Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xung quanh thiết kế mẫu trụ sở phường, xã: Không đập bỏ để xây mới

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đồng tình – phản biện là hai thái cực cơ bản của dư luận khi đề xuất "mặc áo đồng phục" cho các xã, phường được cơ quan cấp quản lý phát đi. Phải khách quan rằng, trong lộ trình trưng cầu ý kiến, sự bàn luận của nhiều luồng quan điểm được xem như động thái tích cực để hoàn thiện mục tiêu đề án.

Sự tinh giản, dễ nhận diện về thiết kế

Tại cuộc họp giao ban trực tuyến của TP Hà Nội mới đây, ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội thông tin, cơ quan chuyên môn đang tổng hợp ý kiến các quận, huyện về phương án thiết kế mẫu trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn Hà Nội. Sở QH&KT Hà Nội cũng đang gửi công văn xin ý kiến UBND các quận, huyện. Theo thống kê của Sở này, trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng số trụ sở có thể áp dụng thiết kế mẫu khi đầu tư xây dựng mới là 483/584.
 Trụ sở thị trấn Chi Đông, huyện Mê Linh. Ảnh: Chiến Công
Về vấn đề này, ông Lê Vinh - Giám đốc Sở QH&KT Hà Nội cho biết, hiện đang trong quá trình nghiên cứu, lấy ý kiến của các địa phương, chưa áp dụng ngay vào thực tế khi xây dựng trụ sở mới.

Phương án được đưa ra lấy ý kiến do Trung tâm nghiên cứu kiến trúc và quy hoạch đô thị, nông thôn (HRAP) trực thuộc Sở QH&KT Hà Nội thực hiện. Lập luận về đề án, HRAP đưa ra nhiều dẫn chứng cụ thể về tình trạng nhiều trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã, phường, thị trấn thiếu thống nhất về diện tích đất xây dựng, sàn sử dụng, dẫn đến việc một số trụ sở quá lớn (hơn 3.000m2) hoặc không thống nhất gây lãng phí về tiền bạc, đất đai. Về ngôn ngữ kiến trúc, không ít phương án kiến trúc còn cầu kỳ, rườm rà, chất lượng thẩm mỹ thấp, thiếu tính phù hợp với cơ quan công quyền.

"Tôi khẳng định không có chuyện đập bỏ đi để xây mới hoàn toàn hàng trăm trụ sở ở cấp xã, phường, thị trấn. Mục tiêu của đề án đưa ra mẫu kiến trúc chung theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn của nhà nước. Từ đó, khi triển khai xây dựng mới những trụ sở ở cấp xã, phường, thị trấn, áp dụng theo mẫu chung này, đảm bảo tính thống nhất." - Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Lê Vinh

Phải có ít nhất 4 mẫu phù hợp từng vùng

Theo một vị Phó Chủ tịch UBND phường trên địa bàn quận Ba Đình, gần 8 năm qua, phường mong muốn được cung cấp trang thiết bị, cải tạo lại trụ sở (từ phòng họp, hội trường, nhà văn hóa, phòng tiếp dân…) để phục vụ người dân tốt hơn. “Tuy nhiên, để dùng thiết kế mẫu của Sở QH&KT Hà Nội trong quá trình cải tạo, sửa chữa vào phường khó phù hợp. Bởi diện tích phường nhỏ (xấp xỉ 200m2), không thể áp dụng được thiết kế trụ sở mẫu. Nếu được, chỉ nên quy định thống nhất một màu sắc đặc trưng để người dân nhìn vào có thể nhận biết ngay đó là trụ sở phường, xã hay thị trấn" - vị này ý kiến.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng cho rằng, nên áp dụng với trụ sở xây mới để dễ nhận diện, tránh lãng phí. Việc quy định rõ các loại vật liệu đến màu sơn sẽ khó xảy ra tình trạng rút ruột công trình. Đồng thời, sự chuẩn hóa các tiêu chuẩn xây dựng trụ sở xây mới sẽ tiết giảm giá thành thiết kế vì đã có mẫu sẵn. Kiến trúc trụ sở xây dựng đồng bộ sẽ có tính uy quyền nhất định.

Trong khi đó, không ít ý kiến từ giới kiến trúc sư bày tỏ tính quan ngại về sự triệt tiêu khả năng sáng tạo, bản sắc của mỗi vùng, miền địa phương. Bình luận vấn đề này, KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, trong địa bàn một quận, trụ sở UBND có thể giống nhau. Song, đại trà hình thức sang các quận khác sẽ rất rập khuôn, cứng nhắc. Đặc biệt, trong bối cảnh Hà Nội gồm nhiều đơn vị như miền núi (Hòa Bình); Trung du (Sóc Sơn); những địa điểm ngoại ô thuộc khu vực Hà Tây (cũ) và 4 quận nội đô cần được thể hiện bản sắc riêng về văn hóa, điểm nhấn tính bản địa.

Vị chuyên gia này phân tích, hiện thế giới đã và đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ đẩy mạnh việc áp dụng Chính phủ điện tử, tinh giảm biên chế, mà cấp xã, phường là hạt nhân của sự phát triển đó. Không thể UBND xã, phường, thị trấn nào cũng y xì nhau về mặt hình thức, nội dung. Nó còn thuộc quy mô dân số, cơ cấu tổ chức. Vậy thì, việc “mặc đồng phục” cho tất cả trụ sở, liệu còn phù hợp trong hoàn cảnh này nữa hay không cũng cần tính toán kỹ lưỡng. “Trường hợp Hà Nội quyết tâm làm, cá nhân tôi cho rằng, với đặc thù Thủ đô cần làm ít nhất 4 mẫu thiết kế đại diện cho mỗi khu vực, địa hình. Cụ thể, tương ứng với vùng trung du, miền núi, ven đô và các quận nội thành. Các mẫu thể hiện được sự nghiêm minh của luật pháp, nhưng cũng phải thân thiện với người dân. Đồng thời, lồng ghép được tính hiện đại cập nhật của Chính phủ vào từng thiết kế” – Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề xuất.

Theo phương án đề xuất của Trung tâm nghiên cứu kiến trúc và quy hoạch đô thị nông thôn (HRAP) với khu vực đô thị trung tâm, diện tích tối thiểu 300m2, mật độ xây dựng tối đa 70%, tầng cao tối đa là 6 (kể cả tầng trệt để xe nếu có) theo quy hoạch khu vực cho phép; diện tích tối đa 2.000m2. Với khu vực đô thị trung tâm mở rộng, đô thị vệ tinh, thị trấn mật độ dân cư cao, diện tích đất phù hợp khoảng 880 - 3.900m2, mật độ xây dựng 40%, tầng cao tối đa là 5. Khu vực các xã và thị trấn mật độ dân cư thấp, diện tích đất phù hợp khoảng 1.530m2 đến 4.100m2, mật độ xây dựng 25 - 30%, không quá 3 tầng. Thiết kế có hình khối ngôn ngữ đơn giản, hiện đại, không trang trí các chi tiết, gờ phào cổ điển rườm rà.