Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xung quanh việc Xây dựng khách sạn cạnh Hồ Gươm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Rất nhiều quan ngại đã được mổ xẻ khi UBND TP Hà Nội đồng ý chủ trương về quy hoạch kiến trúc dự án đầu tư xây dựng công trình khách sạn tại số 22 - 32 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm.

Thực tiễn đã chứng minh, theo dòng chảy của thời gian, kiến trúc đô thị luôn có sự biến thiên nhất định, không thể giữ khư khư cái cũ.

“Việc xây dựng khách sạn ở đây nếu giải quyết cơ bản được các trăn trở của giới chuyên môn sẽ trở thành một xu thế tất yếu, không nên quá ngạc nhiên. Điểm cần lưu ý chỉ là làm thế nào tìm được sự hài hòa khả thi giữa công trình mới với công trình đã có mà vẫn tôn vinh cảnh quan, hồn cốt của khu vực Hồ Gươm” - GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính nhận định.

Đã cải tạo và thành công

Theo TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP, khi quy hoạch chung của khu vực Hồ Gươm và phụ cận được phê duyệt năm 1996 và điều lệ quản lý tạm thời của khu vực này thực thi thì đã có nhiều công trình cải tạo và xây dựng mới thành công, huy động được đông đảo nguồn lực tư vấn thiết kế như: Nhà cá mập, Long vân Hồng vân, Trung tâm thông tin quận Hoàn Kiếm… Trước đó là việc cải tạo khu vực Bốn mùa, Hacinco... Hầu hết đều đáp ứng mục tiêu hoàn thiện vai trò chức năng là trung tâm hành chính, chính trị của Hà Nội nhưng đồng thời cũng là trung tâm dịch vụ thương mại, khu vực cảnh quan lịch sử, khu vực có nhiều công trình di tích. Điều này minh chứng việc cải tạo xây dựng lại một số công trình xung quanh Hồ Gươm là một xu thế tất yếu để tìm sự hài hòa cho sự phát triển của không gian kiến trúc cảnh quan Hồ Gươm với kiến trúc truyền thống, kiến trúc Pháp, kiến trúc hiện đại và cả kiến trúc hậu hiện đại.
Mô hình Dự án xây dựng công trình khách sạn số 22 - 32 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Thanh Hải
Mô hình Dự án xây dựng công trình khách sạn số 22 - 32 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Thanh Hải
“Vậy thì chúng ta không nên ngạc nhiên khi có những dự án hoặc đề xuất cải tạo các công trình xung quanh Hồ Gươm, đấy là việc đã làm nhiều, đã có thành công. Với những kết quả nghiên cứu từ trước đến nay và với đặc biệt là các ý kiến nhạy bén của công luận, dư luận xã hội về công trình xung quanh Hồ Gươm đã tạo dựng nên Hồ Gươm đa dạng, hài hòa phong cách nhưng vẫn mang hồn cốt Việt” - ông Nghiêm nhấn mạnh.

Theo giới chuyên môn, từ quy hoạch đã nghiên cứu thì việc cải tạo lại khu vực siêu thị Intimex tại số 22 - 32 Lê Thái Tổ là một việc cần làm. Nhưng thách thức lớn nhất là tìm ra giải pháp kiến trúc như thế nào để hài hòa với xung quanh, giữ được những giá trị của công trình cũ và phát triển mới, gắn với yêu cầu hiện đại, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngay cả ''Hiến chương Washington” thế giới mà Việt Nam tham gia cũng khẳng định “Việc cải tạo để phù hợp với quy hoạch chung là một yêu cầu tất yếu nhưng quan trọng phải tìm ra tiếng nói ngôn ngữ của sự hài hòa”.

KTS. Ngô Doãn Đức - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng đồng tình rằng không thể khư khư giữ cái cũ nhưng giải pháp xây, cải tạo phải khoa học. Nếu công trình cũ xuống cấp, cố gắng có các giải pháp về công nghệ để bảo tồn mà vẫn làm mới. Vấn đề đặt ra là tìm giải pháp, lựa chọn tư vấn năng lực và công bố phương án kiến trúc đề xuất để những người có tâm và có tầm tham gia.

“Hãy khai thác ý kiến chuyên môn”

KTS. Nguyễn Quốc Thông - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, đã có những phản hồi tích cực từ phía nhà đầu tư sau các ý kiến phân tích của giới chuyên môn. Họ thấy có thể khai thác để thay đổi được từ các ý kiến trao đổi của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, vì phương án nêu ra mới là sơ bộ, chưa phải cuối cùng. Về kiến trúc, nhà đầu tư nhận thấy thiết kế hiện tại chưa khai thác được giá trị của kiến trúc cũ, nên sẽ tiếp thu để bảo tồn, chỉnh trang lại, tiếp nối chứ không phá bỏ. Họ cũng nhận thấy những giá trị khác mà nếu biết khai thác sẽ làm tăng giá trị văn hóa cho công trình mới, thay vì làm mới hoàn toàn, đồng thời bảo đảm các quy định về kiến trúc bên Hồ Gươm.

