Ý kiến đại biểu Quốc hội

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng 22/10, Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII đã chính thức khai mạc. Kỳ họp kéo dài đến ngày 22/11 với nhiều nội dung quan trọng. Phóng viên báo Kinh tế&Đô thị đã ghi lại một số ý kiến của các Đại biểu Quốc hội.

Ý kiến đại biểu Quốc hội - Ảnh 1
Các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII.
 
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên: Đại biểu Quốc hội cũng phải vào cuộc

Đổi mới nhưng không phải bằng cách đạp đổ những cái cũ để làm cái mới, mà phải biết kế thừa trên cơ sở phân tích những việc chúng ta đã làm, phát hiện ra cái sai, cái chưa được để có biện pháp khắc phục. Vấn đề là một mình Thủ tướng không thể làm được, mà toàn bộ hệ thống phải vào cuộc. Đại biểu Quốc hội với tư cách là đại diện cho mong muốn của người dân, ngay trong Kỳ họp thứ 4 này phải nói lên tâm tư, nguyện vọng của người dân và nói lên biện pháp để thực hiện điều ấy, cùng với Thủ tướng. Vấn đề là Chính phủ phải có trách nhiệm tiếp thu nguyện vọng của người dân để có những chính sách phù hợp. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGD, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Lê Như Tiến: Đánh giá cao việc nhận khuyết điểm của Chính phủ

Việc Thủ tướng tự nhận thấy khuyết điểm của mình, của Chính phủ và cá nhân Thủ tướng là hết sức mạnh dạn và được các đại biểu Quốc hội đánh giá cao. Với tư cách là đại biểu Quốc hội, tôi rất hoan nghênh tinh thần tự nhận trách nhiệm này. Sau hội nghị T.Ư 6, tôi cho rằng trước sau gì Thủ tướng cũng sẽ có chương trình hành động, có hệ thống các giải pháp đi kèm. Đặc biệt là phải có hướng đi cụ thể hơn trong việc tái cơ cấu lại tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, phải chỉ rõ trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Đoàn Trà Vinh): Nhận lỗi chỉ là bước đầu

Trong báo cáo về kinh tế - xã hội, Thủ tướng có nhận những khuyết điểm về chỉ đạo điều hành, tôi nghĩ đây cũng thể hiện trách nhiệm của người lãnh đạo và điều hành, nhưng quan trọng là biện pháp sắp tới để khắc phục như thế nào và để chứng minh lời nhận lỗi đó có giá trị chứ không phải chỉ hứa là xong. Không những Quốc hội, mà kể cả cử tri cũng dựa trên cơ sở lời hứa đó, để giám sát những chuyển biến và đặc biệt là những biện pháp khắc phục từ khâu điều hành đến khâu sửa chữa những sai lầm. Đây mới là điều quan trọng chứ nhận lỗi chỉ là bước đầu, một dấu hiệu tích cực gửi đến cử tri và Quốc hội.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP. HCM Trần Du Lịch: Vẫn nên duy trì lộ trình tăng lương

Tăng lương để đảm bảo cuộc sống là cần thiết, nhưng theo tôi tăng lương phải gắn liền nâng hiệu quả của bộ máy, tinh gọn những gì không cần thiết.  Tôi cho rằng, năm 2013 vẫn nên duy trì lộ trình tăng lương, nhưng phải cắt giảm chi thường xuyên, chỉ giữ lương và trợ cấp xã hội, các khoản khác phải cắt ít nhất 10% so với thực chi 2012. Vì tôi thấy còn nhiều khoản chi lãng phí. Riêng tăng khu vực doanh nghiệp cũng phải có lộ trình, ví dụ mỗi năm tăng 15% chẳng hạn, vì doanh nghiệp đang khó khăn, điều chỉnh lương không khéo lại ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần