Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xung quanh vụ sập nhà 43 Cửa Bắc: Cần xem xét đa chiều

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ 15/8 này, công trình xây dựng cạnh công trình liền kề phải có bản cam kết của chủ đầu tư bảo đảm an toàn đối với công trình đó.

Đây là một trong nhiều nội dung đáng chú ý trong Thông tư 15/2016/TT – BXD hướng dẫn về cấp phép xây dựng vừa được Bộ Xây dựng ban hành.

Trong bối cảnh người dân Hà Nội và dân cư thuộc các khu đô thị đang hoang mang vì sự cố sập nhà Cửa Bắc do nhà kế bên đào móng thì ý nghĩa tích cực của Thông tư 15 tạo được hiệu ứng dư luận tốt. Tuy nhiên, ở góc độ chuyên môn, theo các chuyên gia xây dựng để giải quyết được bản chất vấn đề an toàn thi công cần phải nhìn từ nhiều hướng.

Biện pháp thi công phải an toàn

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về vấn đề này, PGS.TS Trần Chủng - Trưởng ban Chất lượng - Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, ý nghĩa tăng cường trách nhiệm của chủ đầu tư, đảm bảo sự an toàn của các hộ dân ở những công trình liền kề trong thi công xây dựng của Thông tư 15/2016/TT – BXD là tốt. Tuy nhiên quan trọng hơn là quá trình giám sát thực hiện phải chặt. Cần nhìn nhận thực tế các công trình xây dựng nhiều đời, lại gia cố sai kỹ thuật như móng nông, chồng thêm tầng về mặt lý thuyết là khó tồn tại. Tuy nhiên, một khi nó đã tồn tại được thì phải chấp nhận đây là một công trình hiện hữu, không thể lấy lý do sai về tiêu chuẩn mà đổ thừa cho nó không an toàn. Nếu nói ngôi nhà 43 Cửa Bắc này “bỗng dưng” sập đổ là không hiểu bản chất của sự việc. Bất kỳ một cấu kiện, một bộ phận hay toàn bộ công trình bị sập đổ đều có các “triệu chứng” trước đó. Vì vậy đáng lẽ, chính quyền địa phương quản lý phải nhận thấy được những “triệu chứng” không bình thường này để giám sát chặt chẽ chủ đầu tư căn nhà 41 Cửa Bắc theo giấy phép xây dựng được cấp thì có thể đã ngăn được các sự cố đau lòng.
Hiện trường vụ sập ngôi nhà 43 Cửa Bắc, Ba Đình ngày 4/8. Ảnh: Công Hùng
Hiện trường vụ sập ngôi nhà 43 Cửa Bắc, Ba Đình ngày 4/8. Ảnh: Công Hùng
Đồng quan điểm, TS Phạm Sỹ Liêm – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây Dựng nhận định: “Việc ban hành Thông tư 15 là nhằm mục đích nhấn mạnh, nâng trách nhiệm của chủ đầu tư kể từ ngày 15/8 chứ không có nghĩa thời điểm trước “bất cần” trước sự an toàn cho các công trình liền kề”.

Liên quan đến sự cố sập nhà gần đây, TS Phạm Sỹ Liêm phân tích: Theo tôi trong lĩnh vực xây dựng, nhất là khu vực phố cũ, phố cổ, việc xây dựng, cải tạo các công trình liền kề luôn là một thách thức mà không phải ai trong nghề cũng có thể thực hiện được. Nó không chỉ đòi hỏi về kinh nghiệm chuyên môn mà còn sự nghiên cứu bài bản thông tin địa chất công trình, độ lún. Cho nên theo tôi khi truy tố thì việc đầu tiên phải đặt câu hỏi cho chủ đầu tư. Tại sao công nhân thi công mà chủ đầu tư lại bỏ mặc, không giám sát chất lượng? Tiếp theo là trách nhiệm của bên thi công không tìm hiểu đầy đủ khi xây dựng, dù người dân cảnh bảo vẫn cố tình “đào móng” với lực và cường độ liên tục. Chủ đầu tư và đơn vị thi công không thực hiện đúng nội dung giấy phép xây dựng (chỉ được cải tạo, sửa chữa) gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì đây không phải là lần đầu tiên.