Là người có kinh nghiệm trong bảo tồn và trùng tu di tích, di sản kiến trúc và đô thị, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính lưu ý, hình bản vẽ kiến trúc mặt đứng cho khách sạn 3 tầng đang treo nhìn thoáng qua có vẻ đẹp nhưng thật ra ngôn ngữ ấy quá rắm rối, chưa đúng chữ nghĩa của kiến trúc tây. Cách ứng xử đúng nhất với dãy nhà khu vực Hồ Gươm là nên tiến hành trùng tu và cải tạo. Tức là phía mặt đứng phải giữ được cấu trúc hai tầng rất quen thân ấy và hình dáng kiến trúc bên ngoài ứng xử theo bài toán trùng tu như Nhà hát lớn ngày xưa. Nhưng bên trong có thể cải tạo thích ứng với nhu cầu mới. Không nên thay đổi mặt đứng và không nên nâng thành 3 tầng mà nên giữ 2 tầng như đặc điểm kiến trúc ban đầu. Bởi lẽ diện mạo ấy rất có giá trị và rất điển hình về phương diện kiến trúc đô thị của Hồ Gươm. Còn với khách sạn thì đằng sau có thể thực hiện nhưng với điều kiện bắt buộc hình thái kiến trúc của nó phải khả thi phù hợp với dãy đằng trước. Có thể hiện đại nhưng không nên quá đồ sộ, thô kệch. Nếu không sẽ nuốt chửng nhà phía trước, biến mặt trước thành mô hình vô tri giác. 
Chưa phê duyệt dự án tại số 22 - 32 Lê Thái Tổ

Liên quan tới một số dự án quanh Hồ Gươm trong phiên chất vấn chiều 2/8 tại Kỳ họp thứ 2, HĐND TP Khóa XV. Ông Nguyễn Hoài Nam - Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP đặt câu hỏi: Khu vực Hồ Gươm rất nhạy cảm, căn cứ nào để TP cho xây dựng công trình của Công ty CP Intimex tại số 22 - 32 Lê Thái Tổ; dự án Tân Hoàng Minh tại ngã tư Hàng Bài 4 năm nay chưa triển khai, đây là diện tích đất nằm trong quỹ đất giao thông tĩnh để có bãi đỗ xe trong nội đô phục vụ việc đi bộ, hạn chế tai nạn giao thông trong phố cổ, đến nay lại mọc lên một Nhà văn hóa mang tên Hồ Gươm tại quảng trường Lý Thái Tổ đang trưng bày gốm Chu Đậu. ĐB Nguyễn Hoài Nam cho rằng: “Đừng để đến lúc bỏ rất nhiều tiền để phục hồi những cái chúng ta đã phá đi và đi xây lại những cái đã phá”.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở QH - KT Lê Vinh cho biết: Dự án của Công ty CP Intimex tại khu 22 - 32 Lê Thái Tổ đang ở trong giai đoạn xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan hiện chưa được phê duyệt, bởi đây là công trình tương đối nhạy cảm. Đối với dự án Tân Hoàng Minh, chủ đầu tư chấp nhận phương án cũ đã được phê duyệt, chỉ xây dựng công trình 8 tầng tại vị trí này.

Với công trình của Tân Hoàng Minh, trong phần giải trình cuối phiên chất vấn, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung bày tỏ quan điểm: “Khu vực này sẽ được chuyển đổi thành khách sạn 5 sao chứ không phải chung cư. Cá nhân tôi rất khuyến khích việc này, bởi TP đang thiếu khoảng trên 20.000 phòng nghỉ khách sạn. Đây cũng là một trong những yếu tố cơ bản để biến du lịch thành ngành công nghiệp mũi nhọn”.

Về ái ngại vấn đề tổ chức giao thông, GS.TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng: “Điều quan trọng nhất là cảnh quan gắn với hồ Hoàn Kiếm như thế nào. Tại khu phố cũ, phố cổ thì câu chuyện giao thông không nên đặt ra. Trong trường hợp ách tắc thì giải phóng những đường trọng điểm như đường Lê Thái Tổ, Hàng Khay, Đinh Tiên Hoàng… khỏi giao thông, không còn là đường đi lại của xe cộ. Nói như thế không có nghĩa là không tính toán đến quy mô của khách sạn tại khu vực này: nên vừa phải với số lượng phòng thích hợp”.