Hiệp định hòa bình vẫn còn xa?
Hôm 24/8 tuần này đánh dấu tròn 6 tháng kể từ ngày Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh phát động chiến dịch mà ông gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine. Trùng hợp, đây cũng là Ngày Độc lập của Ukraine, kỷ niệm ngày Quốc hội nước này tuyên bố tách khỏi Liên Xô vào năm 1991, chỉ vài tháng trước khi Liên Xô chính thức sụp đổ.
6 tháng sau khi Nga - Ukraine bắt đầu giao tranh quân sự, thế bế tắc đang diễn ra khi cả hai dường như đều đủ mạnh để ngăn bên kia giành chiến thắng, nhưng lại chưa đủ để đạt đến một chiến thắng quyết định trên chiến trường.
Sau khi giành được lãnh thổ ban đầu, Nga đã phải lùi bước trước quyết tâm của người Ukraine và một số vấn đề về hậu cần ngoài dự tính. Lực lượng Nga đã rút khỏi khu vực xung quanh thủ đô Kiev vào cuối tháng 3, sau đó tái triển khai quân đến Donbass và củng cố quyền kiểm soát dọc theo bờ Biển Đen.
Kể từ đó, Nga đã chiếm được toàn bộ khu vực Luhansk nhưng đạt được tương đối ít tiến bộ ở khu vực Donetsk. Trong khi đó, các lực lượng phản công của Ukraine xung quanh Kharkiv ở phía Bắc và ở khu vực phía Nam Kherson đã đạt được một số tiến bộ kể từ cuối tháng 5.
Nhưng nhìn chung, không có đột phá lớn nào báo hiệu sự ngã ngũ sắp xảy ra trong nỗ lực của cả Nga và Ukraine. Điều này đặt ra nghi vấn: Đây có thể là báo hiệu về khả năng trở lại bàn đàm phán của Moscow và Kiev hay không?
Lần cuối cùng hai bên tiến hành các cuộc đàm phán có ý nghĩa là vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4 năm nay tại Thổ Nhĩ Kỳ, dưới sự điều hành của Tổng thống nước này Recep Tayyip Erdogan. Mặc dù cuối cùng không đi đến kết quả nào về việc chấm dứt chiến tranh, nỗ lực hòa giải của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng.
Vào cuối tháng 7, Ankara đã môi giới thành công một thỏa thuận tái khởi động hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine từ các cảng Biển Đen đã bị Nga phong tỏa. Đến ngày 18/8 vừa qua, Tổng thống Erdogan đã gặp nhà đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng Thư ký Liên Hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres. Họ đã đồng ý về các điều kiện cho một cuộc thanh tra của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đối với nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine.
Nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu này đã bị Nga kiểm soát từ cuối tháng 3, và gần đây trở thành mục tiêu bị tấn công mà Moscow và Kiev đều đổ lỗi cho nhau phải chịu trách nhiệm. Giao tranh xung quanh nhà máy đã làm dấy lên lo ngại về một thảm họa hạt nhân tồi tệ chưa từng có. Sau các cuộc thảo luận với ông Erdogan và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Nga Putin được cho cũng đã đồng ý với cuộc thanh tra của IAEA.
“Điều này có thể cho thấy một số lạc quan về việc tiếp tục hòa giải để kết thúc chiến tranh. Nhưng còn lâu mới có thể rõ ràng triển vọng về một hiệp định hòa bình được đàm phán kể từ khi các cuộc đàm phán trước đó đổ vỡ” - Giáo sư về An ninh Quốc tế Stefan Wolff tại Đại học Birmingham (Anh) nhận định trên CNA.
Chuyên gia này lập luận, cả hai bên hiện tại đều tỏ ra không thay đổi quan điểm công khai về các cuộc đàm phán: Ukraine muốn Nga rút quân trước tiên, trong khi Nga từ chối lời kêu gọi để hai Tổng thống gặp nhau, cũng như tiếp xúc của đại diện thường trực của hai bên tại các tổ chức LHQ ở Geneva - nghĩa là hoàn toàn loại trừ khả năng đạt được một thỏa thuận hòa bình với Ukraine.
Đồng thời, cả hai bên đều đang tăng cường phòng thủ ở những khu vực mà họ cho là điểm yếu dễ bị tổn thương của mình: Nga đã tái triển khai một số binh sĩ tới miền Nam Ukraine để ngăn chặn các cuộc tấn công của Kiev ở đó, trong khi phía Ukraine đang thúc đẩy việc sơ tán dân thường khỏi các khu vực mà lực lượng nước này còn vẫn kiểm soát ở Donetsk.
