Nhiếp ảnh gia Phạm Công Thắng được nhiều người biết tiếng qua những ảnh đẹp bày trong cac cuộc triển lãm cá nhân cũng như của Hội và có nhiều ảnh đăng báo.
Đến nhà ông ở 225A phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, chúng tôi bất ngờ về ý tưởng và khâm phục khả năng sưu tầm của một nghệ sĩ nhiếp ảnh. Sau khi đại dịch Covid-19 bước đầu được khống chế, tự nhiên ông nghĩ đến một việc cần làm kẻo cơ hội không chờ mình là làm một cuộc sưu tầm mang tên “Ký ức nhiếp ảnh”.
Ông liên hệ với nhiều ngươi bằng nhiều kênh giao tiếp liên quan đến nhiếp ảnh. Chỉ trong hai năm, ông đã được hơn 300 người trong cả nước, phần lơn là nghệ sĩ nhiếp ảnh và nhiều người không chuyên như: Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Giáo sư Hà Đình Đức… góp tặng máy ảnh, ống kính các loại theo máy, tất cả đã qua sử dụng.
Điều ngạc nhiên hơn nữa là mới tính từ giữa năm 2020 tới nay, ông đã có trong tay hơn 700 hiện vật, gồm các loại máy ảnh cổ xưa như máy chụp bằng kính, máy ảnh có hộp xếp, máy ảnh chụp bằng phim cuộn có lõi sát và giấy đen bọc ngoài và các loại máy chụp phim 35mm có hai cạnh đục lỗ, đồng hồ đo sáng, máy ảnh chụp dưới nước và các loại máy chụp bằng thẻ nhớ.
Ngoài ra, các đồ nghề làm ảnh thủ công như: hộp tráng phim, máy phóng ảnh, bóng đèn sữa để phóng ảnh và các dụng cụ dùng trong buồng tối. Tất cả được trưng bày trang trọng kèm tên người tặng trong một không gian chưa tới 30m2.
Trên đất nước ta chưa có tổ chức hoặc cá nhân nào làm được như thế. Cuộc sưu tầm vẫn đang tiếp tục và nghệ sĩ Phạm Công Thắng có ý định mở rộng không gian trưng bày hơn nữa cho phù hợp với cuộc quyên góp độc đáo này kể cả các sách về nhiếp ảnh.
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đã đến thăm phòng trưng bày và nghệ sĩ Phạm Công Thắng đã được Hội tặng Bằng khen.