Ý tưởng liên bang hóa Syria: Ẩn chứa nhiều rủi ro

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuần này, cuộc xung đột Syria bước vào năm thứ 6 giữa lúc hy vọng thỏa thuận ngừng bắn đang được thực thi sẽ giúp phá vỡ thế bế tắc, tiến tới đàm phán hòa bình thành công ngày càng trở nên mong manh.

Chuỗi đàm phán dự kiến bắt đầu trong tuần này, khi mà cuộc xung đột Syria xảy ra khiến hơn 250.000 người thiệt mạng, kéo theo hệ lụy là cuộc khủng hoảng di cư và sự lớn mạnh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Trước đó, lệnh ngừng bắn được cho là điều kiện để xúc tiến hòa đàm bị chính quyền Moscow ghi nhận ít nhất 10 lần vi phạm chỉ trong vòng 24 giờ. Điểm khúc mắc nữa là tranh cãi về thành phần tham dự hòa đàm. Đảng Liên hiệp dân chủ người Kurd (PYD) tại Syria luôn vấp phải phản đối từ Thổ Nhĩ Kỳ, với cáo buộc là nhánh mở rộng của Lực lượng người Kurd chống Chính phủ Ankara.
Kéo dài hơn 5 năm qua, cuộc khủng hoảng Syria khiến hơn 250.000 người thiệt mạng.
Kéo dài hơn 5 năm qua, cuộc khủng hoảng Syria khiến hơn 250.000 người thiệt mạng.
Ngay cả nội dung chương trình nghị sự trên bàn đàm phán cũng đang mơ hồ khi còn tồn tại nhiều mâu thuẫn giữa các bên liên quan. Chính quyền Syria duy trì quan điểm bác bỏ bàn thảo liên quan tới chính quyền Tổng thống trên bàn đàm phán hòa bình Syria. Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem ngày 12/3 khẳng định, chính quyền nước này sẵn sàng tham gia hòa đàm, nhưng cảnh báo cuộc đàm phán sẽ thất bại nếu các phe đối lập tiếp tục lấn tới. Những tuyên bố cứng rắn trên của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Syria được đưa ra sau khi Đặc phái viên Liên Hợp Quốc (LHQ) về Syria Mistura tuyên bố, cuộc bầu cử Quốc hội được Tổng thống Syria Bashar al-Assad ấn định vào ngày 13/4 không có hiệu lực. Cuộc bầu cử duy nhất có hiệu lực sẽ phải trên cơ sở quyết định của Hội đồng Bảo an LHQ. Trong khi đó, Ủy ban đàm phán cấp cao thuộc phe đối lập chính của Syria cho rằng, quá trình chuyển đổi chính trị tại Syria chỉ có thể bắt đầu khi ông Assad không còn là Tổng thống nữa. Qua đó, phe này cáo buộc Damacus có ý định phá hủy chuỗi đàm phán trước cả khi bắt đầu.

Những cáo buộc “tay ba” qua lại cho thấy thách thức lớn vẫn chờ đón nỗ lực xúc tiến cuộc hòa đàm tại quốc gia Trung Đông này. Giống như cách đây 2 năm, các cuộc đàm phán hòa bình về vấn đề Syria diễn ra nhưng không đạt được thành quả do mâu thuẫn về chương trình nghị sự giữa các bên. Phía Chính phủ muốn tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố, trong khi phe đối lập yêu cầu bàn thảo về một chính phủ chuyển giao. Do đó, với những bất đồng ngay trước thềm đàm phán lần này, hòa đàm Syria có thể tiếp tục rơi vào bế tắc và rồi hy vọng chấm dứt cuộc nội chiến sẽ tiếp tục bị kéo dài.

Giữa muôn trùng mâu thuẫn cũ, có một ý tưởng mới nảy ra đang được các cường quốc đề cập đến là liên bang hóa Syria, theo đó trao thêm quyền tự trị cho chính quyền các địa phương và phân nước này ra nhiều vùng mềm. Tuy nhiên đây là “sáng kiến” hay “tối kiến” vẫn còn đang được xem xét. Mô hình phân chia này có thể dẫn đến những kịch bản khác nhau, từ sự tan rã hoàn toàn như Liên bang Nam Tư cho đến hành trình liên bang lỏng lẻo như Iraq. Theo Foreign Policy, kế hoạch liên bang hóa Syria ẩn chứa nhiều rủi ro, phức tạp và không dễ thực thi nhưng vẫn đáng được đặt lên bàn đàm phán tại Geneve.