Yếu tố “toàn vẹn lãnh thổ” dường như là trung tâm của mâu thuẫn trên mặt trận ngoại giao. Bên cạnh Luhansk và Donetsk, cũng như các khu vực ở miền Nam Ukraine trong các khu vực Kherson và Zaporizhzhia, Kiev vẫn khó có thể chấp nhận việc bán đảo Crimea đã bị Nga sáp nhập vào năm 2014.
Các cuộc không kích của Ukraine vào các tuyến tiếp tế ở độ sâu chiến lược của Nga, cùng với hoạt động của lực lượng đặc biệt ở Crimea gần đây cho thấy niềm tin của Kiev đang ngày càng tăng. Điều này một phần được thúc đẩy bởi các hoạt động hỗ trợ vũ khí của phương Tây, nhằm mục tiêu phá vỡ hậu cần của Nga và làm lung lay tinh thần của các lực lượng chiếm đóng của Nga, cũng như lực lượng ủy nhiệm địa phương của họ.
Khi mùa Đông khắc nghiệt sắp tới
Giáo sư Stefan Wolff dự báo, một cuộc chiến leo thang mới trong những tháng tới là “rất có thể”, nhưng khó có đột phá quân sự nào đáng kể. “Cả hai bên đều tương đối cố thủ trong các vùng lãnh thổ mà họ đang nắm giữ, không có nguồn dự trữ nhân lực đáng kể để tung vào trận chiến mà không làm suy yếu vị trí của họ trên các phần khác của chiến tuyến” - ông Wolff giải thích.
Liên quan đến kịch bản này, Tướng về hưu của Quân đội Anh Richard Barrons nhận định, kết quả của cuộc chiến sắp tới sẽ phụ thuộc lớn vào khả năng tập hợp thêm nguồn lực của Nga và Ukraine.
Ông lưu ý, trong khi Ukraine đã tiến hành một cuộc điều động và tuyên bố mục tiêu thành lập quân đội với 1 triệu thành viên, Nga vẫn tiếp tục dựa vào đội ngũ tình nguyện viên hạn chế - một cách tiếp cận phản ánh lo ngại của Điện Kremlin về nguy cơ một cuộc tổng động viên có thể gây bất mãn trong dân chúng và gây bất ổn cho đất nước. Moscow đã lựa chọn các bước đi mang tính tạm thời, cố gắng khuyến khích mọi người ký hợp đồng với quân đội, ngày càng thu hút các nhà thầu tư nhân...
“Trừ khi huy động dân số và ngành công nghiệp của mình, Nga không thể tạo ra một lực lượng lớn hơn, hiệu quả hơn, và do đó, nước này sẽ phải xem xét làm thế nào để bám vào những gì mình đã có để tiếp tục thực hiện chiến dịch” - Tướng Barrons nói với AP.
Trong khi đó, Ukraine được cho cũng thiếu nguồn lực cho bất kỳ hoạt động cải tạo nhanh chóng nào trên lãnh thổ của mình. Ông Barrons ước tính, có thể phải mất đến năm sau để Kiev tích lũy một lực lượng có khả năng đẩy lùi được người Nga.
“Ukraine chỉ có thể làm được điều đó nếu phương Tây cung cấp ý chí chính trị, tài chính khoảng 5 - 6 tỷ USD/tháng, các vũ khí như pháo tầm xa, đạn dược hỗ trợ cho loại pháo đó và sau đó cho phép hỗ trợ hậu cần và y tế cho phép Ukraine tự chế tạo, sản xuất” - vị tướng về hưu, hiện là đồng chủ tịch của nhóm tư vấn Universal Defense & Security Solutions, cho biết.
Trong vài tuần qua, cả Nga và Ukraine đã gây khó chịu cho nhau thông qua việc giành được những lợi thế đáng kể về lãnh thổ. Nhưng điều này cũng đã gây tốn kém về sinh mạng và vật chất, cũng như tiếp tục gây thiệt hại lớn cho dân thường. Một lệnh ngừng bắn trên thực tế được đưa ra trong điều kiện thời tiết xấu đi khi mùa Đông khắc nghiệt đến gần, tạo cơ hội cho việc quay trở lại các cuộc đàm phán nghiêm túc.
Điều này còn diễn ra vào thời điểm Tây Âu được dự báo sẽ chịu tổn hại nghiêm trọng trong nguồn cung năng lượng, gia tăng rủi ro đối với sự thống nhất của phương Tây. Tổng thống Putin cũng có thể hy vọng rằng đây sẽ là cơ hội để ông giải quyết cuộc chiến theo các điều kiện có lợi cho Nga, mà trong đó không loại trừ khả năng phương Tây có thể gây áp lực buộc Ukraine phải chấp nhận một số tổn thất lãnh thổ để đổi lấy hòa bình.