Nhiều chuyên gia cho rằng, các phòng GD&ĐT cũng như nhà quản lý cần nghiêm túc nhìn nhận lại vai trò, nhiệm vụ, chức năng và hiệu quả hoạt động của phòng.
Đánh giá hiệu quả làm việcTheo TS. Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT, bất cứ đề xuất nào cũng cần có nghiên cứu, đánh giá cụ thể. Với đề xuất giải tán phòng GD&ĐT, bên cạnh những ý kiến bác bỏ, nhiều người vẫn ủng hộ. Là bởi lâu nay, phòng GD&ĐT được cho là hoạt động kém hiệu quả, vì vậy, cần đánh giá lại một cách khách quan, khoa học. “Trong những năm qua, kể từ khi phân cấp, các phòng GD&ĐT đã thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình thế nào, ưu, nhược điểm ra sao. Phòng GD&ĐT quận, huyện chỉ là cấp trung gian, là cánh tay nối dài của UBND quận, huyện mà không đủ năng lực thực thi trách nhiệm quản lý nhà nước, tạo ra phiền toái và cản trở đổi mới của nhà trường?” - TS Hoàng Ngọc Vinh băn khoăn.
|
Học sinh trường Tiểu học Nam Thành Công, quận Đống Đa trong giờ học Toán. Ảnh: Công Hùng |
Nhiều ý kiến khác còn cho rằng, cần nhìn nhận việc thanh, kiểm tra, giám sát của các phòng GD&ĐT hiện nay ra sao. Liệu việc kiểm tra ấy có cải thiện được chất lượng, hiệu quả giáo dục ở cơ sở hay không? Vì sao hệ thống quản lý được phân nhiều cấp, từ bộ, ngành và chính quyền địa phương, nhưng tình trạng bỏ học, bạo lực học đường, lạm thu, dạy thêm học thêm vẫn nhức nhối. Có chuyên gia thẳng thắn, phòng GD&ĐT đang “nhốt” sự tự chủ của các trường, nên kìm hãm sự phát triển, còn giáo viên trong trường thì ít được nêu quan điểm trái chiều của cấp lãnh đạo. Bên cạnh đó, còn có tình trạng phòng GD&ĐT thuyên chuyển giáo viên, tuyển dụng chưa khách quan, công bằng. “Để tránh những sai sót, bất cập, ngành giáo dục và nội vụ cần nghiên cứu một cách khách quan, sâu rộng, phải xin được ý kiến của các bên liên quan như sở GD&ĐT, các phòng ban, các trường trực tiếp chịu sự quản lý để có hướng quản lý tốt hơn” - TS Hoàng Ngọc Vinh đề xuất.
Mặt khác, TS Hoàng Ngọc Vinh cũng cho rằng, khi đặt vấn đề nghiên cứu bỏ phòng GD&ĐT, cần chú ý đến bối cảnh hiện tại, quy mô dân số của quận, huyện để có giải pháp, lộ trình hợp lý. Một lãnh đạo Bộ GD&ĐT đặt vấn đề, nếu bỏ cấp phòng thì trách nhiệm quản lý thuộc về ai. Việc giải tán phòng GD&ĐT là không khả thi vì việc này sẽ sinh ra nhiều tiêu cực. Hơn nữa, khi chuyển nhiệm vụ quản lý từ phòng GD&ĐT cấp huyện về sở GD&ĐT, lấy gì đảm bảo những hạn chế, tiêu cực đã từng tồn tại trước đây không tiếp tục xảy ra.
Bởi vậy, đa số chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, nên tinh giản bộ máy cồng kềnh ở phòng GD&ĐT, đánh giá lại hiệu quả làm việc của những đơn vị này một cách khách quan thay vì xóa bỏ phòng. Bên cạnh đó, ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong quản lý, giảm nhân lực, thủ tục hành chính và không thể cầm tay chỉ việc hay kiểm tra kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”.
Nâng cao chất lượng cán bộHiện đang có 2 quan điểm khá đối lập nhau, đó là việc xóa bỏ phòng GD&ĐT thì mất tính “chân rết” của hệ thống và chỉ nên xóa bỏ những trường hợp làm việc không hiệu quả trong “chân rết” đó. Ông Trần Văn Tuấn - giáo viên một trường THCS tại quận Hoàng Mai cho rằng, nếu phòng GD&ĐT hoạt động chưa hiệu quả, cần có giải pháp để nâng hiệu quả quản lý. Thực tế cho thấy, bộ máy cấp phòng GD&ĐT hiện nay cần phải điều chỉnh lại, khung luật pháp cũng phải chặt chẽ và khoa học hơn.
Còn theo GS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, các phòng GD&ĐT có nhiệm vụ giúp sở GD&ĐT quản lý các cơ sở giáo dục cấp mầm non đến THCS. Nếu vẫn còn đơn vị hành chính cấp huyện thì không thể bỏ phòng GD&ĐT. Khi bỏ các phòng GD&ĐT, nhiệm vụ quản lý được giao cho các sở GD&ĐT là quá nặng nề, một giám đốc sở GD&ĐT không thể quản lý mấy trăm trường ở địa phương. “Nếu các phòng GD&ĐT đang gây khó khăn cho hoạt động của các trường thì việc cần thiết phải thay đổi nhân sự, nâng cao năng lực tổ chức chứ không nên thay đổi tổ chức. Việc đánh giá sự cần thiết tồn tại của các phòng GD&ĐT cần phải thông qua nghiên cứu, xem xét toàn diện” - GS Dong nhận định.
Nếu cải cách nên thực hiện theo hướng làm tốt hơn những gì đang vận hành và chuyển dịch dần mô hình giảm bớt cho phù hợp, chứ không phải xóa bỏ. Trong giáo dục, có rất nhiều nội dung cần đổi mới, như chương trình sách giáo khoa, cách tổ chức dạy - học. Các nội dung khác nên cải thiện từng bước, phù hợp với thực tế. Hiện phòng GD&ĐT dù còn nhiều hạn chế nhưng cũng có vai trò nhất định. Bởi thế trước mắt, giảm biên chế bằng cách mỗi người chịu trách nhiệm nhiều việc thay vì chỉ làm một, hai đầu việc. PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư Phạm Hà Nội
Theo tôi, phòng GD&ĐT đang phụ trách cả về nhân sự, chuyên môn, thanh tra... nên nhiệm vụ khá nặng nề. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ cán bộ tại các phòng GD&ĐT vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, nên đề xuất xóa bỏ phòng này cũng là một hướng để xem xét chứ đừng vội ném đá. Nếu chấp nhận xóa bỏ thì nên thí điểm ở một vài địa phương để đánh giá hiệu quả trước. PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT
Đề xuất bỏ phòng GD&ĐT rất khó khả thi. Nếu không có đơn vị này thì việc quản lý các cấp học từ mầm non đến THCS khó khăn vô cùng. Mỗi quận, huyện, số lượng trường rất lớn, do đó nếu không có phòng GD&ĐT thì nhà trường cũng không biết báo cáo cho ai, xử lý công việc thế nào. Tuy nhiên, để bộ máy đỡ cồng kềnh, phòng GD&ĐT cần tinh giản tối đa nhân lực, nâng cao hiệu quả hoạt động. Ông Nghiêm Quý BìnhHiệu trưởng trường THPT Đông Anh, Hà Nội |