Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xung quanh đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu: Làm sao để tránh lãng phí nguồn lực?

Oanh Trần (ghi)
Chia sẻ Zalo

Việc Bộ LĐTB&XH có hướng đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu lên 60 với nữ và 62 với nam đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội.

Thực tế, tận dụng được nguồn nhân lực có kinh nghiệm, chuyên môn và đội ngũ người trẻ có việc làm là bài toán khó.
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội:
Không lãng quên nguồn nhân lực trẻ
Chính phủ chưa chính thức trình dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012 cho nên chưa có ý kiến  bàn có hay không nâng tuổi nghỉ hưu và phương án như thế nào. Hiện nay, trên nhiều phương tiện tuyền thông, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đưa ra nhiều ý kiến khác nhau nên chúng ta phải xem xét tất cả. Chính phủ thấy cần phải báo cáo thì đưa ra Quốc hội để các đại biểu bàn luận.
Việc Bộ LĐTB&XH đưa ra lý do tăng tuổi nghỉ hưu để quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) không bị vỡ, tôi thấy, người lao động (NLĐ) nộp tiền vào quỹ này là của để dành. Vì thế, quỹ BHXH phải được bảo toàn cho NLĐ. Một nguyên tắc, tiền lương của người nghỉ hưu phải đảm bảo cuộc sống. Nếu chúng ta không tính toán, cân đối khi người ta về hưu được lĩnh số tiền hàng tháng không đủ sống, thì chính sách sẽ không đạt yêu cầu. Vì thế, bây giờ cần phải tính toán hết sức tỉ mỉ và khoa học, đừng để lãng phí nguồn nhân lực quan trọng của đất nước. Hơn nữa, chúng ta đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, nguồn lực yếu dần đi, nhưng vấn đề quan trọng là đảm bảo sự công bằng của xã hội và việc làm cho những học sinh, sinh viên có bằng cấp, năng lực ra trường không bị thất nghiệp. Đó là vấn đề không chỉ kinh tế mà còn là xã hội. Chúng ta cần phải bảo vệ, giữ gìn nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng đừng lãng quên nguồn nhân lực trẻ có trình độ, năng lực và chuyên môn.

Ông Lê Quân – Giám đốc Nhà máy sản xuất sắt, xốp:
 Ai sẽ nuôi lực lượng lao động bị thất nghiệp?
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho rằng khi tăng tuổi nghỉ hưu sẽ thành lập nhiều DN để tạo thêm cơ hội việc làm cho NLĐ. Nhưng ông ấy có biết, một ngày ở Việt Nam có bao nhiêu DN được thành lập và hoạt động; có bao nhiêu đơn vị không sản xuất, kinh doanh hoặc đóng cửa mà không thông báo với xã hội? Việc hoạt động và đóng cửa cũng giống như kết hôn và ly hôn. Đôi khi ly hôn nhiều hơn kết hôn. Vì thế, chúng ta phải có cái nhìn rộng hơn, nghiên cứu rất kỹ chứ không phải thích thì tăng. Về phía quyền lợi của DN, tôi thấy một NLĐ 60 - 70 tuổi không thể làm việc được như người 30 -  40 tuổi, trong khi ấy theo quy định, lao động tuổi càng cao thì lương lại tăng. Đó là câu chuyện cần phải xem xét. 

Ông Mạc Văn Tiến - chuyên gia cao cấp,  nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề:
Mở rộng đối tượng tham gia BHXH
Xu hướng các nước trên thế giới là tăng tuổi nghỉ hưu và có kinh nghiệm trong việc này. Trong BHXH, xét về cá nhân có 2 giai đoạn (làm việc và nghỉ), về mặt cá thể tổng không đổi. Giai đoạn đóng BHXH phải tương đương với số năm nghỉ hưu. Nếu anh nghỉ hưu nhiều năm thì tiền đóng BHXH tăng lên; thời gian nghỉ ngắn đồng nghĩa tiền đóng BHXH giảm xuống. Về thị trường lao động, nước ta có nhiều người trẻ, nếu tuổi nghỉ hưu cao quá dẫn đến lực lượng lớn lao động bị tồn đọng, dư thừa. Do vậy phải làm sao cân đối hài hòa, vừa đảm bảo lợi ích cá nhân và xã hội (thị trường lao động).
Chúng ta đừng nên nói tăng tuổi nghỉ hưu để không bị vỡ quỹ BHXH. Ở các nước, toàn dân tham gia BHXH, trong khi đó Việt Nam mới có 20%. Nếu lo vỡ quỹ BHXH thì mở rộng đối tượng để tăng lên 50% nguồn tiền dồi dào. Những người trẻ còn lâu mới đến thời gian hưởng bảo hiểm hưu trí, chúng ta lấy tiền của họ trả cho người già. Tăng tuổi nghỉ hưu để tránh vỡ quỹ BHXH chỉ là một trong những giải pháp lựa chọn vì nó có tác động vào thị trường lao động còn nguy hiểm hơn, tỷ lệ thất nghiệp lại cao. Như thế, lại phải lấy quỹ bảo hiểm ra trả cho những người thất nghiệp. Do vậy, bài toán đặt ra là phải cân đối rất kỹ, cần có chuyên gia định giá BHXH.