toàn cầu khi quy mô kinh tế của hai nước này chiếm chưa đến 2% tổng sản phẩm quốc nội của thế giới.

Người dân Ukraine trú ẩn trong một ga tàu điện ngầm ở Kiev. Ảnh: Reuters
Người dân Ukraine trú ẩn trong một ga tàu điện ngầm ở Kiev. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, căng thẳng giữa Moscow và Kiev có nguy cơ gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng đối với nhiều quốc gia cũng như ngành công nghiệp, đặc biệt khi Nga là nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ ba thế giới. Theo Reuters, Nga cung cấp khoảng 10% lượng dầu toàn cầu và một phần ba lượng khí đốt của châu Âu. Nga cũng là nhà sản xuất hàng đầu thế giới các mặt hàng nhôm, niken, bạch kim, paladi, uranium, titan, than, gỗ và phân bón.

Trong khi đó, các trang trại của Ukraine đang cung cấp nguồn lương thực cho hàng triệu người trên khắp thế giới. Reuters cho biết Ukraine chiếm 29% lượng xuất khẩu lúa mì toàn cầu và 19% lượng ngô xuất khẩu. Tình hình địa chính trị bất ổn tại Ukraine đang đe dọa làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu lúa mì của nước này qua Biển Đen đúng vào thời điểm giá lương thực toàn cầu đang ở mức cao nhất kể từ năm 2011. Ukraine hiện là nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ năm thế giới.

Thị trường dầu mỏ thế giới cũng biến động mạnh do lo ngại khủng hoảng chính trị tại Ukraine đe dọa đến nguồn cung toàn cầu vốn đang trong tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng.

Chỉ sau một tuần Nga thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine, giá dầu WTI đã nhảy vọt lên 109,23 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 2/3, ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 9/2013, còn giá dầu cũng tăng lên 110,84 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 7/2014. Trước đó, trong phiên ngày 24/2, giá “vàng đen” lần đầu tiên vượt ngưỡng 100 USD/thùng kể từ năm 2014.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng việc giá dầu leo dốc lên hơn 100 USD/thùng được xem là một “cú đánh” kép đối với kinh tế thế giới khi vừa đe dọa làm giảm triển vọng tăng trưởng và gia tăng lạm phát. Đó là sự kết hợp đáng lo ngại trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang (FED) và các ngân hàng trung ương khác đang nỗ lực kiềm chế lạm phát đang lập kỷ lục trong nhiều thập kỷ mà không làm chệch hướng phục hồi sau đại dịch. Shepherdson - nhà kinh tế trưởng tại Pantheon Macroeconomics, cảnh báo rằng việc kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm hơn trong năm nay là điều không thể tránh khỏi.

Châu Á dần cảm nhận dư chấn

Mức độ ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine đang lan dần sang châu Á khi hàng loạt quốc gia đầu tàu khu vực này phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Theo tờ SCMP, các nền kinh tế lớn trong khu vực thời gian tới có thể sẽ đối mặt nhiều khó khăn khi cuộc khủng hoảng ở Đông Âu đẩy giá các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Nga - như dầu, khí đốt và nguyên liệu sản xuất kim loại thô lên cao, gia tăng thêm áp lực với nhiều nền kinh tế vốn đang vật lộn với ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Các nhà phân tích cũng lưu ý thêm rằng châu Á ngày càng trở thành thị trường xuất khẩu quan trọng của Nga trong những năm gần đây.

Chris Devonshire-Ellis, thuộc Công ty Tư vấn Dezan Shira & Associates cho biết, khoảng 50% lượng hàng xuất khẩu của Nga được đưa đến châu Âu trong năm 2020 và hơn 40% còn lại được chuyển đến các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, Kazakhstan, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Ông Tom Rafferty - Giám đốc khu vực của Cơ quan phân tích kinh tế Economist Intelligence Unit cảnh báo: “Hậu quả trước mắt của cuộc xung đột giữa Moscow và Kiev sẽ là biến động kinh tế, làm đảo lộn triển vọng tăng trưởng của châu Á”.

Tại châu Á, Trung Quốc và Ấn Độ cũng là những nước nhập khẩu dầu mỏ lớn của Nga. Chuyên gia Katrina Ell thuộc Công ty Phân tích tài chính Moody’s Analytics (Mỹ) cảnh báo hai nền kinh tế này cũng sẽ chuẩn bị gặp các tác động tiêu cực tương tự Nhật Bản và Hàn Quốc trên hàng loạt các lĩnh vực từ sản xuất tới tiêu dùng. Giá năng lượng tăng có thể ảnh hưởng đến chi phí canh tác và kéo giá lương thực tăng theo dẫn tới mất an ninh lương thực, đặc biệt là ở nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, như Ấn Độ - nơi thực phẩm chiếm phần lớn trong lĩnh vực tiêu dùng.

Nguy cơ khủng hoảng nhân đạo

Một mẩu chuyện trên Reuters có tiêu đề một người đàn ông “gửi con cho người lạ sơ tán” ngay khu vực cửa khẩu biên giới. Bà Ableyeva gặp một người đàn ông 38 tuổi đến từ Kamianets-Podilskyi, cùng với con trai và con gái nhỏ. Mẹ của đứa trẻ đang trên đường từ Italia về để đón hai đứa trẻ và đưa chúng đến nơi an toàn, người cha cho biết và đưa bà Ableyeva số điện thoại di động của người mẹ, nhờ bà chăm sóc các con.

Đó là một trong số rất nhiều câu chuyện về gia đình phải ly tán tại Ukraine. Theo lệnh tổng động viên, tất cả đàn ông Ukraine trong độ tuổi từ 18 - 60 không được xuất cảnh, để có thể tham gia chiến đấu. Không hiếm gặp những gia đình, trong đó người mẹ và trẻ con qua biên giới lánh nạn, trong khi người bố, người ông tiếp tục túc trực tại quê hương và sẵn sàng tham chiến bất cứ lúc nào.

Trước diễn biến chiến sự chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, dòng người tị nạn từ Ukraine sang các nước láng giềng ở Đông Âu đang ngày càng đông. Bà Shabia Mantoo, người phát ngôn Cao ủy Liên Hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), cảnh báo tình hình hiện nay có thể trở thành "cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất châu Âu trong thế kỷ này". Liên Hợp quốc (LHQ) hôm 3/3 cho biết, hơn 1 triệu người đã rời khỏi Ukraine để tìm nơi ẩn náu ở các nước láng giềng.

Cuộc xung đột cũng gây thiệt hại đáng kể về người, khiến số lượng dân thường thương vong ngày càng tăng, làm gián đoạn sinh kế và làm hư hại cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng. Hàng trăm ngôi nhà, cơ sở hạ tầng cấp nước và vệ sinh, trường học và cơ sở y tế đã bị ảnh hưởng.

 

Có cảm giác, nỗi sợ hãi thường trực, như thể nó đang ở đâu đó trong dạ dày... trong trái tim tôi. Mọi người mệt mỏi, sợ hãi, mỗi ngày, mỗi đêm.
Olena Gnes - một người dân Ukraine trốn trong một tầng hầm ở Kiev với ba đứa con của mình

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần