Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Yên ả quê hương”: Vẻ đẹp của tâm hồn nghệ sĩ

Vũ Đức Tân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hồng Trọng Mậu yêu và đam mê nhiếp ảnh từ nhỏ. Tác phẩm ảnh đầu tay “Gác chuông chùa Trăm gian” của ông với góc nhìn lạ được trưng bày tại Triển lãm Nghệ thuật nhiếp ảnh toàn quốc lần thứ hai (1959) bên các tên tuổi như Lê Văn Lễ, Trần Lợi, Đinh Đăng Định, Nguyễn Đức Vân…

Niềm đam mê nhiếp ảnh từ thời niên thiếu được duy trì cho đến ngày nay - sau 65 năm cầm máy ông xuất bản cuốn sách ảnh đầu tiên “Yên ả quê hương”.
 Tác phẩm ''Chiều về''.
Những bức ảnh trong cuốn sách thể hiện khá rõ cái nhìn của tác giả: Đôn hậu, thuần phác, đậm đà tình yêu quê hương. Mảng ảnh nổi bật của Hồng Trọng Mậu là phong cảnh. Những bức ảnh của ông chụp khá tinh tế, bố cục chặt chẽ, giàu tình cảm. “Vui trong ngày hè” (1973) tươi trẻ, sinh động, góc nhìn táo bạo; “Xuân về” có chút lãng mạn, xao xác kỷ niệm; “Mạ xuân” giàu nhịp điệu, màu sắc. “Chiều về” tương phản, sống động về đường nét; “Sen tàn”, “Sen” (nhị bình) tinh tế, sắc sảo trong cảm xúc. Hồng Trọng Mậu không chụp ảnh một các máy móc, vô tình... Ông chụp những gì quen thuộc, gần gũi, hoặc gây cảm xúc đặc biệt. Cảm nhận trong những tác phẩm của ông chứa đựng ở cái nhìn thẩm mỹ, chọn lọc, không xô bồ, dễ dãi.

Ông tham gia Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội từ những ngày đầu thành lập. Là Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật, Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội từ năm 2008 đến năm 2016, có tước hiệu EVAPA, ESVAPA của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và AFIAP của Liên đoàn Nghệ thuật Nhiếp ảnh quốc tế.
Tác phẩm ''Sen'' (nhị bình).
Hà Nội là vùng đất ông gửi gắm nhiều ký ức và kỷ niệm. Hà Nội của Hồng Trọng Mậu dân dã và có nhiều nét hoài cổ. Ông chụp “Bóng quê hương” trên cánh đồng mạ xuân; chụp “Đường Thanh Niên” từ góc cao để thấy một con đường trùm bóng cây xanh; chụp “Đêm ô Quan Chưởng” thấp thoáng bóng người. Đâu đó có vài chân dung cận cảnh như “Nghệ nhân làm đàn dân tộc Đào Soạn” hay “Công nhân may xuất khẩu”. Ấm áp trong khuôn hình là hình ảnh “Ngõ quê”, hình ảnh “Cổng làng Ước Lễ”, “Cây đa đầu làng”, “Giếng làng”. Ông không hướng ống kính về những nhà cao tầng, cuộc sống ồn ào ở đô thị, mà tìm tới những khung cảnh thoáng đãng ở nông thôn như “Quán đồng”, “Đường làng”, “Chợ quê”…

Là người trầm tính, sống nội tâm, nhưng Hồng Trọng Mậu cũng là nhà nhiếp ảnh cần mẫn, sáng tạo. Vùng đất quen thuộc và gần gũi được ông thu vào khuôn hình là đồng bằng Bắc Bộ và miền núi phía Bắc Việt Nam. Những bức ảnh phong cảnh của ông chọn góc độ tốt, đúng thời điểm và lựa hướng sáng giàu chất tạo hình.
 Bìa sách Yên ả quê hương
“Đón thuyền cá về” trữ tình, sâu lắng, “Mẻ lưới vàng” tràn đầy rung cảm với hình ảnh mẻ lưới ôm trọn những ánh vàng. Ở vùng núi ông lại chụp “Chợ phong lan” dung dị và gợi cảm hay một “Sa Pa trong mây” trữ tình, huyền bí, “Trên dòng Lô giang” lại tựa như một bức tranh thủy mặc với tiền cảnh là những khóm lau đầy ấn tượng. Có nhiều bức ảnh đẹp ông chụp ở Hà Giang như “Nhà người Mông ở Phố Cáo”, “Mùa hoa Tam giác mạch”,…

“Yên ả quê hương” tập hợp hầu hết các sáng tác quan trọng của Hồng Trọng Mậu trong cuộc đời làm nghệ thuật. Thường ông ít hướng về đề tài thời sự mà chăm chú tới vẻ đẹp tình cảm cũng như những nét tạo hình của đối tượng. Với bản lĩnh nghề nghiệp chắc chắn, niềm đam mê với chất tạo hình của ánh sáng, những tác phẩm của ông lặng lẽ ghi dấu ấn trong đời sống nhiếp ảnh Việt Nam. Không ít tác phẩm của ông giành giải thưởng trong nước và quốc tế, nhưng với ông điều quan trọng hơn là sáng tác đã mang lại nhiều niềm vui, hạnh phúc trong đời sống và thể hiện được tình yêu của ông với Hà Nội và thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam. Dường như ông đã làm được điều ấy và cho đến nay, tuổi gần tám mươi ông vẫn bền bỉ trên con đường nghệ thuật nhiếp ảnh của mình.