Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xung quanh vụ “truy giấy phép biểu diễn ở hồ Hoàn Kiếm”: Quản lý thế nào cho đúng?

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự việc to tiếng giữa Công an quận Hoàn Kiếm và gia đình cậu bé chơi violon 15 tuổi trong khu vực phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm không mang tính chất điển hình, mà tiềm ẩn từ lâu; khi quá nhiều nhóm nhạc biểu diễn tự phát trong khu vực này.

Hà Nội đang xây dựng quy chế quản lý đặc thù trong không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, nhiều ý kiến mong quy chế này học “Tây” tự do biểu diễn, nhưng không ít người cho rằng cơ quan Nhà nước không thể không quản lý.
Không cần giấy phép
Ngày 29/7, mạng xã hội dậy sóng trước câu chuyện của người có nick name là Hằng Karose, chia sẻ về việc con trai mình (15 tuổi) đứng kéo đàn trên phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm (đường Đinh Tiên Hoàng) vào tối 28/7, bị lực lượng chức năng đến to tiếng, gây căng thẳng, yêu cầu phải có giấy phép biểu diễn... Bày tỏ ý kiến về sự việc này, ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội cho biết: “Các chương trình biểu diễn nghệ thuật quần chúng trên phố đi bộ không phải xin phép, nhưng phải có thông báo nội dung và địa điểm biểu diễn về Sở VH&TT trước 5 ngày biểu diễn để tránh tình trạng đặt hòm “từ thiện”, quyên tiền tràn lan, phản cảm cũng như nội dung biểu diễn không phù hợp”. Bà Hằng Karose cũng thừa nhận gia đình có sai sót là chưa gửi thông báo biểu diễn đến các cơ quan chức năng.

Hình ảnh về một trong những lần cậu bé kéo đàn violon trên tuyến phố đi bộ. Ảnh: Anninhthudo.vn

Trong không gian phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm, không chỉ có hát xẩm ở Tượng đài Vua Lê, mà còn có nhóm nhảy biểu diễn nhạc trẻ ở gần số 12 Đinh Tiên Hoàng, nhóm kéo violon và chơi guitar trước cửa Nhà hàng Thủy Tạ, dàn hợp xướng ở ngã tư Tràng Tiền, Hàng Khay…, còn rất nhiều nhóm nhạc tự phát thổi sáo, kéo đàn, kéo nhị… ở trong khu vực này. Nhiều hình ảnh phản cảm thường thấy đó là cảnh ngả mũ xin tiền khán giả của các nhóm hát. Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành quận Hoàn Kiếm về sự việc ngày 28/7, trước khi đoàn nhắc nhở, trước mặt cậu bé kéo violon 15 tuổi cũng có mấy tờ 20.000 và 10.000 đồng của khán giả biếu tặng. Quận Hoàn Kiếm vẫn đang kiểm tra, xác minh đúng - sai của Công an quận với cậu bé 15 tuổi biểu diễn violon trên khu vực phố đi bộ tối 28/7. Nhưng ông Đinh Hồng Phong – Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho rằng, có nhiều nhóm lợi dụng vào khu vực này biểu diễn tự phát với mục đích xin tiền. Vào mỗi tối cuối tuần, 3 đoàn kiểm tra liên ngành của quận, cùng với Thanh tra văn hóa, Sở VH&TT Hà Nội phải liên tục nhắc nhở hoạt động biểu diễn mới đỡ lộn xộn.
Chờ quy chế quản lý đặc thù
Sau sự việc ngày 28/7, nhiều ý kiến trên mạng xã hội cho rằng cơ quan quản lý cứng nhắc, không chịu cập nhật "Tây". Vì không gian đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm là không gian văn hóa mở, nên để người dân tự do biểu diễn, giống như ở các quảng trường văn hóa của Paris (Pháp) và Berlin (Đức). Tuy nhiên, người có nhiều năm sống và trải nghiệm ở Đức như nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho rằng không có câu chuyện tự do biểu diễn, thích làm gì thì làm ở Berlin. Cảnh sát Đức chỉ bỏ qua thủ tục đăng ký biểu diễn cho các nhóm biểu diễn ở gầm cầu, chợ trời…, những nơi không phải đóng thuế cho các nhóm người tị nạn vì lý do nhân đạo, nhưng không có nghĩa họ không “nắm trong lòng bàn tay” tên tuổi cũng như nội dung của các nhóm này hoạt động.
Trên phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm cũng có quy định về đăng ký, thông báo biểu diễn nhưng hình như không có cá nhân tổ chức nào chấp hành. “Đã nửa năm nay, mỗi tối cuối tuần, Thanh tra Sở VH&TT Hà Nội liên tục đi nhắc nhở, phát những tờ khuyến cáo đề nghị các cá nhân, tổ chức biểu diễn đăng ký với Sở theo mẫu, nhưng hình như cũng không có cá nhân, tổ chức nào gửi bản đăng ký” – ông Nguyễn Thanh Phong – Chánh Thanh tra Sở VH&TT cho biết. Theo nhạc sĩ Nguyễn Quang Long – thành viên nhóm xẩm Hà Thành, biểu diễn tại Tượng đài vua Lê cho biết: “Để biểu diễn ở phố đi bộ một cách chính thức rất đơn giản, chỉ cần đăng ký lên Sở giống như thông báo, không có gì rườm rà”. Khi cá nhân, tổ chức không nghiêm chỉnh chấp hành thì các cơ quan quản lý tỏ ra khá lúng túng, vì mới chỉ dừng lại ở biện pháp nhắc nhở. Người có ý thức thì tạm dừng, người cố tình chây ì vẫn nghiễm nhiên biểu diễn. Chính vì vậy, Chủ tịch UBND TP đã giao cho UBND quận Hoàn Kiếm xây dựng quy chế quản lý đặc thù cho tất cả các lĩnh vực, trong đó có quản lý biểu diễn trên phố đi bộ quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Hiện nay, dự thảo của quy chế quản lý tổ chức khu phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm đã được UBND quận Hoàn Kiếm trình UBND TP Hà Nội. Chúng tôi đang chờ ý kiến góp ý của tập thể lãnh đạo UBND TP, trước khi Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký ban hành” – ông Đinh Hồng Phong nhấn mạnh.