Y án vụ Agribank Chi nhánh 6 bị thiệt hại gần 1.000 tỷ đồng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 11/5, sau 3 ngày đưa ra xét xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã bác kháng cáo của các bị cáo và nguyên đơn dân sự trong vụ án gây thiệt hại gần 1.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam - Chi nhánh 6 (Agribank CN6).

Theo đó, HĐXX đã tuyên y án tù chung thân đối với bị cáo Dương Thanh Cường (nguyên Tổng Giám đốc và Giám đốc Công ty TNHH đầu tư xây dựng Tấn Phát) - người cầm đầu vụ án về 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Bị cáo Hồ Đăng Trung - nguyên Giám đốc Agribank CN6 nhận 20 năm tù; bị cáo Hồ Văn Long - nguyên trưởng phòng tín dụng nhận 19 năm tù; bị cáo Lê Thành Công - nguyên Tổng Giám đốc Công ty Dệt kim Đông Phương nhận 25 năm tù. Ngoài ra, HĐXX cũng tuyên giữ nguyên hình phạt đối với những bị cáo còn lại.

Theo HĐXX, hành vi phạm tội của các bị cáo đã rõ, mức án cấp sơ thẩm áp dụng là hợp lý vì vậy không có căn cứ để xem xét giảm nhẹ hình phạt đối với các bị cáo.
Dương Thanh Cường (thứ 2 từ trái sang) và đồng phạm trong vụ thất thoát gần 1.000 tỷ tại Agribank. Ảnh báo Vnexpress
Dương Thanh Cường (thứ 2 từ trái sang) và đồng phạm trong vụ thất thoát gần 1.000 tỷ tại Agribank. Ảnh: Vnexpress
Còn đối với kháng cáo của Agribank xin được nhận 23 bất động sản mà Thanh Cường đã lừa lấy giấy tờ đem đi thế chấp cho Ngân hàng Phương Nam, HĐXX cho rằng, việc bỏ lệnh kê biên giao tài sản này cho Ngân hàng Phương Nam là hợp lý nên không chấp nhận.

Trước đó, tại bản án sơ thẩm đã xác định, dù không có khả năng tài chính nhưng Thanh Cường vẫn thành lập nhiều công ty với số vốn đăng ký hàng trăm tỷ đồng rồi thuê người làm giám đốc để lập hồ sơ vay vốn ngân hàng. Để có tiền kinh doanh, Cường chỉ đạo cho cấp dưới lập hồ sơ vay 170 tỷ đồng của Agribank CN6 với tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất tại số 10 đường Âu Cơ của Công ty Đông Phương cùng với bất động sản tại 44 đường An Dương Vương (Quận 8) do công ty của Cường đứng tên.

Được Cường đặt vấn đề, Hồ Đăng Trung chỉ đạo cấp dưới lập báo cáo thẩm định. Quá trình thực hiện thẩm định, dù biết dự án tại số 10 Âu Cơ chưa được phê duyệt, tài sản đảm bảo chỉ là chứng nhận tạm thời nhưng cán bộ tín dụng Agribank CN6 vẫn đề xuất cho vay.

Trong vụ việc này, bị cáo Trung được xác định đã phớt lờ quy định của ngân hàng về việc chi nhánh chỉ có quyền phán quyết cho vay tối đa 80 tỷ đồng; không xin nâng quyền phán quyết cho vay mà tự ý lấy quyết định nâng quyền phán quyết cho vay của dự án khác để hợp thức hóa hồ sơ cho công ty của Cường.

Ngoài ra, lãnh đạo và các cán bộ tín dụng của Agribank CN6 còn mắc hàng loạt sai phạm khác như: ký hợp đồng thế chấp tài sản không công chứng, không đăng ký giao dịch bảo đảm...

Làm ăn trót lọt, đến tháng 10/2007, Cường tiếp tục chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ vay 628 tỷ đồng của Agribank CN6 để thực hiện dự án Khu biệt thự nhà vườn tại xã Phong Phú (huyện Bình Chánh).

Sau khi được bị cáo Trung đồng ý, Cường dùng 3 bất động sản tại quận 12, quận Bình Tân và quận 8 cùng 23 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại xã Phong Phú đem thế chấp.

Trong “phi vụ” này, bị cáo Trung được xác định là phê duyệt cho vay khi dự án chưa được phê duyệt và 23 bất động sản mà Cường đem thế chấp chưa được chuyển nhượng cho Công ty Thanh Phát nhưng lãnh đạo ngân hàng vẫn ký hợp đồng.

Trong lúc Agribank CN6 đang giải ngân cho công ty của bị cáo thì Cường tiếp tục chỉ đạo cho hai thuộc cấp mượn 23 tài sản đang thế chấp cho Agribank CN6 với lý do đi hoàn tất thủ tục rồi đem đi thế chấp cho ngân hàng khác để vay hàng trăm tỷ đồng và hàng chục nghìn lượng vàng. Hậu quả, các công ty của bị cáo Cường sau đó mất khả năng thanh toán với số tiền nợ ngân hàng gần 966 tỷ đồng.