Nên có hướng dẫn cụ thể với từng loại công trình

Khi bàn về mối liên hệ giữa Thông tư 15 vừa ban hành với sự cố sập nhà Cửa Bắc, theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, việc chủ đầu tư phải có cam kết đảm bảo an toàn, tức là khi công trình bên này đào móng, ép cọc thì cần có giải pháp làm giàn giáo chống đỡ cho công trình liền kề bên cạnh là tốt. Tuy nhiên, về khách quan cũng phải xem xét công trình bên cạnh. Ví dụ như tại căn nhà số 43 Cửa Bắc nhiều người dân cho biết rằng, ngôi nhà này nguyên là nhà thô sơ một tầng sau đó chồng tiếp các tầng khác lên trên. Nếu sự thật này đúng chỉ cần tứ phía xung quanh bỏ đi thì lập tức nhà số 43 sẽ sập ngay bởi vì nền khung quá yếu.

“Tôi cho rằng nếu chỉ cam kết chủ đầu tư phải thực hiện cam kết an toàn thì có những nơi khó thực hiện được. Chúng ta phải đi từ hai phía hay nói cách khác là để cải tạo hay xây dựng một địa điểm nào đó thì chủ đầu tư nhà ở đơn lẻ phải khảo sát các phía có thể bị ảnh hưởng. Từ đấy mới đưa ra được giải pháp có chống đỡ được không. Trường hợp đã lên phương án cũng không thể đảm bảo được độ an toàn cho công trình bên cạnh thì chủ đầu tư phải báo cáo lên cấp thẩm quyền cao hơn để xin ý kiến. Cái sai của chủ nhân sở hữu căn nhà 41 Cửa Bắc vì thế cùng nằm ở đây: không báo cáo phương án đảm bảo an toàn cho tòa nhà bên cạnh, tự ý thi công làm nền đất biến động” - GS.TSKH Đặng Hùng Võ cho hay.

PGS.TS Trần Chủng cũng nhìn nhận rằng biện pháp thi công an toàn cho nhà phố liền kề trong trường hợp xây dựng tương tự là phải tính đến lún ảnh hưởng từ công trình mới xây đến công trình liền kề. Xu hướng công trình mới xây có thể cao hơn, nặng hơn và giải pháp móng dứt khoát phải dùng móng sâu (móng cọc). Như vậy, công trình mới sẽ lún rất ít hoặc không lún nhưng ảnh hưởng rất hạn chế tới móng công trình liền kề. Việc lựa chọn giải pháp móng chưa đủ mà cần có giải pháp thi công không ảnh hưởng tới công trình lân cận như cách hạ cọc (ép tĩnh cọc, ép cọc có khoan dẫn). Việc đào hố móng cũng cần giải pháp cừ để không bị sạt lở hay dịch chuyển của đất nền nhà liền kề. Vì bài toán khó và phức tạp như vậy, các chính quyền địa phương cần có quy định cấp phép đặc biệt cho khu vực này và cần có hướng dẫn, kiểm tra đặc biệt hơn đối với các loại công trình khác.

“Điều quan trọng sau sự cố đau lòng này Sở Xây dựng phải nhanh chóng phối hợp với chính quyền địa phương triển khai đánh giá toàn bộ hiện trạng các công trình liền kề tại khu vực Cửa Bắc – Ba Đình để nghiên cứu phương án tiến hành hành gia cố, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Đặc biệt từ 15/8 tới đây khi Thông tư 15/2016/TT – BXD hướng dẫn về cấp giấy phép xây dựng có hiệu lực thì cần phát huy ý nghĩa tích cực nhất của nó: đảm bảo an toàn cho các hộ dân trong công trình liền kề, đặc biệt là khu phố cũ, phố cổ” - TS Phạm Sỹ Liêm nhấn mạnh.
Các đô thị Hà Nội chủ yếu xây trên vùng có địa chất yếu với tầng bùn rất sâu sau lớp đất sét chịu lực có bề dày từ 3,5 - 7m. Các ngôi nhà cũ cỡ 2, 3 tầng đều nằm trên các móng nông và truyền tải trực tiếp vào lớp đất này. Sau nhiều năm, hệ cân bằng giữa khả năng chịu tải của nền và công trình đã ổn định. Chỉ cần có một tác động nào đó như xây công trình mới hay thậm chí tháo dỡ công trình đang tồn tại sẽ phá vỡ trạng thái cân bằng này. Nền đất có thể bị trồi lên (khi tháo dỡ công trình) hoặc lún xuống khi công trình mới xuất hiện.
PGS.TS Trần Chủng - Trưởng ban Chất lượng - Tổng Hội Xây dựng Việt Nam