Tuy nhiên, trên thực tế, quận Hoàn Kiếm chưa khai thác hết tiềm năng, giá trị to lớn của tài nguyên du lịch để phát triển sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách du lịch.
Theo TS Nguyễn Anh Tuấn - Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch: đặc điểm đặc biệt của khu vực bãi giữa sông Hồng là có cây cầu Long Biên hơn 100 tuổi lịch sử chạy qua, lại nằm ngay cạnh khu vực 36 phố phường nhộn nhịp. Do đó, cần quy hoạch tổng thể không gian khu vực này theo hướng lấy cây cầu Long Biên là trục cảnh quan tạo ra không gian mở, xanh với hai bên là khu vực bãi giữa làm điểm đến vui chơi, giải trí và thư giãn đầy hấp dẫn của Thủ đô.
Quy hoạch bảo tồn và phát huy cầu Long Biên như một bảo tàng sống, sân khấu biểu diễn thực cảnh văn hóa nghệ thuật làm sống động lại hình ảnh Hà Nội xưa và nay, bên dưới cây cầu là công viên sinh thái, văn hóa du lịch bãi giữa sông Hồng, trong đó dành không gian nhất định cả hai bên khu vực bãi giữa gần cầu nhất để cho khách du lịch và người dân Thủ đô có thể thư giãn, ngồi ngắm nhìn vẻ đẹp của cây cầu đã tồn tại xuyên qua 3 thế kỷ cũng như thưởng thức chương trình biểu diễn nghệ thuật và các hoạt động văn hóa làm sống lại hình ảnh Hà Nội xưa và nay.
Với diện tích rộng của khu vực bãi giữa sông Hồng, cần quy hoạch thành các khu chức năng như không gian công cộng; không gian cảnh quan nông nghiệp, trong đó người dân trồng hoa theo mùa, trồng rau và cây lương thực ngắn ngày phù hợp để cho khách có thể tham quan, trải nghiệm, chụp ảnh và hưởng thụ các giá trị cảnh quan nông nghiệp giữa dòng sông và khung cảnh đô thị văn minh hiện đại đôi bờ sông Hồng.
Đồng thời, cần quy hoạch các phân khu chức năng như không gian công viên cây xanh và dạo bộ thư giãn; không gian sáng tạo nghệ thuật gắn với giá trị văn hóa lịch sử Thủ đô và dòng sông Hồng; không gian nghệ thuật cộng đồng; không gian vui chơi, giải trí theo chuyên đề, không gian tập thể thao gắn với mặt nước; không gian thưởng thức ẩm thực, đồ uống; không gian biểu diễn nghệ thuật, tái hiện chợ truyền thống. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện phải tính đến việc bảo đảm an toàn, phòng chống xói lở, sụt lún, thoát lũ vào mùa mưa bão.
Như vậy, để khai thác phát triển du lịch tại khu vực bãi giữa sông Hồng, cần xây dựng quy hoạch, đầu tư và quản lý hoạt động tham quan du lịch tại khu vực này một cách bài bản. Việc đầu tư xây dựng, khai thác tại khu vực này cần phải bảo đảm an toàn cho các hoạt động trong mùa mưa lũ, không làm thay đổi dòng chảy của sông Hồng.
Cần thiết xây dựng bản đồ chỉ dẫn các địa điểm tham quan, dạo bộ trong công viên, vui chơi, tập thể thao, giải trí, trải nghiệm nông nghiệp, thưởng thức biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực, sáng tạo nghệ thuật... Nên hình thành các phân khu chức năng cung cấp dịch vụ, tuyến tham quan rõ ràng gắn với các sản phẩm văn hóa lịch sử Thủ đô và văn hóa văn minh sông Hồng.
Bên cạnh đó, theo TS Nguyễn Anh Tuấn, TP cần có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp cũng như người dân canh tác trồng hoa, cây nông nghiệp có kiến thức, kỹ năng về du lịch và thái độ ứng xử với khách tham quan, du lịch. Đồng thời, phải tăng cường công tác quản lý, kiểm soát các hoạt động khai thác tài nguyên cát ở gần khu vực bãi giữa để tránh làm biến đổi dòng chảy, gây xói lở, sụt lún gây mất an toàn, ảnh hưởng đến hoạt động tham quan khu vực này.
Sau khi đầu tư hoàn thiện công viên và các khu chức năng, chính quyền địa phương cần ban hành ngay quy chế quản lý hoạt động cung cấp các dịch vụ và quy định đối với khách tham quan, du lịch, vui chơi giải trí và các hoạt động khác tại khu vực bãi giữa; quy định giới hạn số lượng khách, các hoạt động không được tổ chức trên khu vực bãi giữa.