Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xung quanh việc xét xử các đại án: Quyết liệt, nghiêm minh, không còn vùng cấm

Trọng Nghĩa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quyết liệt xử lý, không còn vùng cấm nào, đó là ý kiến và cũng là mong muốn của nhiều người đối với những đại án, đặc biệt là vụ việc liên quan đến ông Đinh La Thăng đang được đưa ra xét xử công khai.

Củng cố niềm tin

Hai vụ đại án kinh tế được đưa ra xét xử trong đầu tháng 1/2018 đang được dư luận rất quan tâm: Vụ ông Đinh La Thăng và đồng phạm; vụ Phạm Công Danh và Trầm Bê liên quan đến sai phạm tại Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Sacombank. Những người hầu tòa đều rất đặc biệt khi đã từng là "đại gia máu mặt", thậm chí là cán bộ cấp cao, nắm giữ vị trí quan trọng. Tuy nhiên, hàng loạt sai phạm gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước đã khiến họ sẽ phải đối mặt với những bản án nghiêm khắc nhất.

 Ông Đinh La Thăng trong ngày xét xử thứ hai.

Quyết liệt xử lý, không có bất cứ vùng cấm nào, đó không chỉ còn là khẩu hiệu mà đã được cụ thể hóa thành hành động, thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước đối với tham nhũng. Khi Trịnh Xuân Thanh bị khởi tố rồi bỏ trốn ra nước ngoài, đã có những dấu hỏi lớn về tính nghiêm minh của pháp luật. Trung tướng Trần Văn Độ (nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự T.Ư (Bộ Quốc phòng) cho rằng: Bây giờ tham nhũng không nói đến 1 tỷ, vài tỷ đồng mà lên tới nghìn tỷ đồng, hậu quả rất nặng nề đối với đất nước. Nếu không kịp thời xử lý tốt vấn đề này, sẽ gây hậu quả rất nặng nề, không chỉ đơn thuần về tài sản, sự quản lý Nhà nước, xã hội mà quan trọng hơn là lòng tin của người dân vào chế độ, vào sự lãnh đạo của Đảng.

"Việc đưa vụ án ra xét xử ngay từ những ngày đầu năm mới đã thể hiện tính quyết liệt của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng. Theo tôi, công - tội phải phân minh. Không phủ nhận công của ông Đinh La Thăng khi còn làm lãnh đạo đã có những quyết sách mạnh mẽ làm thay đổi bộ mặt ngành giao thông. Tuy nhiên, về tội, thời điểm ông Thăng làm Chủ tịch HĐQT PVN, với cương vị là người đứng đầu đã gây thất thoát cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng trong chỉ đạo về chủ trương tại dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Rõ ràng, ông Thăng đã có lỗi với Nhân dân." - Ông  Đặng Ngọc Thịnh (Tổ trưởng dân phố số 30, cụm 5, phường Văn Chương, quận Đống Đa)

Tuy nhiên, tất cả đã được giải tỏa, niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân tăng lên rất cao khi Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú, rồi lần lượt từ các sếp lớn của Tập đoàn Dầu khí (PVN) đến ông Đinh La Thăng bị bắt và đưa ra xét xử.

Đối với ông Đinh La Thăng, cáo trạng đã nêu rõ, trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định Tổng Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí (PVC) thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PVPower) ký hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định. Sau đó, ông Thăng chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban quản lý dự án căn cứ hợp đồng này cấp tạm ứng hơn 6 triệu USD và hơn 1.312 tỷ đồng cho PVC để bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng sai mục đích, không đưa vào dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 119 tỷ đồng… Hành vi của ông Đinh La Thăng phạm vào tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại khoản 3 Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Cụ thể hành động

Là người theo dõi sát vụ việc cũng như diễn tiến bước đầu của phiên tòa, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức T.Ư Lê Quang Thưởng nhấn mạnh: “Đúng là không còn bất cứ vùng cấm nào nữa. Quyết tâm của Đảng đã được cụ thể hóa thành hành động. Những vấn đề dư luận quan tâm của vụ án đều được công khai trên công luận, không hề có sự giấu giếm, thể hiện sự minh bạch, dân chủ cao”. Ông Lê Quang Thưởng cũng đánh giá cao tiến độ điều tra nhanh, đưa ra xét xử sớm, không để dư luận phải đồn đoán. “Mức án cho tội tham nhũng sẽ rất nghiêm khắc, tuy nhiên tùy theo sự thành khẩn và mức độ khắc phục, chắc chắn có những mức án phù hợp”- ông Thưởng nói.

Trong bài viết mới đây, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng nhấn mạnh: “Cần khẳng định rằng việc phanh phui, gột rửa những nhem nhuốc, tiêu cực sẽ không dừng lại, mà từ đây, với niềm tin đã được xốc dậy. Chẳng phải trong Nhân dân, trong mỗi đảng viên đã luôn bất bình và phẫn nộ trước nạn tham nhũng, suy thoái. Chẳng phải chúng ta đã chứng kiến những kẻ có lòng tham vô đáy lợi dụng kẽ hở của chính sách, lạm dụng quyền lực để móc túi Nhân dân, rồi chính những kẻ đó và bè cánh lại tìm mọi cách để "chui sâu, leo cao" hơn nhằm bảo đảm cho khối tài sản ăn cắp đó tiếp tục sinh sôi, nảy nở? Nếu tình hình tham nhũng và suy thoái không được loại trừ, Ðảng này, chế độ này, đất nước này sẽ đi về đâu? Chính vì vậy mà ngay lúc này, Ðảng và những người nắm giữ vai trò chèo lái đất nước phải kiên quyết hành động”.

"Qua diễn biến những ngày đầu phiên toà xét xử ông Đinh La Thăng cùng các đồng phạm, cá nhân tôi nhìn nhận, lời khai của một số bị can chưa có sức thuyết phục. Cụ thể, nhiều bị can nguyên là lãnh đạo đứng đầu PVN, PVC khi khai nhận tại phiên toà xét xử đều cho rằng mình thiếu nhận thức, không hiểu biết rõ ràng dẫn đến có những hành vi sai trái, vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, các bị cáo “quên” rằng để đảm đương những chức vụ đứng đầu cơ quan, họ đã có học hàm, học vị đầy đủ về chuyên môn; đã trải qua nhiều khóa học nâng cao về công tác quản lý Nhà nước… Tôi mong phiên toà có những căn cứ xác đáng, sáng suốt xét xử đúng người, đúng tội, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và làm gương không để vi phạm tái diễn." - Ông Hoàng Quốc Hùng (phường Trung Hòa, Cầu Giấy)