Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xung đột sâu sắc, đàm phán OPEC+ bị hủy bỏ

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các bộ trưởng nhóm OPEC+ đã đình chỉ những cuộc đàm phán về sản lượng dầu diễn ra hôm 5/7, sau khi xung đột nổ ra hồi tuần trước về việc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) từ ​​chối đề xuất gia hạn 8 tháng đối với thỏa thuận hạn chế sản lượng.

Thái tử UAE Mohammed bin Zayed al-Nahyan (trái) và Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman. Ảnh: Reuters
Theo Reuters, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi, Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman đã kêu gọi các nước Tổ chức Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) "thỏa hiệp và phối hợp" để đảm bảo một thỏa thuận sau 2 ngày thảo luận thất bại vào tuần trước, nhưng cuối cùng vẫn không đạt được tiến triển nào.

Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo cho biết trong một tuyên bố hôm 5/7, rằng cuộc họp dự kiến diễn ra cùng ngày đã bị hủy bỏ, và cũng chưa thống nhất được thời gian cho cuộc họp tiếp theo.

Sự thất bại của các cuộc đàm phán - một phần là do sản lượng dầu tăng từ tháng tới - đã giúp thúc đẩy giá dầu thô Brent chuẩn quốc tế, đang giao dịch cao hơn 1,1% ở mức trên 77 USD/thùng.

Reuters dẫn nguồn tin OPEC+ cho biết, sản lượng dầu sẽ không tăng trong tháng 8. Trong khi số khác cho biết một cuộc họp mới nhiều khả năng diễn ra trong những ngày tới, và họ tin rằng sẽ có sự thúc đẩy trong tháng 8.

Giá dầu đang ở mức cao nhất kể từ năm 2018, gây ra lo ngại lạm phát có thể cản trở sự phục hồi toàn cầu sau đại dịch. OPEC+ đã đồng ý cắt giảm sản lượng kỷ lục gần 10 triệu thùng/ngày (bpd) vào năm ngoái, tương đương khoảng 10% sản lượng thế giới, khi đại dịch xảy ra. Hạn chế đã dần được nới lỏng và hiện ở mức khoảng 5,8 triệu bpd.

UAE hôm 2/7 đã chấp nhận đề xuất từ ​​Ả Rập Saudi và các thành viên OPEC+ khác về việc tăng sản lượng theo từng giai đoạn, khoảng 2 triệu bpd từ tháng 8 đến tháng 12/2021, nhưng bác bỏ việc gia hạn cắt giảm còn lại đến cuối năm 2022 kể từ kết thúc hồi tháng 4.

Đến ngày 5/7, lập trường của UAE vẫn không thay đổi. Một hội đồng cấp bộ trưởng do Ả Rập Saudi và Nga được cho sẽ cần thêm thời gian để thảo luận về vấn đề này.

Tranh chấp hiện được cho đang phản ánh xung đột ngày càng tăng giữa 2 cường quốc kinh tế Ả Rập là UAE và Ả Rập Saudi.

2 quốc gia đã xây dựng một liên minh khu vực, kết hợp sức mạnh tài chính và quân sự để chống lại một cuộc xung đột ở Yemen và phát triển sức mạnh ở những nơi khác. Nhưng UAE hiện đã rút khỏi sứ mệnh ở Yemen, trong khi Ả Rập Saudi đang thách thức sự thống trị của UAE với tư cách là trung tâm kinh doanh và du lịch của khu vực.

Tháng 8/2020, UAE cũng đồng ý bình thường hóa quan hệ với Israel, trong khi Ả Rập Saudi vẫn là nước không có quan hệ ngoại giao chính thức với Israel.